itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao trong nước / "Sốc" vì giá cầu thủ nội

"Sốc" vì giá cầu thủ nội

Chưa bao giờ người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại chứng kiến những cuộc chuyển nhượng cầu thủ với cái giá kinh hoàng như vậy.

Vài năm trước đây, việc Trường Giang từ Tiền Giang về Bình Dương, Trung Kiên từ Nam Định về TMN-CSG với giá 1 tỉ đồng đã bị coi là quá cao so với mặt bằng cầu thủ nội. Rồi cái giá 70.000 USD để Carlos Rodriguez từ Đồng Tâm Long An đầu quân cho Vinakansai Ninh Bình, hay Thonglao từ Bec Tero về Hoàng Anh Gia Lai với giá 85.000 USD được nhiều người cho là trò chơi ngông của các "đại gia"... Thế nhưng trước khi mùa bóng 2008 chính thức khởi tranh, con số 1 tỉ đồng kể trên đã trở nên lạc hậu. Điều đáng nói là hai đội bóng tạo nên những kỷ lục mới trên thị trường chuyển nhượng VN lại chính là 2 CLB ở giải hạng nhất: Vinakansai Ninh Bình và T&T Hà Nội.

T&T Hà Nội: Không tiếc tiền

HLV CLB T&T Triệu Quang Hà tiết lộ: "Để chuẩn bị cho mùa giải mới, chúng tôi chi khoảng hơn 5 tỉ đồng để thu hút anh tài. Một trong những cầu thủ ngoại tôi thấy ưng ý nhất sau khi tiến hành thử việc là tiền vệ công Casiano, quốc tịch Colombia. Số tiền chuyển nhượng mà Casiano nhận từ T&T là 100.000 USD. Một cầu thủ khác đến từ Brazil - Christiano còn đa năng hơn cả Casiano khi đá được các vai tiền vệ trụ, tiền vệ trung tâm, tiền đạo. Cậu này đã từng chơi cho CLB Benfica của Bồ Đào Nha. Thế nhưng rất may là sau khi đàm phán, tiền chuyển nhượng không quá cao, có thể chấp nhận được là 80.000 USD". Ông Hà không công bố chính thức mức lương nhưng được biết, mỗi tháng, Casiano và Christiano được trả 10.000 USD/người. Và cả hai cầu thủ ngoại 31 tuổi này đến với T&T thông qua nhà môi giới Tiến Đại. T&T cũng đã bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua cầu thủ Maxell, người Nigeria, mùa trước khoác áo Đồng Tháp và lương trả chưa đầy 5.000 USD.

CLB này đã thất bại trong cuộc thương thảo với hậu vệ Nguyễn Huy Hoàng (SLNA) nhưng cũng kịp có chữ ký của thủ môn Dương Hồng Sơn với giá 1,7 tỉ đồng, bên cạnh đó là hàng loạt hảo thủ với giá cộng lại cũng khoảng 3 tỉ đồng như Văn Sỹ Sơn (SLNA), Phạm Như Thuần, Lê Văn Thành (Thanh Hóa), Đoàn Hoàng Sơn (ĐTLA), Nguyễn Minh Hải (HAGL) cùng các cầu thủ trẻ không mất một đồng chuyển nhượng của Đà Nẵng: Võ Hồng Quảng, Trần Văn Học. Ngoài ra, họ còn được trung vệ tuyển U.23 VN Nguyễn Thành Long Giang (Tiền Giang cho mượn).

Vinakansai Ninh Bình: Phá mọi kỷ lục

Chi phí đầu tư của T&T đã gây ấn tượng, song không thấm tháp vào đâu so với con số kỷ lục 12 - 15 tỉ đồng chỉ để mua cầu thủ của CLB Vinakansai Ninh Bình. Trong đó, tiền chuyển nhượng Hữu Thắng đã lập kỷ lục về cầu thủ nội có giá cao nhất từ trước đến nay.

Trao đổi với Thanh Niên, Trưởng đoàn bóng đá Vinakansai Ninh Bình Nguyễn Quốc Phong không giấu tham vọng: "Chúng tôi mạo hiểm để thành công. Mỗi trận đấu của mùa giải mới đối với CLB là một trận chung kết. Vì thế, lãnh đạo CLB đã sẵn sàng dự trù một nguồn kinh phí lớn để thu nạp những cầu thủ giỏi. Giai đoạn 2 của giải hạng nhất năm ngoái, CLB đã chi 70.000 USD để mua John - cầu thủ quốc tịch Bờ Biển Ngà, mới 20 tuổi, được đào tạo trong lò Arsenal. Năm nay, ngoài John, CLB đã bỏ 90.000 USD để có chữ ký của cầu thủ David, người Nigeria. Cả hai cầu thủ ngoại đã chấp nhận mức lương thấp hơn cả mức sàn hiện nay, chưa tới 5.000 USD nhưng chúng tôi đã hứa sẽ tăng lương hằng năm".

Ông Phong nói tiếp: "90% quân số cầu thủ nội đều được mua từ các CLB khác trong nước. Hữu Thắng có giá 3 tỉ đồng. Trung vệ Quốc Trung (Thể Công): 1 tỉ đồng. Cao Xuân Thắng (SLNA): trên 1 tỉ đồng. Lã Mạnh Tường (Thanh Hóa): 500 triệu đồng. Lê Thành Long (ACB), Trần Văn Hùng (Đà Nẵng): 300 triệu đồng. Phan Thanh Hoàn (SLNA): 200 triệu đồng. Riêng trường hợp tiền đạo Công Vinh vì vẫn còn hợp đồng với SLNA nên chúng tôi chưa xin phép SLNA cho tiếp xúc với Vinh. Nhưng giá của Vinh theo tôi sẽ là 5 tỉ đồng. Chúng tôi luôn chiêu mộ cầu thủ theo đúng luật và điều lệ LĐBĐVN, không "đi đêm", không thực hiện những cuộc mua bán trái pháp luật. Từ sang năm, Vinakansai Ninh Bình sẽ trực tiếp ra nước ngoài để tìm cầu thủ ngoại, chứ không thông qua môi giới như hiện nay".

Chạy đua khốc liệt

Mới 2 đội hạng nhất đầu tư lực lượng mà nhiều đội khác đã cảm thấy "khó thở". Vì thế không ít đội đã lao vào cuộc để cạnh tranh, trong đó An Giang và Đồng Tháp đang tìm cách "đổi đời" khi đã kéo về một số ngoại binh có chất lượng cao do họ sắp có 2 công ty lớn là Cao su VN và An Đô đầu tư hơn 8 tỉ đồng/đội. Tương tự Đồng Nai, Cần Thơ, Tây Ninh đều rục rịch tuyển quân nhưng không tiết lộ giá. Mới hôm qua, nhà tài trợ cho đội Đồng Nai là Berjaya - Malaysia (tài trợ 1 triệu USD cho 3 mùa bóng, riêng mùa đầu là 400.000 USD) đã “bật đèn xanh” cho đội được thuê cầu thủ giỏi với giá chấp nhận được.

Còn với các đội V-League, Bình Dương đã ký hợp đồng với 2 cầu thủ CLB Matsubara (vô địch BTV Cup) là Vua phá lưới Salatiel và Marcio với giá chuyển nhượng hơn 100.000 USD và lương tháng khoảng 6.000 USD/cầu thủ. Bình Dương cũng kéo về nhiều cầu thủ nội như thủ môn Minh Quang (Bình Định), Giang Thành Thông (Đà Nẵng), Thanh Tuấn (Huế), Tô Đức Cường (Hải Phòng) với tiền "lót tay" cho các cầu thủ này khoảng 2 tỉ đồng. HLV Vương Tiến Dũng của Xi măng Hải Phòng cũng đã tậu được 2 trụ cột mùa rồi của Thép Cảng là chân sút Elendino và tiền vệ tổ chức Helio với giá không dưới 2 tỉ đồng. Ngoài ra, Hải Phòng còn kéo thêm 3 cầu thủ nữa là Leandro, Fabiano và Achaw cũng mất đứt khoảng 1,5 tỉ. Trong khi đó, Thể Công đã có được 4 ngoại binh đến từ 4 quốc tịch khác nhau là thủ môn người Czech, trung vệ người Đức, tiền vệ người Serbia và tiền đạo người Mexico với giá chuyển nhượng không được tiết lộ, nhưng tất cả không dưới 3 tỉ đồng. Giám đốc điều hành Hồ Trí Liêm còn cho biết sắp tới sẽ có một cầu thủ Cameroon đang chơi cho đội tuyển Olympic. Ông Liêm cười ý nhị: "Đó sẽ là một chân sút mà chúng tôi đang rất cần".

Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai đang chạy đua với thời gian khi đang tìm cách tậu thêm một trung vệ người Thái Lan đang chơi cho tuyển Thái sau khi đã có Kone Mohamed được chuyển nhượng từ CLB Chon Buri với giá không dưới 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, đội bóng phố núi cũng có Phùng Văn Nhiên với giá gần 1 tỉ đồng, tiền vệ Lê Thanh Phương cũng vài trăm triệu. Đội Hòa Phát có tiền vệ Nguyễn Văn Vinh từ SLNA và tiền đạo Trần Đoàn Khoa Thanh từ Bình Định khoảng 1 tỉ đồng. Đội Đồng Tâm Long An tậu 3 cầu thủ Bình Định Minh Mính, Hoàng Lâm và Ngân Ngọc Hưng chỉ mất chưa đến 2 tỉ, Trần Văn Hiệp từ Tiền Giang, HLV Trần Công Minh từ Đồng Tháp cũng xấp xỉ 1 tỉ đồng. Hiện ĐTLA còn rất muốn hậu vệ trái Võ Nhật Tân của TG nhưng chưa thương lượng được. Tài chính dầu khí SLNA tậu được chân sút Opara của Huế với gần 1 tỉ đồng.

Khatoco Khánh Hòa cũng đã kéo về 3 ngoại binh chơi rất tốt mùa rồi là Abbey (SLNA), William Santos (Hòa Phát) và Kleber (TMN-CSG). Số tiền chuyển nhượng bộ ba này không dưới 3 tỉ đồng, trong đó lương mỗi cầu thủ khoảng 5.000 USD.

Giá cao do khan hiếm cầu thủ giỏi? 

Nói về làn sóng vung tiền tỉ mua cầu thủ của một số đội bóng, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh phân tích: "Tôi hiểu những khao khát của các đội bóng này trong việc quảng bá thương hiệu đồng thời muốn chơi ở V-League. Nhưng một đội bóng có nhiều cầu thủ tốt trong đội hình chưa chắc đã là đội bóng giỏi. Thực tế từng cho thấy một đội bóng nhiều "sao" rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề và khó làm cho guồng máy chạy tốt, so với đội ít "sao" nhưng có kỷ luật đấu pháp tốt và sự đoàn kết trên sân". Về trường hợp một số cầu thủ được mua với giá cao ngất, ông Vinh nói: "Hữu Thắng mà giá 3 tỉ đồng theo tôi là con số ảo. Làm gì mà cầu thủ này lại cao giá đến thế, hơn cả những Huy Hoàng, Minh Phương, Hồng Sơn... Nếu Hữu Thắng của năm 2003 thì số tiền đó còn có thể hiểu được. Nhưng Thắng một thời gian dài chấn thương và chỉ đá dự bị trong đội Bình Dương, phong độ không thể bằng lúc trước thì việc bỏ số tiền đó để mua anh là phi lý. Có lẽ do cần người quá mà Vinakansai Ninh Bình phải làm vậy chăng?".

Trong khi đó, Phó tổng thư ký LĐBĐVN kiêm Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi nhận xét: "Việc các CLB như Ninh Bình hay T&T mua cầu thủ với giá quá cao có thể xuất phát từ nhu cầu quá thiếu cầu thủ nội tốt. Bởi ở giải hạng nhất, theo quy định của LĐ là chỉ đăng ký 3 cầu thủ ngoại và ra sân 2 (so với V-League đăng ký 5 ra sân 3), nên cầu thủ nội ở giải hạng nhất xuất hiện nhiều hơn. Vinakansai Ninh Bình và T&T đều có ý định thăng hạng nên họ có quyền mua cầu thủ với giá của mình miễn là không sai luật".

Theo Thanh Niên