itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Sông Đốc - điểm du lịch độc đáo ở miền cực Nam

Sông Đốc - điểm du lịch độc đáo ở miền cực Nam

Sông Đốc, trước đây còn có tên gọi là Khoa Giang, bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu, sau đó tiếp nhận nước từ hai con sông Cái Tàu và sông Trẹm rồi đổ ra biển Tây. Sông dài 44km và rộng 1km.

Thị trấn sông Đốc vốn là một phố biển sầm uất của thành phố Cà Mau. Từ trung tâm thành phố, du khách chỉ mất khoảng hơn một giờ đồng hồ đi ca nô để đến đây. Được mệnh danh là một trong những bến cảng tập trung tàu thuyền đông nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Đốc còn là vùng đất chứa đựng nhiều sắc thái văn hóa miệt biển độc đáo mà du khách nên ghé thăm.

Về tên gọi của đô thị biển này thì theo truyền thuyết kể rằng: Vào năm 1782, khi bị quan Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh chạy về vùng đất phương Nam này và dừng chân ở cửa sông Ông Đốc để cầu viện quân Xiêm giúp đỡ. Có một vị quan không rõ họ chỉ biết tên là Đốc đã dám đứng ra ngăn cản hành động không có lợi cho đất nước Việt Nam này của Nguyễn Ánh, cuối cùng bị sát hại. Để tôn vinh tinh thần yêu nước của vị quan này mà người dân đã gọi tên sông là Ông Đốc (sau đọc trại thành sông Đốc) và đó cũng là tên gọi của phố biển này ngày nay.

Hòn Chuối, nơi người dân sống theo mùa

Thị trấn sông Đốc có một vị thế khá hữu tình, một bên là con sông Đốc và một bên là biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời của thành phố Cà Mau. Phố biển này nằm gần các điểm du lịch khá nổi tiếng ở Cà Mau như: hòn Đá Bạc, đảo Hòn Chuối, cửa biển Cái Đôi Vàm... nên thu hút rất đông du khách. Đặc biệt, với hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử như: chùa, làng nghề đan lưới, đóng ghe xuồng, nghề làm tôm khô,...luôn có sức hấp dẫn kì lạ với du khách phương xa.

Bạn có thể theo các thuyền đánh cá lênh đênh trên biển để khám phá những điều lý thú mà cũng không kém phần vất vả của nghề đi biển ngay tại chính cửa sông này. Khi các thuyền trở về, thường là vào ngày rằm hàng tháng thì nơi đây nhộn nhịp hẳn lên bởi các khoang thuyền đã đầy ắp cá tôm và mọi người cùng nhau vận chuyển, mua bán...

Thị trấn nhỏ bé ở vùng đất cuối cùng của Việt Nam này cũng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu là lễ hội Nghing Ông - còn gọi là lễ rước "Đại tướng quân Nam Hải", tổ chức vào tháng hai âm lịch hàng năm. Du khách đến phố biển này vào thời điểm lễ hội diễn ra sẽ được đắm mình vào những sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân địa phương như: nghi thức điểm nhãn cho những con tàu, nghi lễ hạ thủy gợi nhớ thời ông cha chinh phục biển cả, khai hoang lập ấp.

(Nguồn: Saigonnet.vn)