itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thời trang / Thời trang công sở Việt: thiếu phong cách

Thời trang công sở Việt: thiếu phong cách

Một mẫu thời trang công sở Hàn Quốc

Có quá sớm để đi tìm phong cách cho thời trang nơi công sở? Tuy nhiên, "mỗi người một vẻ", cùng việc "ăn theo" phong cách thời trang phim ảnh, cho thấy sự lúng túng của nhiều nhân viên văn phòng khi tìm kiếm những bộ cánh cho 8g công sở...

Mạnh ai người nấy mặc

Đa số trang phục công sở vẫn mang tính “nhất thời”, “ăn theo”. Trong cùng một văn phòng, nhân viên nữ người thì áo phông quần bò bụi bặm, người lại váy mềm, áo điệu… nhân viên nam thì quần âu áo sơ mi, rồi quần jeans áo bó, thậm chí có nhân viên còn mặc đồ hiphop rất ngầu đi làm.

Anh Huy, phụ trách kinh doanh cho một công ty truyền thông tâm sự: “Nhân viên công sở bây giờ ăn mặc khác trước nhiều. Quần áo của họ toàn là hàng hiệu, lướt qua cũng có thể điểm mặt được ngay, toàn các anh tài: D&G, Just Canvalli, Milano, Louis Vuitton... nhưng tôi cam đoan đó là… hàng nhái. Nhưng như thế đã đủ để buổi sáng đến cơ quan, chỉ quan sát một chút thôi là có cảm giác như đang được xem một “fashion show” được tổ chức gấp gáp.

Có thể đánh giá đó có phần “cực đoan”, nhưng nếu so sánh với xu hướng ăn mặc của nhiều nước có nền thời trang mạnh trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore… thì cũng là điều đáng phải suy ngẫm khi thực sự đã có những khoảng cách về chuyện "mặc đẹp”.

Tất nhiên, không phải cứ theo người thì sẽ hợp với ta. Thế nên thời gian qua, không khó để nhận ra: Bên cạnh “trào lưu hàng hiệu”, thời trang công sở Việt Nam còn có một xu hướng mới là chạy theo mốt trong phim, đặc biệt là các bộ phim Hàn Quốc.

Ngay sau khi bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” được trình chiếu trên VTV3, kiểu áo phông màu với áo khoác lửng bên ngoài của nhân vật nữ Han Ji Eun (Song Hye Kyo đóng) lập tức tràn ngập các đường phố Việt Nam và nhanh chóng lan vào các công sở, dù là theo ý kiến của nhiều người “kiếu áo ấy chỉ hợp để đi chơi”; rồi váy dài trắng với áo hở cổ của Kim Hye Soo trong “Tình cờ”, sơ mi màu với quần kem trắng của Chae Rim...

Với các nhân viên nam, mức độ ảnh hưởng có vẻ “thầm lặng” hơn, chủ yếu là những bộ vest kiểu hoặc áo sơ mi văn phòng cách điệu theo phong cách Kim Jae Won, Kang Ta, Bae Yong Jun…

Anh Tuấn (27 tuổi, họa sĩ thiết kế), một người chuyên “săn” hàng hiệu Hàn Quốc cho biết: “Thời trang công sở Hàn Quốc rất đẹp. Mình vẫn thường nhờ bạn bè bên đó mua hộ áo sơ mi và quần âu của STCO hay VINO. Hàng của mấy hãng đó tuy có hơi đắt một chút, nhưng ví dụ như STCO cũng chỉ tương đương với Pierce Cardin bên mình, nhưng chất lượng, màu sắc và đặc biệt kiểu dáng thì khỏi chê luôn”.

Anh Tuấn cũng nói thêm, nếu chạy theo các kiểu mẫu được lăng xê trên phim ảnh, nhất là phim truyền hình thì sẽ “đề mốt” vì các phim đó đến Việt Nam thường sau một vài năm!

Đồng phục công ty: nhân viên không hào hứng

Với các công ty yêu cầu nhân viên mặc đồng phục thì mọi chuyện có vẻ dễ chịu hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thậm chí là các thành phố lớn, số lượng các công ty đầu tư đồng phục cho nhân viên không phải là nhiều. Trong khi đó, không phải nhân viên nào cũng có hứng thú với việc ngày ngày ra khỏi nhà với độc một bộ cánh như thế.

Hơn nữa, đồng phục có thể hợp với người này nhưng lại không hợp với người kia, thế là xảy ra tình trạng nhân viên sáng xách đồng phục từ nhà đến công ty thay, rồi chiều lại bỏ vào túi mang về.

Chị Hiền, nhân viên một công ty du lịch tâm sự: “Mình mặc váy không đẹp, mỗi lần mặc đồng phục công ty ra ngoài đường mình không thấy tự tin. Cho nên, hôm nào mà biết chắc sếp không đến văn phòng là… đồng phục cũng yên tâm mà ở nhà”!

Trong lúc chờ sự định hình rõ rệt, thời trang công sở vẫn cần phải đảm bảo: có sự kết hợp hài hòa giữa môi trường sống, môi trường làm việc, tính chất công việc và vẫn bộc lộ được “gu” ăn mặc, cá tính riêng mà mỗi người tìm kiếm và đạt được sự tự tin cho mình. Nổi bật hiện nay là sử dụng trang phục vừa mặc được nơi công sở nhưng vẫn có thể mặc đẹp khi đi ra đường hay tiếp khách bên ngoài.

Theo Bùi Nguyễn Việt (Tuổi Trẻ)