itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Nguyễn Đình Tú và những ám ảnh mang tên “Nháp”

Nguyễn Đình Tú và những ám ảnh mang tên “Nháp”

Bìa tiểu thuyết "Nháp"

Và tôi đã đọc “Nháp” với một sự háo hức, một sự kỳ vọng bởi cái tên Nguyễn Đình Tú ít nhiều từng để lại ấn tượng mạnh trong tôi và một lần nữa, dòng chữ đầu tiên nhún nhảy đã kéo tôi cuốn vào với “Nháp”. Tại sao lại là “Cuộc đời nháp tôi bằng những số phận”? Và tôi phải tự đi tìm cho mình một lời giải thích.

Lần đầu tiên cầm cuốn tiểu thuyết “Nháp” trên tay, quả thực tôi hơi miễn cưỡng vì thời gian gần đây đời sống văn học có phần chững lại, nhường chỗ cho những cuốn tự truyện rộ lên rồi lặn xuống. Thế nhưng rồi tôi vẫn quyết định đọc.

Và tôi đã đọc “Nháp” với một sự háo hức, một sự kỳ vọng bởi cái tên Nguyễn Đình Tú ít nhiều từng để lại ấn tượng mạnh trong tôi và một lần nữa, dòng chữ đầu tiên nhún nhảy đã kéo tôi cuốn vào với “Nháp”. Tại sao lại là “Cuộc đời nháp tôi bằng những số phận”? Và tôi phải tự đi tìm cho mình một lời giải thích.

Nghe đồn rằng “Nháp” phải qua tay rất nhiều nhà xuất bản mới có thể ra mắt công chúng chỉ vì Nguyễn Đình Tú dám đối diện với sex quá thẳng thắn. Tại sao lại như vậy? Tôi chợt thấy bất công khi chúng ta vẫn đọc những cuốn sách dịch đầy những pha sex nóng bỏng, trần trụi, thậm chí có những cuốn sách đọc mà cứ ngỡ như mình đang xem một cuốn phim cấp III nhưng vẫn được bày bán công khai, được tung hô và cổ vũ, còn gọi đấy là văn chương thực thụ, đầy cách tân, mới lạ. À, có người lý giải rằng “Sex nước ngòai viết hay, nghệ thuật còn sex của văn học Việt Nam viết không hay, không nghệ thuật”. Tôi khó mà chấp nhận được cách lý giải này bởi khi đã xem nó là một tác phẩm thì những câu chữ trong đó đều là nghệ thuật, còn nghệ thuật hay phi nghệ thuật đều do cách cảm nhận của mỗi chúng ta mà thôi.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Quả thực tôi rất ngạc nhiên khi đọc “Nháp”. Cứ có cảm giác ẩn hiện đâu đó bóng dáng của mình, bóng dáng của bạn bè mình và đặc biệt là các em mình. Một số bạn trẻ sau khi được tôi quảng bá cũng cầm cuốn sách lên đọc với một sự háo hức và hầu như ai cũng bảo: “Em như thấy mình trong đó dù chỉ là thóang qua thôi…”. Có thể nói, Nguyễn Đình Tú đã thành công khi làm được điều đó, điều mà lâu nay văn chương nước nhà ít làm được, ấy là xa rời với cách cảm, cách nghĩ của bạn đọc đương thời. Với “Nháp”, Nguyễn Đình Tú đã chọn một lối viết xuôi nhưng chọn cho mình những nhân vật ngược, ngược ở cách xây dựng nhân vật, ngược ở cách thể hiện tính cách và ngược cả với việc chuyển tải những thông điệp bằng lối phản biện tâm lý ám ảnh lạc loài đầy bi kịch. Vâng! Trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người có một niềm say mê riêng và nhân vật chính trong tiểu thuyết Nháp lại có một niềm đam mê kỳ lạ, hắn bị mê hoặc bởi những thứ liên quan đến sex - cuộc tìm kiếm cứ dai dẳng để rồi kết thúc trong bi kịch. Người đọc cũng bị kéo theo nhân vật từ trang này đến trang khác cho đến khi gấp sách lại mà vẫn thấy sao mơ hồ đau đớn quá?

Khác với những cuốn sách khai thác về đề tài đồng tính (gay) xuất hiện trong thời gian gần đây, Nguyễn Đình Tú còn cho ta thấy một loại người dù không bẩm sinh có xu hướng tình dục đồng giới nhưng vì những tò mò cá nhân, những suy nghĩ nông cạn và cả những đam mê nhất thời đã tự biến mình thành một cái tôi khác. Qua cuốn sách này, có thể sẽ có người hiểu hơn về thế giới thứ ba, và hơn tất thảy hiểu hơn về một thế hệ không dám sống đúng với bản thân mình, không dám đối diện với những ẩn ức khó giãi bày.

Nếu có ai bảo “đối với Nháp nếu không có tình dục thì cuốn sách trở nên vô nghĩa” thì tôi cũng đồng ý bởi đơn giản đây là một cuốn sách viết về nỗi ám ảnh tình dục nhược tiểu trong sự chuyển dịch và tiếp biến văn hóa. Điều mà chúng ta không dám đối diện dù trên thực tế, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về lệnh tìm kiếm Sex trên cổng Google nhưng lúc nào cũng muốn che giấu nó bằng lối nhìn, lối nghĩ bảo thủ và cổ hủ. Vậy thì tại sao chúng ta không thẳng thắn đối diện với nó, tại sao chúng ta không đi thẳng vào vấn đề mà lại đi lên án một thế hệ đang bị mặt trái của tòan cầu hóa làm cho lệch lạc văn hóa tính giao? Chúng ta đổ lỗi cho việc toàn cầu hóa nhưng lại không chịu công nhận rằng mình đang ở trong guồng quay đó và một lúc nào đó chính chúng ta cũng có thể sa vào bi kịch của nhân vật tiểu thuyết mà không biết.

Bìa tiểu thuyết "Nháp"

Thế giới nhân vật của “Nháp” lúc hiển hiện lúc mơ hồ nhưng tất cả đều rõ nét tính cách. Nguyễn Đình Tú giỏi khắc họa hình ảnh mỗi nhân vật để ta không bị lẫn lộn giữa nhân vật này với nhân vật kia. Chùm bộ ba nhân vật tên Thảo mà Đại tìm kiếm có ba nét tính cách khác nhau. Cả ba cô đều có cái tên là Thảo nhưng Nguyễn Đình Tú đã chọn cho họ những hướng đi riêng nên các nhân vật có sự phát triển triển tâm lý đặc thù, tạo dấu ấn không dễ phai mờ trong người đọc.

Thế giới nhân vật của Nháp còn là những ai nữa? Một gã bác sỹ đồng tính không dám công khai tìm bạn tình, phải khoác lên mình một cái vỏ bọc khác để đêm về cay đắng nghĩ về cuộc đời với những bất công tạo hóa đọa đày. Là hình ảnh đứa trẻ chạy qua chạy lại đón khách, lẽ ra nó sẽ được sống yên ổn ở một gia đình nào đó nhưng vì không cha, không mẹ nên được gã bác sỹ nuôi dạy bằng cách riêng của mình để rồi bị cuốn vào vòng quay lệch lạc giới tính từ lúc nào không hay. Nó lấy cái thú vui quan hệ xác thịt của người khác để làm niềm hạnh phúc cho riêng mình. Hình ảnh đứa trẻ hiện lên qua tác phẩm thật ám ảnh và day dứt!

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là sự lắp ghép những số phận không trọn vẹn vào với nhau để khi gấp lại ta cứ thấy trong lòng nhói đau đến kỳ lạ. Đâu đó vẫn còn phảng phất nỗi cô đơn, sự trống trải và hơn tất cả là sự không thừa nhận của xã hội đối với những kiếp người không may mắn được sinh ra bình thường như những người khác.

Với cuốn tiểu thuyết này, tôi tin Nguyễn Đình Tú còn bước xa hơn nữa trên bước đường văn nghiệp của mình.

Sau khi đọc xong “Nháp” tôi đã tìm được cho mình lời giải đáp, một lời giải đáp có dòng đề từ “cuộc đời nháp tôi bằng những số phận”.

ITAEXPRESS