itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Liên hoan truyền hình toàn quốc 2009: Phim truyện không có sự đột phá

Liên hoan truyền hình toàn quốc 2009: Phim truyện không có sự đột phá

Cảnh trong phim “Giấc mơ thiên đường” (trong loạt phim Câu chuyện pháp đình của hãng phim TFS sản xuất)

Mảng phim truyện tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc tháng 1-2009 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) trong bối cảnh việc sản xuất phim truyện truyền hình đã được xã hội hóa mạnh mẽ. Cũng giống như một số liên hoan truyền hình gần đây, phim truyện truyền hình tham dự liên hoan thường có hai khu vực: phim truyện dài (từ 5 tập đến 25 – 30 tập) và phim ngắn tập (từ 1 đến 2 tập).

1- So với một số liên hoan truyền hình trước, có thể khẳng định số phim dài tập dự thi lần này khá đồng đều về chất lượng, không có phim được thực hiện dễ dãi, kéo dài lê thê và chẳng tải gì nhiều về những vấn đề của xã hội.

Ranh giới chất lượng nội dung và tính chuyên nghiệp của các tác phẩm dự thi giữa các đơn vị có bề dày, có đội ngũ, có kinh nghiệm làm phim dài tập với các đơn vị mới tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim truyền hình dài tập cũng không quá chênh nhau.

Có lẽ đó là kết quả của công tác xã hội hóa, là sự lựa chọn từ hàng trăm bộ phim truyện truyền hình dài tập của nhiều đơn vị được sản xuất năm 2008 để có 5 bộ phim tham dự Liên hoan Truyền hình 2009. Đó là các phim Hậu họa (Trung tâm Điện ảnh chiều thứ bảy), Gió làng Kình (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình VN), Khát vọng đồng quê (Công ty cổ phần Quốc tế truyền thông – VTC), Cao su mùa lá rụng (Hãng phim Truyền hình Bình Dương, Đài Phát thanh và truyền hình Bình Dương), Câu chuyện pháp đình (Hãng phim TFS - Đài Truyền hình TPHCM).

Phim Hậu họa (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Nhuệ Giang) nói về một bi kịch gia đình khi có sự dối trá len lỏi vào cuộc sống hôn nhân và quan hệ gia đình. Phim cũng vạch trần các loại tội ác được che phủ khôn khéo bằng những thủ đoạn tinh vi, bằng những dục vọng, quyền lực.

Phim Gió làng Kình (kịch bản Phạm Ngọc Tiến – Thùy Linh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần) là những tiếp nối khá thành công về mảng phim đề tài nông thôn mà trong đó, đạo diễn tiếp tục bàn về chuyện quản lý đất cát ở nông thôn, vấn đề quyền lực dòng họ trong cộng đồng làng xã và vai trò của những người lương thiện trong cuộc đấu tranh vì sự công bằng và yên bình sau những lũy tre xanh.

Hai bộ phim Hậu họaGió làng Kình đã công chiếu và được dư luận người xem đánh giá khá tốt.

Tạo sự ngạc nhiên cho Ban giám khảo là bộ phim Khát vọng đồng quê (kịch bản Minh Viên, đạo diễn Phan Hoàng) của Công ty cổ phần Quốc tế truyền thông (VTC) phối hợp với Hãng phim Cửu Long thực hiện.

Đây là bộ phim của những đơn vị mới tham gia liên hoan truyền hình lần đầu ở khu vực phim truyện dài. Các tác giả của bộ phim cũng là những tên tuổi mới, song đã thể hiện tương đối tốt một bộ phim dài 20 tập về một mảng đề tài khá quen thuộc, sự vươn lên, sự khẳng định vị thế của lớp trẻ xây dựng quê hương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập.

Sự đồng đều tương đối về chất lượng khiến Ban giám khảo khó khăn lựa chọn các phim vào đúng các khung giải thưởng. Với tiêu chí ủng hộ tính hấp dẫn, tính cập nhật và sự tìm tòi trong phong cách thể hiện, Ban giám khảo đã chọn hai phim Hậu họaGió làng Kình để trao giải vàng; các phim Khát vọng đồng quêCâu chuyện pháp đình đề nghị trao giải bạc, phim Cao su mùa lá rụng được đề nghị trao bằng khen.

2- Nếu như ở khu vực phim truyện dài tập khá đồng đều về số lượng và chất lượng thì phim ngắn tập tham dự Liên hoan Truyền hình lần này ít hơn cả về số lượng và chất lượng cũng khá chênh nhau.

Bộ phim được Ban giám khảo đánh giá cao là phim Khí phách anh hùng (kịch bản Nguyễn Kế Nghiệp, đạo diễn Hồ Ngọc Xum) của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long. Phim thể hiện một phần thời trai trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng của cố Thủ tướng Phạm Hùng. Trong phim có nhiều cảnh được thể hiện hoành tráng không thua kém mấy so với các phim truyện nhựa. Điều quan trọng hơn là hình tượng nhân vật được các tác giả khắc họa chân thật, lôi cuốn.

Các phim đầu tay của một số đạo diễn như Khát vọng xanh của Trần Chí Thành, Cổ tích đom đóm của Nguyễn Anh Tuấn, cũng là những phim có sự nghiêm cẩn trong cách thể hiện và xu hướng của hai đạo diễn này là hướng tới những đề tài đời thường, những con người làm việc thiện trong những góc khuất.

Bộ phim Bước nhảy thần kỳ của Hãng phim TFS đã có một lý giải khá thuyết phục về vấn đề hiphop trong giới trẻ hiện nay. Qua đó khán giả có một cái nhìn đúng về “phong trào” mới được nhập vào VN ta chưa lâu.

Với một số ghi nhận đó, bộ phim Khí phách anh hùng được đề nghị trao giải vàng, các phim Khát vọng xanh, Bước nhảy thần kỳ được đề nghị trao giải Bạc v.v…

Ngoài bốn bộ phim trên, các phim còn lại chất lượng không cao, thậm chí có phim chưa phải là một bộ phim đúng nghĩa. Thực tế này có thể giải thích được, bởi hình như giờ đây những nhà làm phim truyền hình tập trung nhiều nỗ lực cho loại hình phim nhiều tập mà “bỏ quên” loại hình phim ngắn tập.

Liên hoan Truyền hình đã khép lại, mỗi thể loại đều được đánh giá, vinh danh trong các giải thưởng. Ở khu vực phim truyện đã có những ghi nhận để qua đó năm sau sẽ có một mùa phim bứt phá hơn, hấp dẫn công chúng hơn. Và điều quan trọng là không chậm trễ để xây dựng được các cách thức làm ra những tác phẩm phim truyền hình chuyên nghiệp đủ sức vươn ra với mọi tiếp nhận của khán giả trong nước và thế giới.

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh (Thành viên Ban giám khảo phim truyện)