itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Các món ăn đặc trưng của 4 loại cà

Các món ăn đặc trưng của 4 loại cà

Cà là một món ăn dân dã, chỉ cần một chút khéo léo trong chế biến và kết hợp với các thực phẩm, gia vị khác là bạn sẽ có những món ăn hấp dẫn và ngon miệng.

Cà pháo

Cà pháo từ xưa vốn được coi là một món ăn chính của người nông dân xứ Nghệ. cà pháo ngon nhất, đúng hương vị nhất phải kể đến cà pháo của đất Nghi Lộc, Nghệ An. Khác với loại cà pháo muối xổi ở thành phố, cà xứ Nghệ thường được muối trong vại lớn trước đó dùng làm nước mắm, cà muối hàng tháng sau mới lấy ra ăn.

Món cà pháo trộn tôm khô

Nguyên liệu
250g cà pháo đã muối chua, 100g tôm khô, 30g gừng, 1 muỗng cà-phê hành tím băm.
Gia vị: hạt nêm, đường, tương ớt, dầu ăn.

Thực hiện

- Tôm khô ngâm nước cho mềm, rửa sạch, để nguyên con.
- Cà pháo để nguyên quả, rửa sạch, để ráo.
- Gừng gọt vỏ, ớt bỏ hạt, thái sợi nhuyễn.

Cho 1/2 muỗng súp dầu ăn vào chảo nóng, cho hành tím băm vào xào thơm.
Sau đó, bỏ tôm khô, cà pháo vào xào khoảng 5 phút.

Cho cà pháo và tôm khô đã xào vào tô, nêm 1 muỗng cà-phê hạt nêm, 3 muỗng súp đường, 3 muỗng súp tương ớt.
Trộn đều, cho gừng và ớt thái sợi vào.
Để 10 phút cho thấm. Dùng với cơm

Cà tím

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu và chứng minh rằng: Cà, đặc biệt là cà tím là loại rau củ có lượng vitamin P kỷ lục. Mỗi 1000g cà tím có chứa 7200mg vitaminh P. Đây là loại vitamin chủ yếu trong việc làm tăng cường sự dẻo dai của các mạch máu và giảm bớt lượng cholesterol. Lượng vitamin P trong cà tím có thể giúp phòng ngừa được bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch. Theo các nhà khoa học Mỹ, ăn cà tím là một trong những biện pháp hàng đầu để giảm cholesterol trong máu.

Cà tím xào mắm

Nguyên liệu: 1 trái cà tím, 1 muỗng canh sả bằm, 2 muỗng canh mắm nêm, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê tỏi bằm, 1/3 chén nước dùng, ít ớt bột, ớt trái bằm nhuyễn, hạt nêm, dầu ăn.

Cách làm: Cà tím rửa sạch, xắt khúc dài ngâm qua nước muối loãng. Bắc chảo lên bếp, cho vào một muỗng dầu, phi thơm tỏi và sả rồi cho cà vào xào đều khoảng 2 phút, nêm mắm nêm, rưới nước dùng vào rồi nêm lại đường, hạt nêm cho vừa miệng. Xào to lửa đến khi cà chín tới thì bắc xuống.

Dùng nóng với cơm trắng.

Lợi ích của cà tím

Ưu điểm quan trọng nhất của cà tím là khả năng giúp cơ thể loại được lượng cholesterol thừa. Chính vì thế, các nhà dinh dưỡng học thường khuyên những người muốn tránh các bệnh về tim mạch nên sử dụng cà tím trong khẩu phần ăn.

Cà tím rất giàu các chất khoáng, trong đó có kali giúp bình ổn hoạt động của tim.

Ngoài ra, thực phẩm sẫm màu này còn chứa nhiều chất sắt, đồng rất có lợi cho máu và sắc mặt.

Trong cà tím có chứa axit ascobic, vitamin nhóm B, caroten.

Nước ép cà tím được coi là loại “kháng sinh tự nhiên” giúp cơ thể chống những bệnh viêm nhiễm. Chính vì thế, trong thành phần nhiều loại thuốc có sử dụng các chất được chiết xuất từ cà tím.

Một số đơn thuốc hiệu quả từ cà tím

Để chứa bệnh cao huyết áp, hãy lấy vỏ cà tím hong khô và nghiền nhỏ. Mỗi ngày nên uống một thìa cà phê trước khi ăn.

Đề phòng các bệnh về gan và thận, các bác sỹ khuyên nên ăn một thìa cà tím nấu mỗi ngày.

Muốn răng và lợi vững chắc nên thực hiện liệu pháp sau: 1 thìa vỏ cà tím sấy khô, nghiền nhỏ, đổ thêm nước và đun sôi lấy nước cốt. Sau đó, pha thêm một thìa nhỏ muối và súc miệng.

Lưu ý:

Mặc dù cà tím rất có lợi, tuy nhiên một số người nên tránh loại thực phẩm sẫm màu này. Nếu mắc bệnh loét, viêm dạ dày nặng hoặc rối loạn dạ dày, tốt hơn cả là loại cà tím ra khỏi thực đơn.

Cà dĩa

Món ăn ngon mà không chiếm nhiều thời gian của bạn - bà nội trợ trong thời hiện đại sẽ luôn là ưu tiên số một trong sổ tay gia đình. Ngoài ra cà dĩa còn có tác dụng hạ huyết áp, làm lưu thông máu.

Nguyên liệu: 100g thịt nạc dăm, 350g cà dĩa, 1 cọng hành lá, 3 tép tỏi, hạt nêm, tiêu, dầu ăn.
Thực hiện: Thịt rửa sạch, băm nhuyễn.
- Cà dĩa bỏ cuống, rửa sạch, chẻ làm tư, ngâm với nước muối loãng, rửa sạch.
- Hành lá nhặt bỏ rễ và lá úa, rửa sạch, tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.
- Phi thơm tỏi băm với 1 thìa súp dầu ăn, cho cà vào xào, nêm 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê tiêu, cho 3 thìa súp nước sôi vào. Đậy nắp om cho cà chín.
- Xào hành lá với 1 thìa súp dầu ăn, cho thịt băm vào xào, nêm 1/2 thìa cà phê hạt nêm.
- Múc cà xào ra đĩa, bày thịt băm lên, rắc thêm 1/2 thìa cà phê tiêu.
* Có thể thay thịt heo bằng thịt bò băm để thay đổi khẩu vị.

Cà chua

Để chữa miệng khô, lưỡi rát, loét miệng, có thể lấy nước ép cà chua 150 ml và nước mía ép 20 ml, trộn đều để uống, ngày 2-3 lần. Còn nếu bị bí đại tiện, thiếu máu, hãy dùng 1-2 quả cà chua sống (gọt vỏ, thái nhỏ) trộn với mật ong ăn ngày 2-3 lần.
Y học hiện đại cho rằng, có thể dùng cà chua để chữa rối loạn chuyển hóa muối, viêm gan, xơ gan, béo phì, làm chậm quá trình lão hóa và phòng chống ung thư. Còn theo Đông y, cà chua tính bình, vị chua, hơi ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tăng tân dịch, chống khát nước, giúp thông tiểu tiện và tiêu hóa tốt.

Cà chua dồn thịt

Nguyên liệu:
½ kg trái cà chua

1 củ hành lớn
1 bó hành( green onion)
1puond thịt heo xay (Mua một miếng thịt đùi nhờ chợ xay dùm thì ít mỡ hơn )
1 pound tôm
1 hủ pasta sauce
Tiêu + muối + 1 muỗng cà phê đường + bột ngọt.

Cách làm: tôm mua về lột vỏ, bằm cho thật nhuyễn, sau đó cắt củ hành tây cho thật nhỏ, lấy bó hành cắt nhỏ, càng nhỏ càng tốt ... trộn chung tất cả thịt heo xay, cho muối đường + bột ngọt vào ít nhiều tùy khẩu vị của mỗi người.
Sau đó bắt cái chảo lên cho hỗn hợp trên vào xào cho chín, lúc đó nếu muốn ăn mặn hơn thì cho thêm muối vào.
Cà chua cắt bỏ trên đầu, móc hết ruột cà chua ra. Khi thịt đã chín thì đem dồn vào cà chua. Bạn không nên để thịt còn sống mà dồn vào cà chua thì thời gian nâú cho thịt chín quả cà chua sẽ quá nhừ mà nát hết.
Sau khi nhồi xong còn bao nhiêu tôm thịt còn dư, đem nấu lại lên bếp đổ hủ pasta vào nấu chung. Khi thấy đã sôi bỏ mấy quả cà chua dồn thịt vào. Nấu khoảng 15' phút nữa thì tắt lửa.

H.N (tổng hợp)