itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Giá gạo tăng kỷ lục khi Wal-Mart hạn chế bán ra

Giá gạo tăng kỷ lục khi Wal-Mart hạn chế bán ra

Giá gạo đã lần đầu tiên tăng qua mức 25 đô la khi chuỗi cửa hàng bán lẻ Sam’s Club thuộc Wal-Mart hạn chế nhập một số loại gạo vào thị trường Mỹ.

Gạo là thực phẩm chính của hơn một nửa dân số thế giới. So với năm 2007, giá gạo đã tăng lên gấp đôi, đặc biệt khi nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định nguồn cung trong nước.

Nhiều khách hàng đã bắt đầu dự trữ gạo khi nguồn cung giảm. Theo nhận định của một quan chức của Ngân hàng thế giới: Thái Lan, nước chiếm 1/3 lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, có thể sẽ giảm xuất khẩu. Các thực phẩm khác như lúa mì, ngô và đỗ tương cũng tăng giá kỷ lục trong năm nay. Lương thực tăng giá đã gây ra bất ổn chính trị tại nhiều nước, đặc biệt tại Hai-ti và Ai Cập.

Theo ông Robert Zeigler, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu gạo quốc tế tại Phi-lip-pin, “Trong suốt 15 năm qua, chúng ta đã không chú ý tới nghiên cứu, phát triển và hạ tầng cơ bản cho hoạt động sản xuất lúa gạo và việc các quốc gia đầu cơ gạo sẽ càng làm cho tình hình xấu thêm”.

Hôm qua, gạo đã tăng 0,9% lên mức 25,1 đô la/100 pao (45,4 kg), tăng 26% trong tháng này.

Theo ông Jim Degen, Giám đốc Công ty Tư vấn ngành thực phẩm J.M. Degen & Co tại California, các nhà kho Mỹ đang cố gắng bảo vệ các khách hàng của mình bao gồm một số nhà hàng nhỏ, các chủ khách sạn, bệnh xá và các trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon phát biểu hôm chủ nhật cho rằng giá thực phẩm tăng hiện nay sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và đe dọa an ninh chính trị tại nhiều quốc gia. Ngân hàng thế giới dự báo sẽ có 33 quốc gia từ Mê-xi-cô sẽ phải đối mặt với bất ổn xã hội do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.

Bộ trưởng Nông nghiệp Braxin Reinhold Stephanes thông báo hôm thứ tư nước này sẽ phải hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo dự trữ trong nước.

Ông Hiroaki Kojima, Phó Giám đốc cơ quan kinh tế quốc tế thuộc Bộ nông nghiệp Nhật Bản đang đề nghị tổ chức thương mại thế giới WTO có những quy định nhằm ngăn việc một số nước hạn chế xuất khẩu gạo. Nhật Bản là nước nhập khẩu lượng thực phẩm lớn nhất thế giới hiện nay.

Người mua hàng lưỡng lự trước một cửa hàng gạo tại Băng Cốc, Thái Lan

Tuy nhiên, việc yêu cầu WTO can thiệp gần như là bất khả thi, do Nhật Bản trợ cấp nông nghiệp và thuế quan nhập khẩu ở mức 700% lên các sản phẩm nông sản. Tại vòng đàm phán thương mại diễn ra tại Doha, các quốc gia đang phát triển đã gây sức ép đòi Nhật Bản cắt giảm thuế và mở cửa thị trường.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này hiện đã đảm bảo đủ nguồn gạo trong nước và sẽ ngừng nhập khẩu cho đến khi giá gạo quốc tế ổn định trở lại.

Ông James Adams, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Châu Á TBD nhận định, cùng với các nước châu Á khác, Thái Lan có thể sẽ cắt giảm xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan, ông Samak Sundaravej khẳng định vào hôm thứ ba sẽ không giảm xuất khẩu và nâng giá gạo.

Giá gạo cao đang thúc đẩy hoạt động trồng gạo tại nhiều nước châu Á.

Bộ trưởng Nông nghiệp Phi-lip-pin Arthur Yap cho biết, Phi-lip-pin có thể sẽ giảm lượng gạo nhập khẩu trong hợp đồng tháng tới do sản xuất gạo vượt mức đề ra. Hiện nay, Phi-lip-pin là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch, Phi-lip-pin sẽ mua 500.000 tấn gạo trong hợp đồng tháng năm nhưng sẽ chỉ cần khoảng 200.000 tấn do nước này đã sản xuất được 6,9 triệu tấn gạo trong năm nay.

Việt Thắng (Theo China Daily)