itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Món ăn đặc sản mới lạ vùng biển

Món ăn đặc sản mới lạ vùng biển

Những món ăn đặc sản vùng biển đó mới chính là nghệ thuật, một loại hình văn hóa ẩm thực khiến cho nhiều du khách sau chuyến đi xa trở về vẫn còn vương mãi cái dư vị ngọt ngào của mỗi món ăn. Mỗi quán ăn ở xứ biển đều có bí quyết chế biến khác nhau, nhưng nét văn hóa ẩm thực chủ đạo là hải sản, nghệ thuật chế biến mới là quan trọng, là linh hồn của ẩm thực dân gian.

Đỉa, ốc, nhum là đặc sản ở vùng biển Quy Nhơn

Đỉa biển làm sạch nhớt, lộn trong ra ngoài, bỏ ruột, luộc chín, xắt mỏng trộn rau thơm, đậu phộng sẽ trở thành món "đưa cay"... tuyệt vời.

Tiếp đó là món ốc biển. Ốc biển có nhiều loại có con lớn lên tới cả kg thịt. Ốc làm sạch, luộc chấm muối tiêu, vắt chanh hoặc nước mắm gừng. Cầu kỳ hơn, xắt ốc thành lát mỏng, thái chỉ, phơi khô, cho tí dầu, khử hành cho thơm, chiên giòn thì còn tuyệt hơn cả bánh phồng tôm.

Món cầu gai hay còn gọi là con nhum, nhỏ hơn nắm tay, gai tua tủa. Nó được làm sạch, lộn từ trong ra, sẽ cho một món giống như lòng đỏ trứng gà; đặt lên bếp, thêm tí muối tiêu, phết lên bánh mì. Đến Quy Nhơn, du khách cũng đừng bỏ qua món hàu. Hàu được tách vỏ, đặt lên lò than, cho vào muỗng cà phê mỡ và gia vị, ăn nóng thật hết chê.

Ốc vú nàng sống bám chặt vào thành các ghềnh đá ven bờ biển, chúng mở vỏ cho nước biển lùa vào mang theo những vi sinh vật làm thức ăn cho chúng. Vì thế, người bắt ốc phải ngâm mình dưới nước, có khi phải dùng đèn soi vào tận kẽ đá, hốc đá sâu trong hang để “bắt” ốc.

Ốc vú nàng đều thơm ngon khi được luộc, nướng hoặc làm món trộn, làm gỏi. Món ốc vú nàng luộc được coi là món thông dụng nhất vì dễ làm. Với món này, ốc sau khi được rửa sạch, xếp vào nồi có ít nước hoặc chẳng cần cho nước rồi đặt lên bếp luộc chín. Theo người sành ăn, luộc ốc vú nàng không cần cho một chút nước nào bởi bản thân ốc vú nàng đã có khá nhiều nước. Trong khi luộc, đôi khi phải mở nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra để nguội. Sau khi luộc chín, dùng mũi dao nhỏ nạy nhẹ lấy được thịt ốc ra khỏi vỏ, rửa sạch ốc rồi tưới thêm một lần nước sôi. Thịt ốc vú nàng từ màu trắng ngà chuyển sang màu vàng.

Món này chỉ cần chấm với muối, hạt tiêu và chanh, ăn giòn giòn, ngọt ngọt. Điều độc đáo của ốc vú nàng luộc là không quá béo như thịt, không quá dai như sò, ngao, không nhỏ như hàu. Nếu được thưởng thức những con ốc vú nàng mới ngậm sữa thì sẽ cảm nhận vị thơm ngậy, không lẫn với bất cứ món ăn đặc sản nào. Nước ốc cũng hấp dẫn vì vừa mặn lại vừa ngọt đậm.
Làm món ốc trộn cũng hết sức đơn giản, thịt ốc được thái mỏng theo chiều dọc sau khi đã luộc chín rồi trộn đều với chanh, ớt. Thịt ốc vú nàng khi ấy sẽ săn giòn và thơm. Theo dân “ghiền” đặc sản biển, món ốc vú nàng ngon nhất vẫn là ốc vú nàng chín khi được nướng trên lò thanh đước.

Chả mực

Nguyên liệu: Mực tươi 1kg, mỡ phần 200g, trứng vịt 3 quả, thì là, chanh, ớt, hạt tiêu, gia vị, dầu rán

Cách làm: Mực tươi rửa sạch, băm nhỏ cùng với mỡ phần và thìa là tạo nên một hỗn hợp thật nhuyễn. Đập vào đó 2 quả trứng, một chút gia vị và hạt tiêu trộn đều rồi viên chúng thành những viên dẹt và bỏ vào nồi hấp cách thuỷ. Khi viên mực se mặt và chín tới thì bắc ra để nguội.

Đập quả trứng còn lại vào một bát nhỏ, đánh thật đều. Đợi cho dầu ăn trong chảo nóng già thì nhúng từng viên mực qua bát trứng rồi bỏ vào chảo rán. Khi mực có màu vàng rộm là được.

Món này ăn nóng chấm nước mắm chanh ớt.

Sái sùng rang

Ở vùng biển Quảng Ninh có loại hi sản đặc biệt, được gọi là sái sùng ( hay sá sùng), tiếng Hán Việt gọi là sá trùng (con sâu cát), dân địa phương gọi là con mồi. Xứ sở của sá sùng là vùng bờ biển huyển đo Vân hi, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn. Sái sùng sống trong các bãi cát có nước triều lên xuống.
Khi nước triều xuống, người dân địa phương ra đào. người đào sái sùng đòi hỏi có kinh nghiệm, có kỹ thuật, động tác điệu nghệ như người nghệ sỹ múa trên cát. Sái sùng đào được đem xào với tỏi tươi ăn rất ngon, một món ăn dân dã đặc sắc mà người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào. Sái sùng đem rang, khi chín có mầu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sái sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì thật là tuyệt.

Trùn biển

Trùn biển có ở các đầm như Thị Nại, Đề Gi. Muốn bắt được trùn biển, phải dùng thuổng để đào, thường vào lúc nước thủy triều rút. Mỗi tháng đào làm hai đợt, đợt một khoảng từ mùng 6 đến 14 âm lịch, đợt hai từ 22 đến 28 âm lịch (trừ những tháng mùa mưa).

Trùn biển màu đỏ hồng, con to cỡ bằng ngón chân cái người lớn, dài khoảng hơn hai gang tay, con nhỏ cỡ bằng ngón tay cái, dài hơn gang tay. Mới đào lên trùn biển dài, nhưng sau đó thì thun ngắn lại chỉ còn phân nửa lúc ban đầu.

Trùn biển là một món ăn giàu dinh dưỡng. Theo y học cổ truyền thì trùn có vị mặn, tính hàn không độc, trị được nhiều bệnh: thương hàn, ôn dịch độc nhiệt, cổ trướng, phong cuồng và sốt rét… Về mặt ẩm thực thì trùn biển là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng, nhiều người ưa thích.

Trùn biển mua về lộn ruột, dùng muối hột chà sạch, sau đó rửa sạch, để ráo nước. Thịt trùn biển rất ngon, ngọt nên muốn nấu món gì tùy thích. Chẳng hạn với món xào, hoặc nướng thì chỉ việc xắt trùn thành từng khúc nhỏ, ướp gia vị hành, tiêu, ớt, nghệ, nước mắm ngon đầy đủ. Khử dầu cho tới, trút trùn đã ướp gia vị vào dùng đũa đảo nhanh, nêm nếm vừa ăn, cho các loại rau thơm vào, nhắc xuống. Còn nướng thì lót lá chuối hoặc lá lốt vào vỉ, sắp trùn đã ướp gia vị lên, phủ lên trên một lớp lá nữa rồi nướng trên lửa than vừa, trở đều tay. Món trùn xào hay trùn nướng đều thơm, ngon, dai như mực. Món cháo trùn biển cũng cực kỳ ngon. Với người bị bệnh thần kinh tọa, bại liệt, phong cuồng nên ăn món cháo này vì có giá trị chữa bệnh rất tốt.

Cá nhái

Cá nhái là loài cá chạy sống theo bầy đàn, cá giống như cá kìm nhưng mỏ nhọn hơn, răng nhiều hơn, cá cỡ 1- 2kg/con là ngon nhất vì thịt dai và ngọt, cá lớn quá thịt sẽ xảm. Cá sống rất gần với mặt nước, khoảng 10 cm. Ban ngày cá luôn di chuyển, ban đêm nó ngủ cũng cách mặt nước khoảng như trên. Đây là loại cá ăn tạp nên người ta câu nó bằng những miếng mút (mousse), khi thấy miếng mút di chuyển trên mặt nước là nó táp ngay và nguyên hàm răng sẽ dính chặt vào đó, bạn chài chỉ việc kéo lên và gỡ cá khỏi miếng mút là xong. Còn vào ban đêm lúc cá ngủ, ngư dân đứng trên mũi ghe, dùng đèn rọi xuống mặt nước. Mắt cá bắt sáng rất mạnh với đèn, nhờ hai điểm sáng ở mắt, người đi săn chỉ cần phóng cây chĩa ba lệch xuống dưới cặp mắt độ một tấc là trúng ngang mình cá.

Thịt cá nhái chắc, dai, ít mỡ. Cá được chế biến thành nhiều món, nhưng đúng gu nhất là cá nướng. Cá được xẻ dọc dưới bụng, ướp với muối ớt và nước dừa xiêm cho thấm, sau đó bọc miếng cá bằng lá chuối hột, đem nướng trên lửa than. Nước dừa xiêm khi gặp hơi nóng sẽ làm thịt cá vàng ươm màu mật trông thật bắt mắt. Đồng thời vị ngọt của nước dừa hoà cùng vị ngọt thịt cá được bọc lớp lá chuối càng đậm đà hơn. Mở lớp lá chuối, hương thơm của cá, của lá chuối bốc lên thơm lừng. Cá nhái nướng phải chấm với muối hột đâm cùng ớt hiểm chỉ thiên ăn mới thấm.
Người địa phương cũng thường nấu món cá ngót hoặc nấu chua. Càng nấu, cá càng săn thịt, càng ngọt không hề bị rã. Vớt khứa cá cho vào đĩa nước mắm nhỉ dằm ớt hơi nặng tay một chút, vừa ăn vừa hít hà mới đã miệng.

H.N (tổng hợp