itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / A.Blok và tình yêu nước Nga

A.Blok và tình yêu nước Nga

Aleksandr Blok (1880-1921) để lại dấu ấn rõ nét trong thi đàn văn học Nga đầu thế kỉ 20. Sống vào khoảng giao thời giữa hai thế kỉ, Blok chứng kiến một sự kiện trọng đại của nhân loại: Cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại (1917).

Cùng thời với Sergei Esenin nhưng hơi khác với Esenin, người gần như trút hết tâm huyết vào tình yêu, Blok đã thể hiện hài hòa tình yêu đôi lứa với tình yêu nước Nga. Tập Thơ trữ tình A. Blok (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007) đã chọn giới thiệu 100 tác phẩm trong toàn bộ sự nghiệp thơ đồ sộ của ông.

Sinh ngày 28-11-1880 tại Saint-Peterburg trong một gia đình quý tộc trí thức, lúc đầu Blok chưa bộc lộ thiên hướng văn học. Ông chọn ngành luật (1898) rồi 3 năm sau mới chuyển sang ngữ văn. Thiên hướng thi ca của Blok ngay lập tức “phát lộ” như một “ma lực xui khiến mà tôi không sao cưỡng lại nổi” (A. Blok). Song có lẽ, “ma lực” mà nhà thơ nói đến kia trước tiên phải là tiếng gọi tha thiết của cuộc sống, của tình yêu. Trẻ khỏe, vạm vỡ, đầy sinh lực, Blok có một sức mạnh nội tâm mạnh mẽ, và tình cảm của ông bộc lộ cũng rất mãnh liệt. Có khá nhiều “tiếng sét ái tình” làm rung chuyển tâm hồn nhà thơ, trong đó cần phải nhắc tới L. Dmitrievna - con gái nhà bác học nổi tiếng D. I. Mendeleev, K. M. Sadovskaja. L. D mitrievna chính là nguyên mẫu để ông sáng tác tập thơ đầu tay (được coi như tuyệt tác) Người đàn bà kiều diễm (1904), tập hợp tới 800 bài mà bài nào cũng nồng nàn hơi thở tình yêu. Đọc Blok, ta có cảm giác đi qua cánh đồng bạt ngàn tin yêu, bạt ngàn hi vọng và cả bạt ngàn... thất vọng. Khi yêu, người ta không thể giấu mình, đúng như Blok giãi bày: “Con người đang yêu mới đúng là con người. Đó mới đúng là con người đáng yêu”.

Thơ trữ tình tuyển dịch 100 bài của Blok. Càng đọc, ta càng nhận ra có một tình yêu đất nước, con người Nga sâu thẳm trong tâm hồn nhà thơ trữ tình này: Ban mai ở Moskva, Tổ quốc, Nước Nga, Chiều hè, Đêm ấm áp ôm choàng lên đảo, Trái tim ta nói lên sự thật... Khi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) nổ ra, Blok đã vào tuổi 37 - một độ tuổi đã chín về tài năng, sự nghiệp. Biến cố lịch sử hào hùng trong lịch sử nhân loại thế kỉ 20 đã ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng Blok, người sẵn lòng sống và cống hiến vì Tổ quốc: “Tôi hiến dâng cuộc đời một cách có ý thức và dứt khoát cho nước Nga”. Bài Ban mai ở Moskva (1909) thể hiện rõ nhất sự hồ hởi, phấn khích của nhà thơ trước sự đổi thay kì diệu của nước Nga: Sáng nay, tựa như em duyên dáng/ Điện Kremlin trong trẻo dịu dàng. Đúng là đã có một tình yêu cuộc sống và tình yêu nước Nga hòa trộn nhuần nhuyễn trong một con người: Nhà thơ A. Blok - một tâm hồn bát ngát giữa những vần thơ giàu suy tưởng.

Dịch giả, nhà ngôn ngữ học, PGS TS Nguyễn Xuân Hòa đã làm hết sức mình để bản dịch Thơ trữ tình Blok đến tay bạn đọc đúng vào dịp kỉ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười (1917-2007). Dịch thơ là việc khó, tuyển dịch sao cho phản ánh đúng “hồn vía” của một nghệ sĩ tài ba như Blok chắc chắn là khó hơn nhiều. Trước Nguyễn Xuân Hòa đã có khá nhiều người dịch Blok, nhưng dịch và giới thiệu một cách đầy đủ nhất về ông thì đây là tuyển đầu tiên.

Nước Nga vẫn rất gần với người Việt Nam. Lịch sử đã đưa hai dân tộc xích lại gần nhau trong cùng một lí tưởng khao khát tự do và tình yêu cuộc sống hòa bình. Bao nhiêu năm, chúng ta đã cùng nhau “tay trong tay”. Trong những cây cầu nối liền tình hữu nghị giữa hai dân tộc, không thể thiếu nhịp cầu thi ca.

TS Phạm Văn Tình