itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Cho hát nhép, truyền hình tôn vinh sự giả dối?

Cho hát nhép, truyền hình tôn vinh sự giả dối?

Trong chương trình THTT Bước nhảy hoàn vũ, Minh Hằng đã hát nhép trên giọng của ca sĩ Lan Anh ở các nốt cao của bài hát nhằm làm cho giọng của cô dày hơn.

Phạt hát nhép, ngoài ca sĩ cần phạt luôn các đơn vị buộc ca sĩ hát nhép hoặc để xảy ra vi phạm.

Sáng 18-5, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang với ba đầu cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Theo nhiều ý kiến đề xuất trong hội thảo, sắp tới sẽ không chỉ xử lý ca sĩ vi phạm mà sẽ xử lý cả đơn vị, tổ chức biểu diễn để xảy ra vi phạm, ngoài phạt tiền thật nặng còn cấm hát trong một thời gian, thậm chí nếu vi phạm nặng sẽ cấm biểu diễn.

Nhép vì lý do kỹ thuật

Ca sĩ Thanh Thúy đã đặt vấn đề: “Nhiều đài truyền hình có âm thanh chưa tốt nên đài thường yêu cầu ca sĩ hát nhép, nhất là các tiết mục tốp ca, đồng ca cần bè phức tạp. Nhiều lúc ca sĩ không muốn cũng đành hát nhép”. Nhà báo Như Hoa cũng đặt vấn đề: “Trong các chương trình truyền hình trực tiếp (THTT), đài truyền hình thường yêu cầu ca sĩ hát nhép để đảm bảo âm thanh, kỹ thuật… Có nghĩa là đài truyền hình đã tiếp tay cho hát nhép. Nếu có chế tài, cần phải chế tài cả đơn vị sản xuất là đài truyền hình”.

Ca sĩ Tùng Dương cho biết: “Nhiều lần nhà đài yêu cầu Tùng Dương hát nhép trong các chương trình THTT. Lý do họ đưa ra là đường truyền, âm thanh không tốt, ban nhạc không đủ…”. Ông Phan Hồng Sơn, Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM, thì cho rằng: “Đài HTV luôn chủ trương ca sĩ hát thật trong các chương trình THTT. Từ tháng 8-2011, hầu như tất cả chương trình ca nhạc THTT trên HTV, ca sĩ đều hát thật. Thi thoảng có trường hợp hát nhép là do các trường hợp đặc biệt cần lên sóng cho tốt về mặt kỹ thuật hoặc ca sĩ quá bận rộn, không có thời gian tập dượt với ban nhạc… Nhưng đó là những trường hợp ngoài ý muốn, bất khả kháng”.

Không lẽ tôn vinh sự giả dối?

Nhạc sĩ Hoài Sa phản bác. “Thực sự âm thanh, kỹ thuật trong các đài truyền hình rất tốt, tốt hơn so với các sân khấu bên ngoài nhiều. Dàn âm thanh của các đài truyền hình thường “chết” một chỗ nên cài đặt âm thanh rất dễ so với các sân khấu. Nếu nói cần hát nhép để đảm bảo âm thanh, kỹ thuật khi THTT thì chuyện chỉ có ở Việt Nam”.

Nhạc sĩ Huy Tuấn nói: “Nếu có ai nói chương trình THTT cần hát nhép để đảm bảo các yếu tố âm thanh hay yếu tố kỹ thuật khác thì tôi cho đó là lời biện hộ của sự lười biếng, thiếu hiểu biết và hèn nhát, không dám chịu trách nhiệm. Liệu khán giả muốn nghe giọng thật của ca sĩ hay nghe giọng giả dối, giọng ảo được kỹ thuật phòng thu sửa sang? Nếu cho phép hát nhép trên THTT nghĩa là truyền hình đang tôn vinh sự giả dối, khuất tất, tôn vinh các ca sĩ không biết hát”.

Không chấp nhận hát nhép

Ca sĩ Thanh Thúy đề nghị: “Vì vậy, tôi mong trong nghị định mới về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa sắp tới sẽ có quy định rõ ràng chương trình nào được phép yêu cầu ca sĩ hát nhép và chương trình nào buộc ca sĩ hát giọng thật”. Theo ca sĩ Tùng Dương̣: “Chỉ có trường hợp chấp nhận hát nhép là khi ca sĩ ốm đau, mất giọng. Vì ca sĩ nhận hợp đồng biểu diễn trước cả tháng nên không thể biết trước chuyện sức khỏe và cũng không thể hủy biểu diễn vì khán giả sẽ nghĩ chương trình “treo đầu dê, bán thịt chó”. Ca sĩ Nguyên Thảo cũng cho rằng: “Nếu trong một chương trình THTT mà ca sĩ hát nhép thì nhà đài phải công khai cho khán giả biết. Và trong một chương trình đủ điều kiện âm thanh để ca sĩ hát thật thì nhà tổ chức phải kiên quyết không để ca sĩ nào hát nhép để tạo sự công bằng”.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoài Sa khẳng định không thể để hát nhép dù bất kỳ điều kiện nào: “Nếu một chương trình đầu tư tốt, chất lượng thì dẫu có xảy ra sự cố ca sĩ quên lời, hát phô vài nốt, mic hỏng… thì đó cũng chỉ là lỗi nhỏ. Bù lại, khán giả sẽ được thưởng thức giọng thật, thần thái, sự hết mình của ca sĩ chứ không phải là giọng điện tử của phòng thu. Bây giờ kỹ thuật phòng thu hiện đại lắm, bạn chỉ cần đọc một bài thơ, tôi “gắp” giai điệu vào là thành bài hát ngay. Cho nên nhiều ca sĩ có giọng hát na ná nhau, đó là giọng điện tử của phòng thu”. Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng đồng quan điểm: “Với tôi, nghe nhạc như ăn rau sạch vậy. Thà ăn mớ rau xấu xấu nhưng sạch vẫn hơn các bó rau mượt mà được chải chuốt bằng hóa chất, thuốc tăng trưởng…”.

 

Ghi nhận ý kiến đóng góp từ các đại biểu dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đưa sáu giải pháp để thực hiện việc chấn chỉnh các hoạt động: Hoàn thiện các văn bản pháp quy về lĩnh vực quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang; tăng cường thanh tra, kiểm tra ngay từ khâu cấp phép; kiên quyết không cấp phép biểu diễn, tiếp nhận cấp phép biểu diễn đối với các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn, các nghệ sĩ đã có sai phạm trong hoạt động biểu diễn. Khi xử phạt vi phạm hành chính, không chỉ phạt ca sĩ mà phạt luôn người tổ chức biểu diễn, phạt luôn cả đơn vị cấp phép. Tổ chức gặp gỡ với bộ, các tỉnh, thành phố các đoàn nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn, nghệ sĩ… để trao đổi, định hướng, đối với các nghệ sĩ tự do, chưa được đào tạo, huấn luyện thì nên có các buổi tập huấn ngắn để nâng cao nhận thức của nghệ sĩ đối với nghề nghiệp của mình.

Các chương trình THTT từng hát nhép:

Đồ rê mí: Những năm trước đây, các thí sinh nhí Đồ rê mí cũng đều được yêu cầu hát nhép trên sân khấu. Chỉ đến năm nay ban tổ chức mới công bố đảm bảo được các yếu tố về âm thanh, kỹ thuật để các bé hát được hát thật trên sân khấu.

Hợp ca tranh tài được thu âm thanh từ trước, đến đêm thi các đội hợp ca chỉ lên sân khấu nhép miệng. Trong đêm thi chung kết, một trong hai thành viên hát chính của đội Long Xuyên quên đưa mic lên miệng mà giọng hát vẫn vang lên bình thường.

TRÀ GIANG - VIẾT THỊNH/PLO