itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Giám khảo chỉ còn là một vai diễn

Giám khảo chỉ còn là một vai diễn

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Ảnh: Gia Tiến

Ngay khi dư luận đang xôn xao về vai trò của các vị giám khảo tại sân chơi Cặp đôi hoàn hảo thì các đơn vị tổ chức như VTV, HTV... cũng nhận được lá thư từ chối tham gia ban giám khảo các sân chơi tương tự ở mùa thi 2012 của nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Nhạc sĩ từng thành công trên ghế giám khảo của các cuộc thi Sao Mai - điểm hẹn, Vietnam Idol... Tuổi Trẻ đã trò chuyện cùng nhạc sĩ Tuấn Khanh trước quyết định được coi là "nhạy cảm" trong thời điểm này.

Diễn viên của may rủi

* Lý do nào khiến từ cuối năm nay anh quyết định từ chối không tham gia và sẽ không tham gia nữa các chương trình truyền hình, đặc biệt là trong vai trò giám khảo, với những sân chơi hứa hẹn thu hút người xem trong thời gian tới?

- Có một chuyển động rất quan trọng trong vai trò của người làm giám khảo trong các game show của VN hiện nay, đó là từ một vai trò chứng nhận cho các giá trị thực tế và sự công bằng tương đối của một cuộc thi, các thành viên giám khảo giờ đã thay đổi chỉ còn là sự trình diễn mang tính tác động tâm lý. Họ trở thành những diễn viên của may rủi.

Sau một thời gian ngắn du nhập và làm quen với các loại game show có ban giám khảo, các nhà tổ chức đã vội vã quên đi các tiêu chí lớn nhất cần xây dựng là sự cân bằng ba cột trụ: giám khảo, người chơi và công chúng.

Ban giám khảo hay hội đồng nghệ thuật... của các game show hôm nay rất nhanh chóng trở thành một nhóm người trình diễn hay bình phong cho một cuộc chơi đầy sự kích động và mâu thuẫn giả tạo.

Ban giám khảo không còn cầm cân nảy mực, mà bị dồn ép đến mức trở thành người hối hả kiếm xìcăngđan hoặc biến mình thành những vai trò kỳ lạ. Tôi thấy mình không còn hợp thời nữa. Từ chối để từ nay dành nhiều thời gian cho việc riêng và sáng tạo âm nhạc có lẽ thích hợp cho tôi hơn.

* Trong vai trò giám khảo của Sao Mai - điểm hẹn, Vietnam Idol, Song ca cùng thần tượng... hẳn anh cũng chịu rất nhiều áp lực. Theo anh, áp lực lớn nhất của một giám khảo là gì? Xin lỗi khi phải hỏi anh liệu thù lao giám khảo có xứng đáng với những áp lực mà họ phải chịu?

- Áp lực của một giám khảo, theo tôi nghĩ, là phải đọc thật kỹ các kịch bản của trò chơi, hiểu các ý nghĩa tác động của nó để thực hiện vai trò một cách tốt nhất. Rất nhiều game show nhìn vào có thể thấy ngay là các giám khảo không hề đọc kỹ các bản hướng dẫn gốc (bibble). Thậm chí, tôi còn chứng kiến nhiều giám khảo khi nhận được các bản hướng dẫn thì cũng vứt qua một bên, cười và nói “có gì đâu mà đọc”.

* Làm sao để nói được điều đúng, không làm tổn thương thí sinh và không lừa mị khán giả, tôi cho đó là một áp lực lớn, mà muốn làm được là cả một nghệ thuật của sự chân thành. Còn thù lao?

- Hiện nay, giá của mỗi giám khảo ở các game show thường là từng thỏa thuận riêng. Có người nhận rất cao, có người nhận rất thấp, nhưng dù cao hay thấp áp lực cũng vô cùng.

Game show mỗi lúc một trẻ con

* Với một sân chơi quá nghiêm túc, kể cả giám khảo, có thể là lý do khiến nó dần trở nên kém hấp dẫn? Anh có nghĩ thế không?

- Mọi sự nghiêm túc ở game show VN từ lâu có chiều hướng giảm đi chứ không tăng lên. Thậm chí game show giờ đây chỉ là trò giải trí không thể trông đợi một kết quả đúng. Hầu hết ở những nơi tôi đi qua, với các game show mình từng tham gia hay không, đâu đâu cũng có những lời mai mỉa về những kết quả được xếp đặt trước, về các sự cố kịch tính được dàn dựng trơ trẽn. Thật lạ là game show mỗi lúc một trẻ con và lộ liễu hơn, còn khán giả thì mỗi lúc một nhạy bén và sắc sảo hơn, không hiểu sao các nhà tổ chức vẫn không nhận ra được điều này. Những trò vui thường rộn ràng và đông khách, nhưng rồi sẽ qua mau, tôi tin như vậy.

* Có hay không việc giám khảo trong các cuộc thi dạng này thực tế cũng chỉ là một "diễn viên"? Họ phải trò chuyện, hành xử, thậm chí chấm điểm theo một kịch bản có sẵn?

- Có những game giám khảo chỉ là một thành phần được xếp đặt của chương trình, theo ý muốn nhà tổ chức, nhưng cũng có game người chấm điểm có đủ nội lực để tranh đấu cho lý lẽ đúng của mình.

Xếp đặt cho một khung cảnh cần thiết vẫn xảy ra, nhưng lâu nay sự can thiệp của các nhà tổ chức ngày càng nhiều hơn. Tôi không thể nhận định cho tất cả nhưng riêng với Cặp đôi hoàn hảo, có thể nhìn thấy rõ các thành viên ban giám kháo thiếu một người tư vấn kết nối các vai trò của họ, để phối hợp được tốt nhất. Vì vậy, đôi khi dù cố gắng họ cũng bị rơi vào thế của những diễn viên thiếu hình ảnh tích cực.

Thói quen xách cặp đến một cuộc thi và tự tin vào khả năng của mình để chấm thi như một nhà chuyên môn đơn thuần đã lỗi thời. Ngồi ở ghế “nóng”, đôi khi giám khảo phải là một nhà xã hội học, một nhà tâm lý và phải biết cách trình bày trước đám đông. Mọi thứ đang chuyển động và khán giả cũng đòi hỏi nhiều hơn, nếu không thích nghi và cập nhật thì sự đào thải cũng không chừa bất cứ ai.

 

* Lâu nay tiếng nói giữa giám khảo (những nhà chuyên môn) và đại đa số công chúng thường có sự "lệch pha" trong các cuộc thi ca hát. Giám khảo luôn là những vị khó tính hơn công chúng. Họ thường cho điểm dựa trên những yếu tố về chuyên môn hơn là cảm tính, họ nghe nhiều hơn nhìn và họ thường không dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng số đông. Nhưng với Cặp đôi hoàn hảo đang diễn ra, mọi thứ có vẻ ngược lại. Anh nghĩ thế nào về "hiện tượng" này?

- Trong trường hợp giám khảo của chương trình Cặp đôi hoàn hảo, là một sự phức tạp của việc các giám khảo tương nhượng với các mối quan hệ đồng nghiệp, quen biết, thăm dò phản ứng khán giả và cố tạo cho mình một hình ảnh tích cực trong công chúng, hơn là chấm thi cho một chương trình.

Việc các thí sinh “hoành hành” chương trình và “qua mặt” ban giám khảo bằng những trò vui, mượn ống kính truyền hình để bày tỏ với khán giả hơn là thi cử... cho thấy ba giám khảo không đủ lực cho họ thi thố và cạnh tranh với nhau. Cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo đang bị lệch về một cảm giác các thí sinh đang tìm mọi cách để đối phó với ban giám khảo, vốn khó lường về tính cách và số điểm chấm, hơn là cạnh tranh tài năng với nhau.

QUỲNH NGUYỄN/TTO