itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Lùng sách cũ ở Matxcơva

Lùng sách cũ ở Matxcơva

Bên trong một tiệm sách cũ

Leonid Titov, chủ hiệu sách cũ Bookberry trên phố Nikitsky Bulvar giải thích: “Trước hết, bạn phải phân biệt được sách cũ và sách cổ. Sách cổ là những cuốn đặc biệt có giá trị”.

Chỉ vào giá sách đồ sộ, xuất bản từ thời Xô viết, Titov nói một cách do dự về điểm khởi đầu của một người sưu tầm sách: "Nên bắt đầu bằng những tác phẩm cổ điển. Hãy tìm cho mình những tác phẩm của Pushkin, Tolstoy, Dostoyevsky hoặc Chekhov".

Không sánh được với thánh địa của những người yêu sách như Charing Cross ở London hay dọc bờ sông Seine ở Paris, nhưng các hiệu sách cũ ở Matxcơva cũng là thiên đường của những con mọt sách. Tuy vậy, nguồn sách tiếng Anh cũ ở đây khá khan hiếm. Tại những hiệu mới mở như Bookberry trên phố Nikitsky Bulvar cũng chỉ có một số lượng hạn chế, từ các tác phẩm kinh điển đến tiểu thuyết bình dân.

Dọc con phố Ulitsa Novy Arbat về phía Dom Knigi, khách bộ hành thường nấn ná quanh những quầy sách cũ nằm rải rác hai bên vệ đường.

Cung cấp đủ các loại sách, từ Don Juan (bản tiếng Anh, in từ thời Xô viết) giá 100 ruble (gần 65.000 đồng) đến Chess Roundup (tiếng Nga) với giá 10 ruble (6.500 đồng), đây là những cửa hàng giảm giá đặc biệt trên thị trường sách ở Nga.

Những cuốn sách mới xuất bản cũng được bày bán với giá tương đối rẻ, chỉ khoảng hơn 100 ruble. Nhưng những người ham sách cũ tìm đến đây vì sở thích chứ không chỉ là để tiết kiệm tiền.

Vào một chiều chủ nhật, hàng chục người dân Matxcơva trung tuổi đã kiên nhẫn xếp hàng tại tầng dưới trong một hiệu sách ở Tverskaya Ulitsa để chờ đến lượt mình được mua.

Với gương mặt mệt mỏi, nhầu nhĩ như những chiếc túi sách kéo lê khắp thành phố, những người bán sách tỏ ra lảng tránh, không nhiệt tình nói chuyện.

Khi được hỏi ai là người đã cung cấp sách cho họ, một người đàn ông lực lưỡng nói to: “những người bất hạnh”, rồi chúi mũi vào danh sách những cuốn sách cần tìm, cố tình lờ đi những câu hỏi tiếp theo.

"Thật đáng buồn, nhưng thường thì những người đã nghỉ hưu phải đến đây bán sách đi để lấy tiền”, Titov cho biết.

"Thỉnh thoảng, con cháu của các nhà quý tộc cũng mang sách ra bán. Những cuốn sách đã được cất giữ qua nhiều thế hệ nay phải ra đi vì chủ của chúng thiếu tiền cho những nhu cầu gì đó”, Natalya Dormidoshina, một người phụ việc bán sách tại Matxcơva, tiết lộ.

Sách được ký gửi ở cửa hàng và nếu bán được, cửa hàng sẽ hưởng 30%, còn lại là phần của chủ sở hữu.

Tài sản đắt giá nhất trong cửa hàng của Dormidoshina là bản in năm 1902 cuốn The Royal Hunt in Russia, có giá 2.440.000 ruble (hơn 1,5 tỷ đồng).

"Những chính khách hoặc các công ty mới có thể bỏ tiền ra mua những bộ sách đắt giá như thế này để làm quà tặng cho các quan chức thành phố, quan chức chính phủ như Thị trưởng Yury Luzhkov hoặc thậm chí là cả Tổng thống Vladimir Putin", Dormidoshina cho biết.

Nhưng những cuốn sách như thế ngày càng khó kiếm.

"Càng ngày càng ít sách như thế, khi những kẻ giàu có lùng mua hết và khóa chặt chúng trong các tủ sách ở lâu đài nhà mình. Có thể, một ngày nào đó, con cái họ sẽ lại mang ra bán nhưng làm sao mình biết được”, Dormidoshina nói.
Trong các cuộc đấu giá trên khắp thế giới, sách Nga cổ được coi là những món hời.

Tháng 10/2006, nhà đấu giá Christie ở London đã kiếm được khoảng 2 triệu USD khi lần đầu tiên rao bán sách và các bản thảo tiếng Nga. Một cuộc đấu giá khác dự định sẽ được Christie tiến hành vào cuối năm nay. Trong số 168 bản thảo và sách được đấu giá, đắt hàng nhất là bản in năm 1843 cuốn Arms of the Towns of the Russian Empire của Alexander Viskovatov.

Vốn là món quà của Sa hoàng Alexander II tặng anh rể, cuốn sách được bán với giá vài trăm nghìn USD.

"Chúng tôi nhắm vào những nhà sưu tầm người Nga và chúng tôi đã thành công”, chuyên gia của Christie - Sven Becker cho biết.

Với những người mới tập tành sưu tầm, Becker khuyên là hãy bắt đầu từ thế kỷ 18. “Và phải xác định rằng, bạn mua những cuốn sách mà bạn thích. Ngay cả khi giá thị trường tụt xuống, bạn vẫn muốn giữ chúng lại”, ông nói.

H.T. (Nguồn: The Moscowtimes)