itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Mỹ, Nga tìm lối thoát ngoại giao ở Ukraine

Mỹ, Nga tìm lối thoát ngoại giao ở Ukraine

Bất chấp những chỉ trích căng thẳng giữa hai bên, cả Nga và Mỹ đang tích cực vận động cho một lối thoát ngoại giao ở Ukraine một ngày sau vụ bạo lực làm hơn 40 người thiệt mạng tại Odessa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng John Kerry hôm 3-5 một lần nữa kêu gọi Mỹ gây áp lực để Kiev ngưng chiến dịch quân sự ở miền đông nam Ukraine. Ông nhấn mạnh vai trò của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) để đảm bảo Kiev thực hiện cam kết thỏa thuận Geneva giữa bốn bên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói “cơ hội vẫn còn đó” cho thỏa thuận.

Đây có thể coi là sự thay đổi thái độ khi trước đó Kremlin tuyên bố việc Kiev tấn công vào Sloviansk là “dấu chấm hết” với thỏa thuận. Cả Mỹ và Nga trước đó đều cáo buộc nhau phá hoại thỏa thuận này với việc Mỹ nói Nga tiếp tục giật dây lực lượng ly khai, còn Nga chỉ trích Mỹ không gây đủ sức ép với Kiev. Giờ cả hai đều đồng ý tìm lối thoát ngoại giao và sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận bốn bên.

An ninh không cứu người ở Odessa

Ukraine hôm qua tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng chiến dịch “chống khủng bố” nhắm vào lực lượng ly khai. Cho đến giờ, dù trọng tâm của chiến dịch quân sự là tại Sloviansk, bạo lực đẫm máu nhất vẫn là ở Odessa, nơi vụ cháy tòa nhà công đoàn và đụng độ ngoài đường khiến hơn 40 người thiệt mạng. Bạo lực xảy ra ở thành phố cảng vốn nằm ở cực tây của miền đông, nơi vốn khá thanh bình trong những ngày trước, cho thấy tình hình đã vượt tầm kiểm soát của Kiev tới mức nào. Đây là vụ thương vong đẫm máu nhất kể từ khi chính quyền Yanukovych sụp đổ hồi tháng 2.

Trong tình trạng hỗn loạn, hiện rất khó xác định lực lượng nào đã phóng hỏa khi cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về vụ việc. Tờ Ukrainska Pravda thân Kiev cho rằng chính những người thân Kiev đã không làm gì để giúp những người gặp nạn bên trong khi hỏa hoạn xảy ra. “Khi tòa nhà đang cháy, những nhà hoạt động Ukraine tiếp tục hò hét các khẩu hiệu về Putin và hát quốc ca Ukraine” - tờ báo viết.

Trả lời BBC hôm qua, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk thừa nhận lực lượng an ninh đã thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực ở đây. “Cá nhân tôi phê phán lực lượng an ninh đã không làm gì để chấm dứt cuộc bạo động” - ông Yatsenyuk nói. Dù vậy, ông vẫn chỉ trích các nhóm thân Nga vì đã “kích động tình trạng bất ổn”. Cơ quan công tố ở Odessa cho biết có 144 người đã bị bắt giữ và đang điều tra việc cảnh sát đã không thực hiện nhiệm vụ của mình ở đây. Bộ trưởng nội vụ Arsen Avakov đã cách chức cảnh sát trưởng của thành phố. Tối qua, hàng trăm người thân Nga đã bao vây trụ sở cảnh sát ở Odessa, buộc cảnh sát phải thả những người bị bắt.

Nga muốn hoãn bầu cử

Kremlin đã lấy tình hình ở Odessa để chỉ trích việc tiếp tục tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 25-5. Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov nói bất cứ thảo luận nào về tiến hành bầu cử cũng là “lố bịch” trong bối cảnh hiện tại. “Chính quyền ở Kiev không những chịu trách nhiệm trực tiếp, họ còn là tòng phạm trực tiếp của những hành vi tội ác này” - ông Peskov nói.

Trên truyền hình Nga, hàng loạt chính trị gia và nhà bình luận tuyên bố tội ác chiến tranh đang diễn ra và kêu gọi bảo vệ các nạn nhân ở Ukraine. Nhưng bất chấp những tuyên bố này, giới phân tích cho rằng Kremlin sẽ không vội vàng can thiệp quân sự ngay ở thời điểm này.

Dmitri V. Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie ở Matxcơva, cho rằng ông Putin hiểu rõ cái giá của chiến tranh cao thế nào khi phải kiểm soát một Ukraine đang trên bờ phá sản.

“Ông ta sẽ chờ đợi hơn là vội vàng quyết định gì” - ông Trenin nói với New York Times. Theo ông, bằng việc ép Ukraine hoãn bầu cử tổng thống, Kremlin hi vọng có thể khiến phương Tây mệt mỏi với cuộc khủng hoảng hiện tại và nhượng bộ để Matxcơva chi phối việc định hình chính quyền Kiev sau này.

Hôm qua, giao tranh vẫn tiếp diễn ở ngoại ô của Sloviansk, căn cứ chính của phe ly khai. Phóng viên của AFP chứng kiến vụ đọ súng dữ dội giữa lực lượng ly khai và quân đội tại một điểm kiểm soát. Cho đến giờ đã có ít nhất 10 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại thị trấn này.

THANH TUẤN/ TUỔI TRẺ

Hôm 3-5, Kiev cho công bố đoạn băng ghi âm giữa Vladimir Lukin, đặc phái viên của Tổng thống Putin tới Sloviansk để điều đình vụ thả người, với Igor Girkin, nhân vật cao cấp của phe ly khai tại Sloviansk - căn cứ chính của lực lượng thân Nga. Trong cuộc gọi, ông Lukin có vẻ có quan hệ thân thiết với Girkin. Có một đoạn Girkin nói: “Tôi đã được lệnh phải hỗ trợ ông (Lukin), chứ không phải các thành viên châu Âu”. Kiev cáo buộc Girkin là tình báo quân sự của Nga và là người thực hiện các vụ bạo loạn ở Crimea trước khi vùng đất này tách ra để nhập vào Nga hồi tháng 3.