itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Giải Goncourt đã có chủ

Giải Goncourt đã có chủ

Nhà văn Gilles Leroy

Đến hẹn lại lên, giải văn học mùa thu ở Pháp đã chính thức khai màn đêm qua với việc công bố hai trong số những giải thưởng cao quý nhất là giải Goncourt và Renaudot.

Có thể nói rằng năm nay, cả hai giải thưởng lớn này đều mang lại cho giới quan sát và phê bình văn học chút gì khác lạ.

Goncourt 2007, giải thưởng văn chương uy tín nhất của Pháp, đã được trao cho nhà văn Gilles Leroy với tác phẩm Alabama Song (Bản tình ca Alabama, NXB Mercure de France).

Ở vòng bỏ phiếu thứ 14, Hội đồng giải thưởng Goncourt đã quyết định trao giải cho Gilles Leroy với số phiếu bầu là 4, vượt qua tác giả Olivier Adam chỉ có 2 phiếu bầu.

Gilles Leroy, 48 tuổi, là tác giả của khoảng 10 cuốn tiểu thuyết cùng nhiều thể loại khác. Sau những bước khởi nghiệp trong nghề phóng viên, ông rời Paris trong những năm 1990 để dành toàn tâm toàn ý cho nghề viết văn. Tác phẩm đầu tay của ông là Habibi (xuất bản năm 1987).

Đôi dòng về giải Goncourt 

Goncourt là giải thưởng văn học Pháp được sáng lập theo di chúc của Edmond de Goncourt vào năm 1896. Hội văn học Goncourt thành lập chính thức năm 1902 và giải đầu tiên được trao ngày 21/12/1903.

Giải Goncourt trao thường niên cho "tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm", nhưng hầu như chỉ trao cho tiểu thuyết.

Cho đến nay Goncourt vẫn là giải thưởng văn học có sức nặng nhất ở Pháp. Mặc dù tiền thưởng của giải chỉ là 10 euro, nhưng thay vào đó sự nổi tiếng mà Goncourt đem lại cho cuốn sách sẽ là một phần thưởng lớn.

Một bằng chứng là sau khi giành giải Goncourt năm ngoái, cuốn Les Bienveillantes đã bán được hơn 730.000 bản, trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong 10 năm qua ở Pháp.

Trước khi diễn ra lễ công bố, Alabama song được đánh giá là một trong những sự ngạc nhiên thú vị trong mùa giải văn học năm nay. Cuốn tiểu thuyết ngắn bí mật ra đời hồi tháng 9 nhưng đã tham gia rất nhiều giải thưởng. Nó xuất hiện trong danh sách ứng cử của cả 3 giải thưởng Goncourt, Renaudot và Médicis.

Cuốn tiểu thuyết kể về số phận bi thương của Zelda Fitzgerald, vợ của nhà văn Mỹ Francis Scott Fitzgerald.

Với một văn phong trang trọng, tác giả đã thành công khi phác họa chân dung nhạy cảm của một phụ nữ trẻ phải chịu nhiều sóng gió khi giam cầm cuộc đời trong bóng tối của một nhà văn vĩ đại. Điều này đã khiến cho tác phẩm tránh được việc kể lể khô khan như một bản tường thuật tiểu sử nhân vật.

Nhà văn Daniel Pennac

Còn ở giải Renaudot, được tôn vinh là một cuốn sách không có mặt trong số 5 tác phẩm ở vòng lựa chọn cuối cùng. Đó là tiểu thuyết Chagrin d'école (Nỗi đau đớn ở trường học, NXB Gallimard) của nhà văn Daniel Pennac, 62 tuổi.

Dù vậy, cuốn sách cũng phải trải qua 10 vòng bỏ phiếu của Hội đồng với những lời khen chê và rồi cuối cùng đã vượt lên giành chiến thắng. Nó đã nhận được 6 phiếu bầu chọn, vượt qua đối thủ Christophe Donner 1 phiếu.

Daniel Pennac không phải là người đầu tiên giành giải với cú nhảy ngoạn mục bỏ qua một giai đoạn lựa chọn. Hội đồng giải thưởng Renaudot cũng đã từng có quyết định tương tự vào năm 2004 khi dành vinh dự đó cho nhà văn Irène Némirovsky, tác giả của cuốn tiểu thuyết di cảo mang tên Suite française.

Pennac từng là giảng viên tiếng Pháp. Trong cuốn tự truyện của mình, Pennac kể về sự đau đớn mà ông phải chịu đựng do căn bệnh ung thư trong những năm trước đó.

Cuốn truyện có câu: "Nếu người ta chữa khỏi được căn bệnh ung thư thì người ta cũng vẫn không thể làm lành những vết sẹo, không bao giờ. Đó là những vết thương thể chất và tinh thần đau đớn mà căn bệnh bắt chúng ta phải chịu đựng”.

Đó là những giai đoạn khó khăn nhất của ông khi căn bệnh làm rối loạn cơ thể cậu học trò Pennacchioni – tên thật của tác giả. Tuy nhiên điều may mắn là cậu được sống trong môi trường gia đình khá giả với người bố là một kỹ sư bách khoa. Và may mắn hơn khi cậu được ba vị giáo sư và một nữ sinh viên tận tâm giúp đỡ, sau cùng đã mang trở lại niềm tin, sự lạc quan cho cậu.

Nhờ tình yêu thương đó mà sau này Pennac trở thành một tác giả thành công trong những truyện dân gian Bắc Âu. Nguồn cảm hứng của ông chủ yếu xoay quanh những nhân vật của vùng Benjamin Malaussène, với tác phẩm mở màn là Au bonheur des ogres (Từ hạnh phúc đến đau khổ), xuất bản năm 1985.

Giải thưởng Renaudot 2007 dành cho cuốn tiểu luận hay nhất thuộc về Olivier Germain-Thomas với tác phẩm Le Bénarès-Kyoto (NXB Le Rocher).

Linh Nga (tổng hợp)