itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Hiệp sĩ Sainte Hermine và huyền thoại Alexandre Dumas

Hiệp sĩ Sainte Hermine và huyền thoại Alexandre Dumas

Ảnh bìa sách

Không thể không sững sờ kinh ngạc khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết dày cộp Hiệp sĩ Sainte Hermine. Một cuốn sách “lần đầu tiên được công bố” của Alexandre Dumas.

Một người đã rời xa thế giới, bỏ chúng ta đi đã 137 năm. Một nhà văn mà cho mãi đến tháng 12 năm 2002, “sau nhiều cuộc bàn cãi trên chính trường cũng như ngoài xã hội”, đã được đưa vào điện Panthéon, “xếp thứ 6 sau Vonltaire, Rousse, Hugo, Zola và Malraux”.

Người ấy còn tiếp tục làm cả thế giới kinh ngạc vì sức sống sau cái chết, một sức sống cuồng điên ngạo nghễ; giống như ông đã suỵt cả thế giới chúng ta, ngón tay đưa lên đôi môi chưa hề tắt lịm ngọn lửa sống: “Nào, hãy bước vào cánh cửa bí mật này đi. Tôi sẽ dẫn bạn vào một câu chuyện bí ẩn hào hùng của loài người. Câu chuyện này bạn sẽ nghiền ngẫm nó để hiểu về một hào quang thế giới đã mất…”.

Nếu ai đã từng mê Alexandre Dumas (cha), từng biết Ba người lĩnh ngự lâm, Hai mươi năm sau, Bá tước Monte-Cristo, Hoàng hậu Mác gô… thì chắc chắn giờ đây sẽ thấy Hiệp sĩ Sainte Hermine là “hay đến mức không thể tả nổi”.

Hành trình của cuốn tiểu thuyết cuối cùng này cũng là một huyền thoại. Alexandre Dumas mất ngày 5 tháng 12 năm 1870 tại nhà của con trai ở Puys, gần Dippe. Bốn ngày sau một đạo quân Phổ đã ập vào thành phố. Nhưng tác phẩm di ngôn cuối cùng của ông đã được trao cho Louis Charpillon, một công chứng viên cẩn trọng ở Saint-Bris. Cuốn sách đã được chôn cất cùng với những của cải quý giá của người công chứng viên. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, cuốn sách được đào lên và được để lại một nhà công chứng viên khác là thầy Été ở Rouen. Cho mãi đến năm 2005, Hiệp sĩ Sainte Hermine mới được tìm thấy giữa mớ giấy báo ngả màu, bị lãng quên trong Thư viện quốc gia Pháp sau khi nằm dưới đất khá lâu.

Một cơn sốt tìm đọc cuốn sách tại Pháp và tại các nước kịp thời có được bản quyền như Mỹ, Trung Quốc, Nga… bỏ mặc sự lãng quên văn hoá đọc trong thế giới công nghệ thông tin bùng nổ. Cơn sốt làm sống lại vầng hào quang “hiệp sĩ” trong cái thế giới ồn ào náo nhiệt, làm sống lại một lịch sử nước Pháp hiên ngang rạng ngời cùng những niềm vinh hạnh được nuôi dưỡng trong lòng nó một Napoléon, và kẻ đối trọng là chàng “hiệp sĩ” Hector-đứa con cuối cùng của gia đình Sainte Hermine. Sự đối trọng vĩ đại và sự lựa chọn khó khăn mang tính lịch sử thời đại của một nhà quý tộc- đại diện là Hector de Sainte Hermine giữa tư tưởng bảo hoàng và lòng ngưỡng mộ thực sự một Napoléon – một nhân chứng, một công trình tuyệt tác, vĩ đại và u hoài của Chúa.

Hiệp sĩ Sainte Hermine dày cả ngàn trang, gồm 118 chương. Nó khiến người đọc khi mới cầm cuốn sách trên tay cảm thấy ngại ngần và hoảng sợ trước sức nặng và bề dày. Nó cũng khiến người đọc bỗng nhiên bị cuốn hút, cuốn hút đến mức có thể bỏ quên bữa ăn. Những trang kể đan xen cuộc sống thực của những con người thực: những tiêu pha xa xỉ của nàng Joséphine, sự tức giận và thoả hiệp của Napoléon với người đàn bà mà ông yêu nhất; những thiết chế của một triều đại kỳ lạ nhất của nước Pháp “cộng hoà” rồi nước Pháp “đế chế”.

Rồi khi tác giả cho xuất hiện chàng trai Hector theo cách lãng mạn cổ điển nhất như thế này:

“Ngày hôm sau, khi đồng hồ điểm ba giờ, Hector de Sainte – Hermine gõ cửa lâu đài phu nhân Sourdis. Bên ngoài toà nhà có một khoảng trống khá rộng trồng cây cảnh và trúc đào…”

Thì người đọc ngay lập tức nhận ra lâu lắm rồi mới được nhìn thấy những tấm thảm nhung đầy bí ẩn quyến rũ của một thế giới quý tộc xưa cũ, một thế giới tất yếu dẫn đến sự sụp đổ bởi sự xa hoa quyến rũ của nó. Và một chân trời mới mở ra đầy trăn trở, máu và nước mắt, một chế độ Cộng hoà non yếu. Để rồi một chế độ Đế chế đã thay quyền tạo nên một nước Pháp mạnh mẽ, đáng thương bởi sự mạnh mẽ của nó.

Ngòi bút của nhà văn thiên tài thả sức tung ra những giao diện rộng, với hàng trăm nhân vật, với cuộc sống giao thời các thiết chế bảo hoàng, cộng hoà và đế chế. Những âm mưu và sự thoả hiệp. Những chân tình và niềm kiêu hãnh của thế giới bảo hoàng như ngọn nến bùng lên trước khi tắt ngấm. Những cố gắng của hai nhân vật chính mà Chúa đã tạo nên để nhận ra nhau, giao đấu trí tài, khám phá và kính cẩn cúi đầu trước vầmg hào quang mà Chúa tung ra để chơi trò xúc xắc với loài người, với con người mang sứ mệnh “Napoléon”, và một con người nữa mang sứ mệnh là tia vàng sau cuối của một thời đại, tia vàng sau cuối đó lại là bình minh của một thời đại mới.

 
 
  Bìa cuốn Hiệp sĩ Sainte Hermine và huyền thoại Alexandre Dumas  

Cũng có thể nói rằng Hiệp sĩ Sainte Hermine không dễ đọc, bởi nó không phải là một tác phẩm để giải trí. Nhưng nó khiến cho độc giả khó tính thấy ngạc nhiên vì sự kết nối tài tình giữa các chương, sự giản dị của câu chữ và lối hành văn.

Nếu ngày nay chúng ta nói đến một kiểu sáng tác theo lối “công nghiệp viết văn”, thậm chí chúng ta hãy còn chưa hiểu hết cái lối viết “nhóm”, thì những năm giữa thế kỷ 19, Alexandre Dumas đã sáng tác ra kiểu viết rất “khó nhằn” và không dễ được chấp nhận này. Ông chính là người đi tiên phong lối viết đó. Ông lập ra một xưởng viết văn trả lương cao cho hàng chục người tự nguyện hiến dâng sự sáng tạo của mình cho một thiên tài kết nối. Ý tưởng được xuyên suốt và mỗi người nhận một vài chương hồi. Sau đó một người chỉnh sửa ráp nối, và người sửa chữa cuối cùng là ông. Chính vì vậy mà tiểu thuyết của Alexandre Dumas đã đáp ứng được nhu cầu đọc hàng kỳ trên báo của công chúng thời bấy giờ (thịnh hành lối tiểu thuyết đăng báo dài kỳ). Cũng nhờ thế mà ông đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm dày và hấp dẫn đến kinh ngạc (gần 300 tác phẩm với 257 bộ tiểu thuyết lịch sử - hấp dẫn do có nhiều ý tưởng của một nhóm tài năng tụ hội), khiến người đọc không cảm thấy lặp lại và nhàm chán.

Nhưng cũng chính vì vậy mà ông bị nhiều nhà phê bình la ó, không công nhận, nhiều nhà văn coi ông chỉ như một anh kiến trúc sư ráp nối khéo các bộ phận, mà không nhìn nhận ông như một thiên tài sáng tạo.

Mặc dù vậy, tiểu thuyết của Alexandre Dumas (cha) vẫn cứ mặc nhiên tuôn chảy, rồi tiếp đến là Alexandre Dumas (con). Điểm lại Alexandre Dumas vẫn là một tiểu thuyết gia được nhiều người đọc nhất mọi thời đại. Và rồi người ta phải công nhận và ghi tạc.

Cuốn Hiệp sĩ Sainte Hermine là lời sau cuối chứa đựng trong nó trái tim yêu tha thiết cuộc sống bộn bề và đầy bủa vây trong xã hội chuyển từ chế độ phong kiến sang Cộng hoà rồi Đế chế của một thiên tài huyền thoại. Hector là hình tượng đẹp của một thế hệ thanh niên nước Pháp biết hy sinh, biết đấu tranh với những bất công gây nên sự đau khổ cho bà mẹ Tổ quốc.

Hiệp sĩ Sainte Hermine cũng khiến cho những xô bồ gấp gáp thực tại bỗng nhiên như trùng lại để người đọc có thể đắm mình trong thế giới lãng mạn tuyệt đẹp đã qua:

Dãy núi ngủ yên dưới bầu trời tăm tối

Thung lũng lặng câm, thấm đẫm sương rơi

Bụi lắng dần trên con đường xa…

Dư âm mơ hồ lãng mạn phảng phất ấy mang lại một vẻ đẹp thanh khiết trong cuộc sống quá nhiều tạp thanh, quá nhiều bụi và khói xăng hiện tại. Và sẽ thật đủ đầy nếu trên tủ sách nhà có thêm cuốn sách hay đáng được để trân trọng và nâng niu này.

Bởi vì Hiệp sĩ Sainte Hermine là ánh bình minh rạng ngời cuối cùng trong vầng hào quang huyền thoại Alexandre Dumas.

Hà Nội, 5/6/2007
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (giới thiệu)
(Theo Lao động cuối tuần, số 22, ngày 8-10/6/07)

Thông tin sách 

Tiểu thuyết Hiệp sĩ Sainte Hermine

NXB Văn hoá Thông tin 2007

Bản quyền được sự giúp đỡ của đại sứ quán Pháp

Tổng Phát hành: Tổng Công ty sách Việt Nam Sách có bán tại Nhà sách HÀ THẾ, 104A, Tô Hiến Thành, Hà Nội

Giá bìa: 156.000đ

Giá bán tại Hà Thế: 124.800đ - (Chỉ được trừ 20% thôi)