itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Đêm trăng trên đỉnh Cô Tô

Đêm trăng trên đỉnh Cô Tô

Vẻ đẹp huyền diệu của trăng rằm trên đỉnh Cô Tô

Đêm trăng trên đỉnh Cô Tô đẹp mượt mà và tĩnh lặng. Người ngắm trăng dường như muốn có thêm đôi cánh để được tự do như ánh trăng nhảy múa trên những vách núi, ngọn cây. Phải chăng đó chính là khoảnh khắc con người tìm được cái tôi rất thật, rất mong manh của mình giữa bạt ngàn núi rừng?

Không nhất thiết phải đi thật xa, tốn thật nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể thưởng ngoạn được cảnh đẹp. Phụng Hoàng Sơn, tiếng Khơ – me gọi Phnom – Kto (phiên âm Việt hóa Cô Tô), là đứa con út của dãy Thất Sơn hùng vĩ, thuộc địa phận huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên hơn hai giờ đi xe. Có lẽ đây là một trong những ngọn núi ở khu vực Thất Sơn vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp rất hoang sơ.

Phụng Hoàng Sơn có chiều cao 615m, còn tiềm ẩn biết bao chuyện riêng tư và trở thành một trong những ngọn núi lý thú của vùng Thất Sơn với lối cấu trúc kỳ bí của thiên nhiên tạo nên những phiến đá xếp chồng chất lên nhau qua bàn tay khéo léo của hóa công. Dưới những tảng đá ấy có những khe đá lớn nhỏ hình thành nên nhiều hang động, ngõ ngách sâu thẳm mà cư dân quanh vùng gọi là “lò ảng”. Du khách tới đây thường hình dung công trình thiên tạo ấy như một mâm trứng vịt khổng lồ chất đầy từ dưới lên trên.

Nhìn xa dãy Phụng Hoàng Sơn giống như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông. Sách nói rằng xa xưa, núi Tô là nơi trú ngụ của loài chim phượng hoàng. Trong dân gian còn lưu truyền một truyền thuyết kỳ thú: “... Thuở xưa, khi dãy Thất Sơn còn là bãi vắng hoang vu, các Tiên ông từ núi Cấm, núi Dài hiệp sức khuân từng phiến đá xếp chồng lên nhau... xếp mãi cho đến lúc trời rạng sáng thì hình thành trái núi. Vào đêm trăng tỏ, các nàng Tiên nữ rủ nhau sang núi ngắm trăng, vui chơi thỏa thích, hết đàn hát lại bày trò vui chơi. Sau đó, họ cùng nhau ném những viên đá từ trên núi xuống. Đến lúc trăng khuất dần thì trái núi nhỏ hiện lên trong bóng mờ ảo của màn đêm sót lại, dưới chân núi có dòng nước chảy lấp lánh như thỏi bạc. Nước chảy đến tận các làng quanh vùng tưới tiêu cho vườn tược, ruộng đồng... Từ đó, trái núi nhỏ này mang tên “Đồi Nước Đêm”, người Khơ-me gọi là “Tức Dúp” (ta quen gọi thành Tức Dụp)”. Đây cũng chính là tử địa khủng khiếp của lính Mỹ và chư hầu. Qua cuộc đọ sức quyết liệt từ những năm 1968, 1971, 1972 đã đưa tên tuổi núi Cô Tô Tức Dụp bay ra khắp năm châu, làm cho lính Mỹ nhiều phen kinh hồn bạt vía.

Buổi sáng chúng tôi khởi hành từ thành phố Long Xuyên đến Tri Tôn. Từ chợ thị trấn Tri Tôn vào đến chân núi không xa, nhưng đoạn đường từ chân núi lên đến đỉnh thật sự là một thử thách. Những bước chân như thêm chông chênh trên những bậc thang đá dốc đứng ngút tầm mắt.

Đi theo hành lang được xây dựng sau này, dọc theo “sơn đạo thép” năm xưa, xuyên qua những lối quanh co lúc rộng, lúc hẹp đầy đá núi lạ mắt như có bàn tay ai sắp đặt từ lúc mới tạo sơn, chúng tôi thâm nhập vào hang và được tận mắt thấy những di tích lịch sử, hội trường, trạm xá, nơi ăn chốn ở của những người giữ núi. Có cảm giác như bóng dáng của một thời hào hùng vẫn còn đâu đây. Hội trường C.6 trong lòng núi có thể chứa 150 khách. Tức Dụp ngày nay đã được đầu tư thành một khu du lịch sinh thái và truyền thống lịch sử với khá nhiều hạng mục, công trình phục vụ khách tham quan du lịch. Theo thông tin của ngành du lịch, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đã đến nơi đây.

Thỉnh thoảng dọc hai bên đường, xuất hiện một mái nhà đơn sơ hay một quán hàng heo hút. Đoàn đi cứ khoảng mươi mười lăm phút là phải dừng chân một lúc, vừa để nghỉ vừa để thu vào tầm mắt màu xanh bao la, ngút ngàn của rừng cây nhiệt đới tỏa rợp bóng con đường nhỏ.

Khoảng quá trưa chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên. Điện Năm Căn, một ngôi điện nhỏ, xưa cũ nằm ẩn mình dưới những tảng đá to và những bóng đại thụ cao ngút, tương truyền xưa kia nơi đây là chốn nghỉ chân của những “ông hổ”, theo cách gọi đầy thành kính của cư dân trong vùng.

Từ điện Năm Căn lên đến Dồ Hội mất hơn 30 phút, qua khoảng trăm bậc đá nữa. Trời lúc này đã ngả về chiều, những người hành hương không ở lại qua đêm đang vội vã xuống núi, trên gương mặt đượm vẻ mệt mỏi nhưng vẫn ánh lên sự hài lòng thành tâm. Cảnh vật thật thanh bình, yên ả với hình ảnh đàn bò gặm cỏ và những chú bé mục đồng ngất nghểu, khua lục lạc leng keng trên con đường sơn cước.

Dồ Hội có lẽ là điểm lý tưởng cho những ai muốn tìm về sự bình yên và thanh thản, bởi nếu có thể xem rừng núi xanh ngát là một hồ nước rì rào sóng vỗ thì nơi đây có thể hình dung như một đóa sen cẩm thạch trắng muốt tinh tuyền. Trong một khu vực rộng lớn xuất hiện ngôi nhà nghỉ nhỏ đúng kiểu nơi trọ của khách thập phương đi hành hương. Nơi đây điện chưa kịp đến, bởi vậy không gian cũng yên ắng lạ kỳ.

Một tảng đá to vươn mình chênh vênh giữa lưng trời, vừa làm chỗ cho tín đồ cúng bái, lại cũng là điểm lý tưởng cho du khách ngắm trăng. Tối hôm đó, chúng tôi trải qua những cảm giác lạ lùng. Gió trên núi thật mạnh, những chiếc lá khô bay phất phới trong ánh chiều đang tắt, rồi lặng lẽ trôi về phía thị trấn Tri Tôn đang dần chìm trong màn đêm.

Và trăng lên. Trăng 15 đẹp viên mãn như người con gái vừa đến tuổi yêu, vừa rạng rỡ nồng nàn vừa thanh tao tinh tuyền. Trăng e ấp thức dậy từ những hàng cây khô xào xạc trước gió, trăng khoan thai ngự giữa những đám mây đen sẫm.

Trăng tỏa ánh sáng bàng bạc dịu dàng, phủ lấy từng lá cây, ngọn cỏ, từng con người một lớp vải voan trong suốt, lóng lánh. Ánh trăng như lay động cùng với làn gió đang rầm rì mỗi lúc một mạnh hơn. Dường như trăng làm cho con người cảm thấy cô đơn một cách dễ chịu, để người ta thấy rằng mình đã sống quá vội vã, thậm chí quá vô tâm…

Chợt hiểu rằng vì sao đây lại là điểm dừng chân của những người hành hương, những người khao khát tìm được cái tôi sâu thẳm bên trong, tìm được sự thanh thản nội tại.

Buổi sáng, sương núi bay trắng xóa cả đường về, rừng xanh ngút ngàn rì rào bên tai những lời tạm biệt. Mặt nước hồ Soài So tĩnh lặng như một nhà hiền triết đang tĩnh tâm. Tạm biệt núi rừng Cô Tô với non xanh nước biếc nhưng để lại trong lòng du khách những lưu luyến khó quên.

ItaExpress (tổng hợp)