itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao trong nước / Tổng quan mùa bóng 2008: Trận chiến của những đồng tiền?

Tổng quan mùa bóng 2008: Trận chiến của những đồng tiền?

Nếu nói bóng đá chuyên nghiệp là tiền thì có thể vỗ tay chúc mừng nền bóng đá Việt Nam. Bây giờ tiền đổ vào V-League ào ạt, nhiều đến mức mà cái hợp đồng 3,5 tỷ đồng giữa sơn Boss và Bình Định cũng bị chê là "bèo"…

Chẳng ai còn có thể định giá được giá trị của V-League ở thời điểm này. Hãy xem, một đội hạng Nhất còn dám bỏ ra gần 10 tỷ chỉ để mua cầu thủ. Ngân sách dành cho một đội hạng Nhất giờ lên đến con số 20 tỷ đồng. Nghe xong đã choáng!
Thế nên, nếu ngày trước người ta than thở không có chỗ dựa, không có nơi "chống lưng", không có quan hệ thì dễ rớt hạng, bây giờ lại than là không có tiền thì chẳng còn cửa để tồn tại.
Mà đúng thật. Bây giờ đụng vào đâu cũng phải có tiền khi giá trị các cầu thủ được đẩy lên với tốc độ phi mã. Cỡ 1 tỷ đồng cách đây 1 năm, giờ chẳng là cái gì. Cầu thủ cao giá, đã thế lại hiếm nên giá trị cầu thủ được thổi phồng đến mức khó chấp nhận. Vậy mà vẫn có nhiều CLB lao đầu vào cuộc chơi đang mất dần sự kiểm soát. Đương nhiên, trong cuộc chơi ấy, không phải ai cũng thắng vì thị trường chuyển nhượng ở Việt Nam cũng chỉ loanh quanh vài cái tên. Đâm ra, mọi chuyện cũng chẳng giải quyết được gì nhiều.

Tại V-Leage, tính đến thời điểm này chỉ còn Bình Định, SLNA và Thanh Hóa là còn chịu sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, V-League thực sự đã đạt đến tầm mức của một giải đấu chuyên nghiệp, nếu xét ở góc độ tư nhân hóa bóng đá. Trong khi đó, giải hạng Nhất cũng đã xuất hiện 5-7 đội chuyển sang mô hình tư nhân như một xu thế tất yếu. Vì vậy, có thể nói cuộc chơi tại mùa bóng 2008 là trận đấu của... tiền.
... NHƯNG VẤN ĐỀ LẠI KHÔNG NẰM Ở TIỀN
Câu chuyện của Hòa Phát Hà Nội mùa trước vẫn còn nóng hổi. "Anh nhà giàu" này tưởng có thể cải thiện đuợc thành tích bằng tiềm lực tài chính hùng mạnh, nhưng sau một năm nổi đình nổi đám, giờ phải suy nghĩ lại. Xét về tiềm lực, HP.HN vẫn đang là một đội bóng đáng chú ý ở mùa tới nhưng rõ ràng, cái nhóm thao túng quyền lực tại V-League vẫn chỉ là những cái tên đã được khẳng định từ trước như ĐT.LA, HA.GL, Đà Nẵng và Bình Dương. Trong khi những Xi măng Hải Phòng chỉ "xin" trụ hạng, TCDK. SLNA mong vào tốp 5. Hòa Phát không tuyên bố gì cả, còn Thanh Hóa thì đang lo sợ cái màn "đánh hội đồng" sau khi đã quá nổi tiếng ở mùa 2007.
Tóm lại, tiền lớn, tiền bé chỉ là chuyện trước khi mùa bóng bắt đầu. Mối quan tâm lớn nhất chỉ là trụ hạng mà thôi!
Xét ở góc độ này thì dù gặp khá nhiều khốn khó, nhưng Bình Định vẫn được xem là không hề yếu chút nào nếu ông Bảy Minh vẫn còn làm trưởng đoàn. Khatoco Khánh Hòa dù chẳng nổi đình, nổi đám trong chuyện chuyển nhượng vẫn cứ được đánh giá cao. Khả năng rớt hạng mùa tới chẳng chừa đội nào ngoài "tứ đại gia" ứng cử viên cho chức vô địch. Vì vậy, tiền bạc chẳng giải quyết được gì.
Ngay cả ở giải hạng Nhất, đình đám nhất vẫn là Vinakansai Ninh Bình và T&T Hà Nội nhưng xét về thực lực, thành tích thì cũng chỉ là thường thường bậc trung. Ở sân chơi này, Đồng Tháp, Huế, An Giang, Đồng Nai vẫn là những "anh cả đỏ".
Như chúng tôi đã từng đề cập, ở những giải đấu dài ngày, sự toan tính của lãnh đạo CLB, mối quan hệ của các ông trưởng đoàn và nội lực bản thân mới là điều quan trọng nhất. Thay đổi lớn về đội hình như T&T Hà Nội và V.Ninh Bình chưa chắc đã đem lại sức bật mà đôi khi còn khiến cho sự ổn định không còn.
CỤC DIỆN VÀ NỖI LO TOAN
Rốt cục, cái quan trọng nhất mà những ai tâm huyết với bóng đá Việt Nam đều nghĩ đến trước khi bóng lăn vẫn là độ trong sạch của các giải đấu. Liệu tiền được đổ vào bóng đá nhiều có phải là biểu hiện của tính chuyên nghiệp hay không? Chẳng ai dám trả lời điều đó.
Bóng đá Việt Nam vẫn có những đặc thù riêng và thất bại của đội U23 tại SEA Games 24 đã phản ảnh đặc thù đó. Hy vọng một mùa giải sạch tinh tươm là điều viển vông. Càng thấy các CLB đổ tiền nhiều cho bóng đá càng lo thêm cho sự trong sáng vốn đã ít ỏi của các giải đấu. Nếu ngày trước, vì lo cho chiếc ghế, người ta phải toan tính những nước cờ dưới gầm bàn thì liệu bây giờ, lo sợ tiền mất, thương hiệu bị ảnh hưởng, có chăng cũng phải tính toán để mà trụ hạng, để thăng hạng hay không? Chẳng ai biết được.
Và như thế, dù có nhiều thay đổi nhưng V-Lague và cả giải hạng Nhất cũng khó đi ra ngoài vòng quay cũ. Ngay cả Cúp Quốc gia cũng khó có những chuyển biến tốt đẹp hơn. Cục diện của mùa bóng 2008 rồi thì cũng sẽ hào hứng, bất ngờ ở lượt đi và dàn xếp êm thấm ở lượt về.
Nỗi lo vẫn còn đó mà tiền cũng chẳng giải quyết được gì.

Theo Thể Thao