itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Người xưa biết đâu mà tìm

Người xưa biết đâu mà tìm

Có chiếc bàn quen trong một quán cà phê nhỏ, mỗi sáng vẫn là chốn đi về của những cụ già hay trò chuyện về âm nhạc. Ít ai biết đó là nơi tụ hội những tên tuổi lừng lẫy của dòng nhạc bolero Sài Gòn.

Đó là nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang và Hàn Châu.

Khó mà tin được là những ngày tháng cuối cuộc đời ấy, những người nhạc sĩ vẫn đôi khi còn trách nhau về những nốt nhạc vụng dại đã từng viết ra hoặc vẫn chất vấn về một câu chữ không rõ nghĩa. Âm nhạc đối với họ không chỉ là nghề, mà là niềm vui, là trách nhiệm và sự đau đáu ước muốn được một lần quay trở lại để hoàn thiện đời mình.

"Có những lúc nghĩ về một nốt nhạc đã lỡ viết ra, mình ân hận vì muốn sửa cho hay hơn nhưng tiếc là khán giả đã thuộc lòng cái sai của mình mất rồi" - trong một lần ngồi kể lại chuyện xưa, nhạc sĩ Thanh Sơn tần ngần nói như vậy.

Và bao giờ cũng vậy, khi nhắc về Nỗi buồn hoa phượng, ánh mắt của ông bao giờ cũng lấp lánh niềm tự hào. Ca khúc tràn ngập tuổi trẻ, kỷ niệm và thổn thức riêng của mỗi người này vẫn được mọi người trong chiếc bàn ấy bình chọn vui là "quốc ca mùa hè".

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,
...
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm.

Với những khán giả không thuộc dòng bolero, những âm điệu và ngôn ngữ này dường như có vẻ là "sến", nhưng không ai có thể chối cãi rằng những hình ảnh và âm giai của bài hát này đã ám ảnh nhiều thế hệ, thậm chí làm không ít người phải ngẩn ngơ thổn thức.

Những căn bệnh của những mùa xuân cuối làm không khí trò chuyện ở cái bàn nhỏ ấy trầm hơn. Lời trò chuyện đôi khi là gửi lại, đôi khi là tiếc nuối, hẹn cho mai sau.

"Phải chi được sống lại ở tuổi 30" - nhạc sĩ Thanh Sơn từng trầm ngâm nói. Tuổi 30 của ông với những bài ca đã tạo nên tên tuổi của ông và tạo nên một vệt dài độc đáo trong di sản văn hóa đặc thù của miền Nam.

Tuổi 30, ông đem lại một khung trời giai điệu của tuổi học trò, đẳng cấp và khó quên một khi đã nghe và chiêm nghiệm về nó như Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng...Năm 1955, 17 tuổi khi lưu lạc từ Sóc Trăng lên thành phố, nhận ra âm nhạc là niềm đam mê của đời, ông bám theo những tên tuổi âm nhạc của miền Nam lúc bấy giờ để học hỏi như Lê Thương, Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng... Ðể trang trải cho ước mơ của mình, ông đã lăn lộn kiếm sống với nghề làm thuê, làm mướn nhọc nhằn nhất.

Lúc khó khăn đó là lúc ông để dành tiền, mua được cây đàn guitar để tập tành sáng tác. Ông quý cây guitar đến mức cấm không cho người anh em cột chèo là nhạc sĩ Hàn Châu chạm vào. Nỗi ấm ức đầy kỷ niệm đó vẫn là một trong những đề tài làm cho chiếc bàn nhỏ nơi quán cà phê rộn tiếng cười.

Và rồi một ngày, cơn đột quỵ vào năm 2011 khiến chỗ ngồi quen thuộc vắng đi một người. Ba người đàn ông tóc bạc hỏi nhỏ với nhau "Sơn sao rồi?", dự cảm cái gì đó sẽ mất đi ngày càng lớn hơn khi đột ngột nhạc sĩ Hoàng Trang lại ra đi. Chiếc bàn nhỏ như một ký ức sót lại của vàng son bolero ngày càng lặng và buồn hơn. Ðôi khi nhạc vẳng lên từ chiếc loa cũ lại làm những người còn lại thở dài. Tiếng hát "giã biệt bạn lòng ơi..." dường như càng thấm thía hơn bao giờ hết.

Và rồi buổi chiều này, khi tin nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ cuộc chơi loan đi, dù biết nhưng vẫn làm hụt hẫng nhiều người. Sau dòng nhạc của Thanh Sơn, ai sẽ là người tiếp nối những giai điệu ngọt đến nao lòng của Hát nữa đi em, hoặc dân dã đến mức lịm hồn như Bạc Liêu hoài cổ?Nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, mỗi lúc mỗi vắng hơn những cái tên quen thuộc. Mọi thứ đi tới và mọi thứ đang mất dần. Mỗi con người đó như một thư viện đời, sống động tuyệt đẹp nhưng bây giờ lặng câm, không còn có thể đối thoại được nữa. Và thư viện đồ sộ thấm đẫm tâm tình người Việt mang tên Thanh Sơn cũng đang xa dần.

Chiếc bàn nhỏ vẫn là nơi tụ họp, nhưng không phải là nói chuyện về âm nhạc mà nói về số phận và những gì để lại. Chiếc ghế của nhạc sĩ Thanh Sơn đã để trống, chiếc ghế của nhạc sĩ Hoàng Trang cũng vắng. Ánh mắt của những người còn lại xa vắng hơn. Người xưa đã đi xa lắm... Rồi ai sẽ hát "hồn quê" (*) ngày mai?

TUẤN KHANH

Mãi mãi mùa hoa phượng!

Không kèn, không trống, không nhạc rình rang, đám tang của nhạc sĩ Thanh Sơn ấm cúng và có phần trầm lặng trong con hẻm nhỏ đường Ðinh Tiên Hoàng (TP.HCM).

Con gái thứ tư của nhạc sĩ cho biết: gia đình đã làm đúng theo ước nguyện của ông trước khi đi xa: một tang lễ nhỏ gọn, không ầm ĩ, nơi chỉ có gia đình và những bằng hữu thân cận đến thăm.

Ca sĩ Ðông Ðào - tên tuổi đã thành danh từ những nhạc phẩm đậm chất trữ tình, quê hương của cố nhạc sĩ - là một trong những người đến sớm nhất, chia sẻ những lời tự đáy lòng: "Chú ra đi để lại bao nhiêu niềm thương tiếc cho tụi con. Chú yên nghỉ nơi suối vàng hãy mỉm cười vì những bài hát của chú sẽ được vang mãi trong lòng những người yêu mến!".

Cảm động hơn, trong số những vị khách ấy có hai người bạn già đặc biệt đã không quản mưa nắng, lặn lội chở nhau trên chiếc xe máy từ Q.9 đến với ông, đó là nhà thơ Kha Thị Ðàng (vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ) và bà Trần Thị Minh Lâm (vợ cố nhạc sĩ Y Vân).

Thấu hiểu và sẻ chia với nỗi đau mất mát của gia đình, bà Kha Thị Ðàng thoáng cười buồn, rơm rớm: "Ở cái tuổi này, rồi ai cũng một lần qua đò. Với tôi, Thanh Sơn là một tâm hồn đẹp, một đồng nghiệp thân thiết. Còn nhớ cách đây hai tuần khi đến thăm anh, anh còn hẹn tôi sẽ ráng đi tập vật lý trị liệu để có thể chống nạng đi được, vậy mà... không còn kịp nữa!".

Trong dòng người đến với nhạc sĩ Thanh Sơn còn có những người bạn già một thuở... Và một dòng ký ức đã được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ghi lại đầy cảm xúc trong cuốn sổ tang của nhạc sĩ Thanh Sơn, và chắc hẳn đây cũng là lời tri ân của nhiều trái tim yêu mến dòng nhạc quê hương ngọt ngào: "Lê Văn Thiện ra đi nhưng Thanh Sơn vẫn ở lại với đời mãi mãi! Mãi mãi mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Mãi mãi Thanh Sơn ơi...".

MINH TRANG

Theo Tuổi Trẻ