itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Nhà Trắng "bực mình" với Thủ tướng Anh

Nhà Trắng "bực mình" với Thủ tướng Anh

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7,

Thủ tướng Anh Brown đã ám chỉ

mối quan hệ mặn nồng với Mỹ

trong nhiệm kỳ của ông.

Chính quyền Mỹ đang mất dần sự kiên nhẫn dành cho Thủ tướng Anh trước việc ông Brown miễn cưỡng tuyên bố quốc gia Hồi giáo không bao giờ được phép phát triển vũ khí hạt nhân.

Các đồng minh của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice ngày 11/11 cho rằng Thủ tướng Anh Brown nên “noi gương” Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong việc cảnh báo Iran có thể đối mặt với hành động quân sự, nhằm giúp ngăn chặn một cuộc chiến mới tại Trung Đông. Điều này đã phản ánh sự bực bội ngày càng tăng của Nhà Trắng dành cho thủ tướng Anh Brown.

Mối quan hệ Anh-Mỹ đã trở nên căng thẳng kể từ chuyến thăm Washington đầu tiên của Thủ tướng Anh Brown hồi tháng 7 vừa qua sau khi nhậm chức, trong đó ông Brown ám chỉ rằng sẽ không có chuyện lặp lại mối quan hệ ấm cúng Blair-Bush trong nhiệm kỳ của ông. Kể từ đó, 2 ông chỉ nói chuyện với nhau vài lần qua điện thoại.

Nhà Trắng cũng tỏ ra bực dọc trước bài phát biểu chống Mỹ của các quan chức Công đảng Anh.

Hồi tháng 7, Nhà Trắng không hài lòng khi Thủ tướng Brown bổ nhiệm nhà cựu ngoại giao Mark Malloch Brown, một nhân vật chỉ trích thẳng thừng cuộc chiến Iraq, làm Ngoại trưởng Anh.

Một cuộc tranh cãi cũng đã nổ khi Bộ trưởng phát triển quốc tế Douglas Alexander, đồng minh thân cận của Thủ tướng Brown, phát biểu tại Washington trong đó cảnh báo “chủ nghĩa đơn phương” của Mỹ.

Nhóm cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ Rice khẳng định sẽ có rất ít hi vọng vào giải pháp ngoại giao trừ khi Iran tin rằng sự thách thức của nước này trước cộng đồng quốc tế sẽ dẫn tới những hậu quả kinh tế và quân sự nghiêm trọng. Họ coi Anh là một mấu chốt quan trọng cho nỗ lực đó.

Một quan chức trong Bộ ngoại giao Mỹ có quan hệ thân thiết với bà Rice nói: “Sẽ có ích hơn nếu ông Brown công khai đưa ra những phát biểu cứng cắn. Chúng ta phải thuyết phục Iran rằng phương Tây sẽ không tha thứ cho nước này nếu phát triển vũ khí hạt nhân”.

“Hiện tại, tôi không nghĩ rằng Iran coi lời đe doạ là nghiêm túc. Chúng ta cần Iran và thế giới hiểu rằng chúng ta thống nhất với nhau về vấn đề hạt nhân của quốc gia Hồi giáo, chứ không phải Mỹ ở một phe và các quốc gia châu Âu ở phe đối lập”.

Lời phàn nàn trên đây là rất quan trọng vì ông Brown từng có quan hệ rất tốt với Bộ ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Anh gần đây đã gánh chịu sự bực bội từ một số tướng lĩnh của Mỹ tại Iraq vì quyết định rút quân Anh tại thành phố Basra.

Các quan chức Nhà Trắng đã buộc tội ông Brown là ăn nói nước đôi khi cá nhân thì ủng hộ nhưng sau đó lại khuyến khích các bộ trưởng của ông giữ khoảng cách với chính quyền Bush trước công chúng.

Bộ ngoại giao Mỹ muốn các đồng minh thân cận phải làm tất cả những gì có thể để tìm kiếm biện pháp ngoại giao, một phần nhằm để thuyết phục những người "hiếu chiến" trong chính quyền Bush ủng hộ nỗ lực này và ông Brown đã làm họ "phật lòng" vì không làm điều đó.

Các quan chức Mỹ muốn thủ tướng Anh nhắc đi nhắc lại công khai rằng một quốc gia Iran có vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được và rằng Tehran không thể và không được phép phát triển vũ khí hạt nhân bằng bất cứ giá nào.

Cho tới nay, Thủ tướng Brown mới chỉ nhấn mạnh sự ủng hộ của ông cho một biện pháp ngoại giao và hạ giọng về viễn cảnh chiến tranh trong khi không loại trừ hành động quân sự.

Đối lập hoàn toàn với thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp đã nói rõ ràng rằng chiến tranh sẽ xảy ra. Tuần trước, trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Sarkozy đã thẳng thừng tuyên bố “không thể chấp nhận được chuyện Iran có vũ khí hạt nhân”. Bộ ngoại giao Mỹ muốn nghe những lời tương tự như vậy từ thủ tướng Anh.

Trước đó, ông Sarkozy cho rằng Tehran đang đặt thế giới giữa 2 lựa chọn: Iran có bom hay đánh bom Iran. Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cảnh báo: “Chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Và điều đó là chiến tranh”.

VTH (Dân Trí Online)

Theo Dailymail, Telegraph