itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Giải thưởng Hội Nhà văn VN: Không "mất mùa"?

Giải thưởng Hội Nhà văn VN: Không "mất mùa"?

Tập thơ dịch Khúc hát trái tim,
do Hữu Việt chuyển ngữ, đoạt giải.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay chỉ trao giải cho cuốn tiểu thuyết Và khi tro bụi (Tác giả Đoàn Minh Phượng) và tập thơ dịch Khúc hát trái tim (của thần đồng Mỹ Mattie J.T.Stepanek, do nhà thơ Hữu Việt chuyển ngữ).

Phóng viên có cuộc trò chuyện với nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ và TS Phan Hồng Giang để rõ hơn về những thay đổi trong tiêu chí xét giải năm nay.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Hơi tiếc cho thơ

- Năm nay thơ vắng bóng trong khung giải thưởng của Hội, là chủ tịch Hội đồng thơ, ông thấy thế nào?

- Ở thể loại thơ, năm nay có hai tác phẩm vào chung khảo là tập thơ của Trần Kim Hoa và Nguyễn Thị Đạo Tĩnh. Đứng ở quan điểm cá nhân, tôi thấy cả hai tập này đều có giá trị nhất định. Tôi thấy hơi tiếc, giá một người được giải thì vui hơn.

Hai tập thơ đều viết về đề tài riêng tư, mà riêng ở những chuyện này, người phụ nữ thường sắc sảo hơn nam giới. Họ viết về chuyện duyên phận, chồng con rất cảm động. Nếu thơ của Kim Hoa gọn gàng súc tích thì Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết rất sâu. 11 người trong hội đồng đều có bàn bạc và thảo luận các tác phẩm rất kỹ lưỡng và nghiêm túc. Nhưng cuối cùng thì cả hai đều chỉ đạt 5/11 phiếu so với mức đạt giải là 6/11.

- Nếu áp dụng tiêu chí xét giải mọi năm thì vị trí của hai tập thơ này sẽ như thế nào, thưa ông?

- Nếu xét như mọi năm, hai tập này chắc chắn có giải, thấp nhất cũng là tặng thưởng. Nhưng năm nay Hội chủ trương nâng cao chất lượng giải nên mọi người trong hội đồng đều có đánh giá khắt khe hơn. Đã là quy ước thì phải chấp nhận, chúng tôi tôn trọng sự hồn nhiên trong biểu quyết.

- Còn về hai giải thưởng đã quyết định: một của tiểu thuyết, một của tác phẩm dịch thuật, ông nhận xét thế nào?

- Cuốn Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, một tác giả kịch bản, đạo diễn phim sống ở hải ngoại nhận giải là có lý. Đây là cuốn tiểu thuyết hơi khó đọc nhưng mọi người đều nhận thấy tác phẩm này có tư tưởng rất hay.

Tác giả viết theo lối văn độc thoại, súc tích mà vẫn giữ được không khí của một bài thơ từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết - đó là một thành công. Cách viết của Đoàn Minh Phượng cũng là cách viết mới.

Về tập thơ dịch Khúc hát trái tim của Hữu Việt, nếu so với các tác phẩm dịch khác có thể chưa xuất sắc về câu chữ. Nhưng cái được của dịch giả ở đây là chọn được tác phẩm đáng giới thiệu.

Việt chọn 40 bài trên 240 bài của cậu bé thần đồng Mỹ chứng tỏ anh có cái gu của một nhà thơ trong việc lựa chọn. Cậu bé chỉ sống đến năm 14 tuổi, nên khi dịch bút pháp của tác giả phải được trung thành, toát lên được sự giản dị, lột tả được tâm hồn trong sáng của cậu.

Đều đoạt 8/11 phiếu, trong khi tác phẩm suýt soát đoạt giải chỉ là 5/11 phiếu, chứng tỏ hai tác phẩm đoạt giải thực sự có sức thuyết phục cao.

- Ông nhận xét gì về sự thiếu và yếu của lý luận phê bình?

- Ở thể loại lý luận phê bình có bốn tập được giới thiệu vào chung khảo chứng tỏ chưa có tập trội hẳn, vì mỗi thể loại chỉ yêu cầu giới thiệu 1 đến 2 tập. Có một tác phẩm đụng đến nhiều vấn đề của tác giả người miền Nam Hà Văn Thuỳ nhưng lại hơi gần phong cách báo chí, còn một tập nữa gần với hình thức giáo trình nên không có nhiều sự tìm tòi.

Việc chỉ trao giải thưởng mà bỏ tặng thưởng là sự nâng cao yêu cầu chất lượng của giải thưởng Hội nàh văn, theo tôi, đó là điều đáng để vui mừng.

TS Phan Hồng Giang: Không phải là "mất mùa"

“Giải thưởng mỗi năm trao một lần, cũng như gặt hái có mùa thất bát, có mùa bội thu. Giải thưởng của Hội năm nay không phải mất mùa mà tinh chất lại để giải có giá hơn” - TS Phan Hồng Giang dù năm nay đã từ chối làm thành viên Hội đồng giám khảo nhưng vẫn theo sát thông tin về giải thưởng của Hội.

- Theo ông, giải của Hội chỉ trao cho hai tác phẩm có phải một sự "thất bát"?

- Tôi nghĩ đó là tín hiệu mừng, là cách khôi phục thương hiệu và giá trị giải thưởng hội nhà văn. Mỗi năm Hội trao giải chỉ với các tác phẩm xuất bản năm ấy thì lấy đâu những mười mấy giải thưởng và tặng thưởng tràn lan.

Tôi nghĩ nên có sự kéo dài thời gian tham dự của tác phẩm. Bởi nếu chỉ trong một năm, độc giả còn chưa kịp làm quen và biết đến những tác phẩm dự giải.

Chúng ta nên có sự nhìn lại, có tác phẩm ra đời cách đây mười năm chưa được công nhận, nhưng đến thời điểm này lại cần được tôn vinh giá trị. Giải Nobel trên thế giới cũng thường trao cho các tác phẩm ra đời có khi từ hai, ba chục năm về trước.

- Theo cách đổi mới của Hội thì có thể vài năm sẽ không có giải thơ hay Lý luận phê bình vì không tôn vinh số lượng mà vì chất lượng, ông có đồng tình?

- Đã muốn tinh chất thì phải hy sinh số lượng. Thực ra thơ có thể có một vài tập đáng chú ý nhưng nó chưa đến mức để nhận giải. Đã là thơ thì nói như cụ Tế Hanh, đó là của hiếm, của giời cho thì không cớ gì mà mỗi năm lại phải có một giải này, hay giải khác. Những thần đồng thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy lâu lâu mới xuất hiện một lần.

Còn lý luận phê bình thì yếu thường xuyên, yếu mãn tính, vào cuộc mới thấy khó như thế nào. Người cầm bút khen chê cũng rất mệt mỏi vì những điều tiếng của dư luận và vì rất nhiều nguyên nhân mà thể loại này rất èo uột.

Vì sự đổi mới trong cách chấm giải mà nhiều người nghĩ giải thưởng của hội mất mùa nhưng thực chất đó là cách làm giải có giá hơn. Năm ngoái, số lượng giải đã giảm hơn mà vẫn có scandal. Nhưng cần thiết phải thay đổi cách trao giải đại trà.

- Còn việc Hội quan tâm hơn đến những người Việt viết văn ở cộng đồng hải ngoại, ý kiến của ông ra sao?

- Năm ngoái, cuốn Thuận của Thuận đã được nhận giải của Hội. Năm nay có Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng lại đoạt giải. Cuốn tiểu thuyết cũng được coi là văn chương tinh chất, có giọng điệu và xứng đáng với giải thưởng. Và việc trao giải thưởng cho các nhà văn Việt Nam sinh sống ở nước ngoài là sự khẳng định cộng đồng người Việt luôn gắn bó hữu cơ.

- Ông đánh giá thế nào về sự đổi mới trong cách trao giải của Hội theo hướng này?

- Đó là những tín hiệu đáng mừng để trả lại cho văn chương giá trị thực của nó. Tôi còn biết, sắp tới Hội có thay đổi trong cơ chế quản lý. Mọi vị trí quản lý của Hội như Chánh văn phòng, giám đốc nhà xuất bản hội, hay giám đốc trung tâm bồi dưỡng viết văn đều tuyển qua hình thức nộp hồ sơ và sẽ có hội đồng tuyển chọn.

Đây là hình thức công khai, minh bạch để những người có khả năng có cơ hội ứng cử tránh tình trạng nhân sự khép kín như trước đây.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Hà Anh (thực hiện)