itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Quán của tôi / Quán An: Thoáng tĩnh lặng giữa Sài Gòn

Quán An: Thoáng tĩnh lặng giữa Sài Gòn

Một bàn ăn ngoài trời

Đấy là một nhà hàng nhưng mang một nét riêng, rất riêng. Tên gọi đơn giản “Quán An”. Quán An nằm sâu trong một con hẻm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh( 691/1, phường 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM).

Quán không chật chội, bức bối như con hẻm dẫn lối vào. Nhìn lướt qua, thấy dễ đến vài trăm khách có thể được bố trí cùng lúc. Đầu tiên là một ngôi nhà cổ 3 gian dễ đã có chừng trăm tuổi. Ngôi nhà, theo chủ nhân của nó, được mua từ Long An và đưa về lắp đặt như nguyên trạng. Hoa, dây leo, cây lá…làm cho ngôi nhà mái ngói rêu phong phủ một vẻ thơ mộng như tranh.

Trong khung cảnh trầm mặc ấy, khách có thể chọn góc ngồi tùy thích. Có thể là gian giữa nơi đặt chiếc máy hát chạy đĩa với chiếc loa đồng đặc trưng mang hình hoa loa kèn vươn ra phía trước. Có thể là gian trong, nơi có chiếc điện thoại xưa với ống nói và tai nghe là 2 mảng riêng biệt. Có thể là gian ngoài với chiếc bàn tròn cũng cổ xưa như ngôi nhà vậy.

Khách cũng có thể ngồi dọc hành lang nơi đặt chiếc Vespa cổ, ngộ nghĩnh, phía trên còn treo chiếc Vélo Solex (loại xe có thể vừa đạp như xe đạp, vừa có thể chạy như xe gắn máy với một cỗ máy nhỏ gắn phía trước, chạy bằng xăng mà hiện nay không còn thấy ai sử dụng). Góc sân trước mặt có hồ nước nhỏ, cá vàng bơi lượn, hoa súng vươn cao khiến cho chiếc bàn ăn kiểu Nhật chỉ dành cho 2 đến 4 khách càng thêm ấn tượng.

Không gian ấy, cảnh vật ấy dễ làm ta liên tưởng đến những ngôi nhà cổ dễ thương ở phố cổ Hội An hay những nhà vườn thơ mộng xứ Huế. Và trên hết, nó giúp ta có dịp đắm mình trong khoảnh khắc thân thương của một thời xa xưa đáng nhớ.

Ấy thế nhưng người viết bài này lại chọn một góc khác. Đó là góc ngồi ở dãy nhà ít cổ hơn nhưng tầm mắt được phóng ra một khoảng mênh mông của sông Sài Gòn và bầu trời khoáng đạt của thành phố.

Ở Sài Gòn mà được ngồi với bạn bè, với người mình yêu thương bên một dòng sông hiền hoà quả là thích. Người bạn đi cùng mê mải nhìn từng đàn cá nhỏ tung mình lên khỏi mặt nước đưa những chiếc bụng trắng hếu như những ánh bạc nổi bật trên một nền xanh nước, xanh trời như trong tranh vẽ. Thi thoảng, những chú cò trắng từ đâu bay tới lượn lờ trên những giề lục bình đang chầm chậm trôi để rồi bất chợt lao vút xuống dòng nước, kẹp một chú cá lạc loài thật ngoạn mục.

Còn tôi, hướng nhìn của tôi lại ở bờ bên kia. Nơi ấy, một chiếc thuyền nhỏ trôi dọc bờ sông vắng. Trên thuyền, một lão ngư lặng lờ thả và kéo lưới như chẳng hề biết đến xung quanh. Có vẻ như ông lão là hiện thân của những người mở đất Phương Nam đầy hoang dã nhưng cũng rất gần gũi mà tôi có dịp xem qua phim ảnh.

Không gian rất tĩnh lặng nhưng cũng tràn đầy sức sống. Đấy là chưa kể, xa xa, cầu Bình Triệu với 2 dòng xe xuôi ngược như để xác định dòng đời vẫn hiện hữu nhưng chẳng có bất kỳ tiếng xe, tiếng còi nào vọng đến.

Bàn ăn bên chiếc máy hát cổ

Để không phá vỡ cái không gian tuyệt vời ấy, chủ quán đã khéo léo giấu những chiếc loa Hifi ở đâu đó, chỉ để vẳng lại tiếng nhạc hoà tấu du dương, trữ tình, da diết của những ca khúc bất hủ VN và quốc tế. Cũng chẳng bất ngờ mấy bởi trong thanh âm dìu dặt, như có như không lại xuất hiện những chú chim sẻ. Chúng sà xuống nền gạch, dưới bàn ăn với tiếng kêu lích chích nghe dễ thương đến lạ.

Bao nhiêu căng thẳng của cuộc sống đô thị chắc chắn sẽ được tan biến, ít nhất là trong thời gian bạn còn ngồi ở đây.

Cái không gian ấy khiến ai nấy đều không muốn gây ra bất kỳ tiếng ồn nào. Cả chục bàn có khách, đa số là cặp đôi, cặp tư nhưng mỗi người đều ăn nhẹ, nói nhỏ. Nhiều người xong bữa, rời đi nhưng cũng yên lặng như khi họ đến. Một không khí thật thân thiện và lịch sự!

Và cuối cùng, giá cả cũng chấp nhận được. Ví dụ:

- Cải chua: (cải chua, gân bò, tai heo chua): 20.000đồng
- Chả giò (tôm, cua): 50-70.000đồng
- Gỏi cuốn: 10.000đồng/cuốn
- Salad trộn: 30.000đồng
- Gỏi ngó sen tôm thịt: 60- 80.000đồng
- Gỏi cá sống: 70 - 100.000đồng
- Bò đút lò phô mai : 80 - 160.000đồng

Thế nhưng, trăm nghe không bằng mắt thấy. Nếu thích, bạn có thể tự tìm đến để mục sở thị nhé!

Theo Hoàng Duy (Tuổi Trẻ)