itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Những “cung bậc” của bánh canh Huế

Những “cung bậc” của bánh canh Huế

Bánh canh Huế đã đi qua chặng đường gần nửa thế kỷ, từ bánh canh Nam Phổ màu hồng đựng trong lá chuối khô mà thiếu thời trông quà của mẹ mỗi lần chợ về. Nay bánh canh đã “tiến xa” với nhiều cung bậc của thời gian

Sau năm 1975, người Huế đã chế biến bột mì “tiêu chuẩn” thành món bánh canh dùng bữa thường ngày. Rồi còn có bánh canh bột lọc, bánh canh bột gạo, bánh canh bột lộn và ngay cả bo bo xay bột cũng được làm bánh canh dùng qua ngày. Dù sao, húp một chén bánh canh cũng dễ hơn những củ khoai lang nghẹn cổ…

Cuộc sống khá hơn, món bánh canh dân dã cũng xa dần để hội tụ trên đường Hàn Thuyên trong Thành nội cho sinh viên nghèo sớm hôm lui tới. Đạp xe ven sông Đông Ba, vượt dốc Thanh Long qua chợ Mang Cá Nhỏ đến bánh canh Mụ Đợi. Sở dĩ có cái tên này là vì khách gọi phải đợi rất lâu. Đợi lâu nhưng thực khách cũng tìm về vì tô bánh canh có hương vị khác. Mụ Đợi không nấu một nồi bánh canh lớn rồi thả bột xắt sẵn vào. Chỉ khi khách gọi, bà mới nấu nên tô bánh canh nóng hơn, nước trong hơn, mùi vị thanh hơn, sợi bột dẻo hơn. Ngay cả chả thịt hay chả tôm cũng chính do người của quán tự quết, tự làm chứ không mua nơi khác về nên cũng ngon hơn.

Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, bỗng nổi lên bánh canh cá lóc Thuỷ Dương mà hương vị của nó sớm lan toả khắp cố đô. Mời nhau ăn sáng với bánh canh cá lóc Thuỷ Dương mới “sang”. Bởi khi đã đầy thịt, tôm, chả, người ta muốn quay về với bột gạo nguyên chất quê nhà và con cá tràu xứ ruộng; trở về với quán tranh nghèo ven lộ bên cánh đồng hây hây gió ven đô. Bánh canh cá lóc Thuỷ Dương đã trở thành thương hiệu và đi vào thành phố với nhiều hàng quán trên đường phố Huế. Như một cuộc hành trình không ngưng nghỉ, bánh canh dân dã mộc mạc bây giờ cũng không chịu an phận giữa lòng thành phố du lịch. Bên cạnh bánh canh thịt chả, cá lóc, bây giờ có bánh canh giò heo, bánh canh cua rời nguyên chất có giá đến 7.000 - 8.000 đồng một tô ngang với tô bún, tô phở bình thường. Từ sáng đến chiều, đường Phạm Hồng Thái tấp nập người xe và các quán bánh canh ấy là điểm nhấn trên phố ẩm thực tự phát Trương Định – Phạm Hồng Thái ở bờ nam sông Hương. Chỉ cách những quán bánh canh “cao cấp” ấy vài chục mét, vẫn còn đó một gánh bánh canh Nam Phổ ngày nào. Chỉ vài chục mét nhưng cuộc hành trình của bánh canh đã đi gần 30 năm.

Du khách đến Huế, ngoài những đặc sản của ẩm thực địa phương như bún, cơm hến, các loại bánh Huế… cũng nên thưởng thức bánh canh Huế để cảm nhận cuộc hành trình của một món ăn dân dã qua hàng chục năm trên quê nghèo miền Trung.

Theo Phạm Thị Dung (SGTT)