itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thể thao trong nước / Vấn đề bóng đá Việt Nam trước cơn “bão” tiền thưởng: Hai mặt của... thưởng

Vấn đề bóng đá Việt Nam trước cơn “bão” tiền thưởng: Hai mặt của... thưởng

Bóng đá Việt Nam từ cấp CLB đến đội tuyển hay được kích bằng đòn bẩy tiền thưởng. Tuy nhiên, trong cơn “bão” tiền ấy lại có hai mặt của nó...

Bây giờ nói các cầu thủ thi đấu mà không trông vào tiền thưởng là nói láo. Nguyên do rất rất nhiều lãnh đạo cứ treo miếng mỡ để cầu thủ “máu” và nhiều lúc thưởng đã bị phản tác dụng.

Đội tuyển từng “chết” vì thưởng

Năm 1999, đội tuyển Việt Nam sau khi đoạt HCB SEA Games 20 từ Brunei về đã không vui trọn vẹn vì thành tích thì có nhưng tiền thưởng thì chỉ nghe công bố song chờ mãi vẫn chưa giải ngân được. Thế là nhiều cầu thủ buồn chán và đã phải nhờ đến báo giới giúp cho việc giải ngân nhanh để tiền thưởng còn kịp chia cho đội.

Cũng năm đấy, nhiều cầu thủ bất mãn vì nghe thưởng nhiều nhưng tiền đến lại chẳng bao nhiêu. Nhiều người lại chạy đến than thở với giới truyền thông là thất vọng vì phải cắt phần trăm để cho quan chức này, quan chức nọ nhưng được khéo léo ghi vào là những khoản xây dựng và quỹ cho đội tuyển...

Từ thành công tại SEA Games 18 năm 1995, các khoản thưởng luôn được kèm theo cho đội tuyển và nó thành khoản không thể thiếu khi xuất quân. Ban đầu là những thiện ý vì cầu thủ mình vốn nghèo và khó khăn nhưng dần dần lại thành thói quen không có không được.

SEA Games 23 năm 2005 một quan chức VFF phụ trách về kinh tế vừa trúng cử đã ghi bàn cho mình bằng lời tuyên bố sáu tỷ đồng cho đội tuyển nếu vô địch. Có ai ngờ mức thưởng kỷ lục mà tưởng rằng để các cầu thủ “máu” hơn lại không giúp cầu thủ trung thực hơn khi cùng nhau làm độ với kiểu tính rất quái là vừa thắng vừa có tiền thưởng của VFF lẫn của dân độ.

Sau này ông phó chủ tịch phụ trách tài chính ấy tâm sự rằng chuyện kiếm tiền để treo thưởng cho cầu thủ có khi lại là con dao hai lưỡi vì nhiều cầu thủ chỉ chăm chăm vào mức thưởng mà đá.

Các CLB từng biến tướng vì tiền thưởng

Ở hạng Nhất, cầu thủ Đồng Tháp thắng hai trận đã thấy “lúa”. Lãnh đạo thưởng nóng 270 triệu đồng chia ra, người thấp nhất cũng gần chục triệu đồng. Ông Lê Ngọc Chức, Giám đốc điều hành CLB cho biết: “Định mức khen thưởng mới bằng điểm sẽ áp dụng từ lượt tới. Thắng sân khách 160 triệu đồng và sân nhà 120 triệu đồng. Hòa hay thua sân nhà hay sân khách, lãnh đội căn cứ vào “cách đá” sẽ có chế độ thưởng, phạt theo cách tính điểm...”.

Đồng Tháp tính chuyện thưởng nhiều vì hiện mức lương nội binh ở CLB thuộc loại thấp nhất nên phải có khoản để “kích” cầu thủ. Nếu họ thắng hai trận tới, sẽ có thêm 320 triệu đồng, chia ra tiêu tết, còn cao hơn cả mức lương thực lãnh.

TMN.CSG cũng đang hớn hở. Sáu điểm trên sân nhà, đội được thưởng tổng cộng 240 triệu đồng (thắng 120 triệu đồng, hòa 60 triệu đồng). Lương nội binh CLB này dao động từ tám đến 15 triệu đồng, nên nếu chia theo đá chính, đá phụ, thấp lắm cũng được khoản thưởng bằng lương tháng.

Hoàng Anh Gia Lai “ấm” nhất. Chỉ tính trận “thắng ngược” Gạch, họ đã chia nhau một tỷ đồng thưởng nóng của bầu Đức.

Nhưng chuyện thưởng ở CLB nhiều lúc hay bị biến tướng. Bằng chứng mùa trước chơi rất “máu” nhưng lúc “quyết toán” sau mùa chậm trễ và có những khoản chưa thể thanh toán thế là nội bộ đội Thanh Hóa xào xáo, cầu thủ đình công và thậm chí là có người tính “trốn” đi.

Mới đây, vụ đánh nhau tại giải U-19 trên sân Thành Long, mà nguyên nhân xâu xa cũng xuất phát cũng vì đội nhà cay cú bị mất khoản thưởng 200 triệu đồng ở phút chót.

Trước đây có những đội từng dùng tiền thưởng để chi vào những khoản lo lót hoặc “mua” đội bạn. Lại có đội lãnh đạo nói thẳng là thắng được mấy chục “chai” nhưng để đội bạn nằm thì phải lấy chỗ “chai” đó đắp vào (!?). Hồi Ngân hàng Đông Á bị phanh phui vụ “mua trọng tài” cũng bị chỉ ra từ... tiền thưởng.

Qua những ghi nhận trên cho thấy trong cơn “bão” tiền thưởng, bóng đá Việt Nam đang khó khăn trong khoản cân đối giữa mục đích thưởng mang yếu tố tích cực và tiêu cực. Có đội ông bầu “sướng” quá thưởng nóng ngay mà chẳng cần suy nghĩ. Có đội thì cầu thủ chỉ chờ thưởng mới đá.

Đồng tiền trong bóng đá chuyên nghiệp vì thế không phải bao giờ được cho đi cũng tốt. Vấn đề là của cho và cách cho sao cho đừng phản tác dụng để trở thành khoản phải có hay bị biến thành khoản “tiền đen”.

Theo PL T.p.HCM