itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Tobie Lolness – Lời hứa về lòng quả cảm

Tobie Lolness – Lời hứa về lòng quả cảm

Trên một cây Đại thụ có một cậu bé tên là Tobie Lolness. Cậu cao chỉ có một milimet rưỡi, vừa bước sang tuổi mười ba và cậu bị cả tộc người của mình truy lùng. Và như thế, khung cảnh kỳ lạ của câu chuyện về cậu bé Tobie được mở ra với chúng ta.

Điều gì diễn ra sau tán lá của những cây sồi cổ thụ? Độc giả sẽ phải ngạc nhiên với tộc người Thụ nhân cao chưa đầy hai milimet, ở đó Đại thụ là thế giới của họ. Họ cũng có những thị trấn phồn thịnh như Ngọn Cây, Cành Cao … những vùng đất hoang sơ như Cành La, đường Biên.

Ở đó cũng có giai cấp giàu nghèo, có trường đại học, có nhà tù … và tất cả được dựng lên trong trí tưởng tượng bay bổng siêu việt của tác giả bởi những lớp vỏ cây, những ngọn chồi, những chùm tầm gửi …Với một giọng văn mượt mà nhiều chất thơ, Timotheé De Fombelle đã xây dựng được những câu chuyện ngụ ngôn về cây cỏ, về tình bạn, về tình cha con và đặc biệt chính là câu chuyện về lòng quả cảm.

Người ta chỉ nhận ra lòng quả cảm của mình khi thực sự đối mặt với khó khăn thử thách. Và với một chú bé mười ba tuổi thì còn thử thách gì trên đời này lớn bằng việc mình hoàn toàn bị cô độc? Cha mẹ của Tobie Lolness bị bắt và bị kết án tử hình, người bạn thân Léo Blur quay lưng lại cậu, cùng đoàn người đi tìm bắt cậu, gia đình Olmech mà cậu tin tưởng cũng bán đứng cậu … Cậu mất người thân, không còn bạn bè nương tựa, cả tộc người săn đuổi cậu như những người thợ đi săn một con thú hoang. Chỉ có lòng quả cảm, đúng, chỉ có lòng quả cảm mới giúp cậu vượt qua những nỗi đau, băng qua những thử thách.

Bạn sẽ không còn sợ nỗi cô đơn và màn đêm khi phải náu mình dưới lớp vỏ cây u tối. Bạn sẽ không còn sợ lạc đường khi một mình băng băng qua những cành chuyền, những cành tắt một cách thông thạo ở những nơi mà chưa một ai đến. Bạn sẽ không sợ độ cao thót tim khi đã từng bị treo lủng lẳng trên một chồi non. Bạn cũng chẳng còn sợ giá lạnh khi phải ở nhiều tháng trời trong một hốc cây bị băng bịt kín.

Tobie Lolness là vậy. Cũng như bất kỳ một chú bé mười ba tuổi nào, cậu cũng có nhiều nỗi sợ hãi. Nhưng cậu đã vượt qua những nỗi sợ đó, không phải vì bản thân cậu mà vì những người thân yêu của cậu, vì chân lý mà cậu theo đuổi.

Và trên bước đường phiêu lưu của mình, cậu bé Tobie Lolness đã truyền lòng quả cảm của mình sang cho mọi người. Trước tiên đó là chú bé Nils Amen, một đứa trẻ yếu ớt luôn bị người cha của mình gọi là “đồ con gái”. Chú đã thể hiện lòng dũng cảm của mình bằng cách giả làm Tobie để cứa bạn. Nils chịu đựng để lũ người bất nhân đánh đập cơ thể nhỏ bé của mình. Điều quan trọng khiến cậu hành động lúc bấy giờ không phải để bố mình khỏi gọi cậu là “đồ con gái”, mà là vì Tobie. Chính cái suy nghĩ đẹp đẽ ấy đã khiến cậu trở thành người anh hùng. Người anh hùng trong mắt bố cậu.

Đó là Mano, một người con không biết làm gì trong một gia đình trung lưu giỏi giang. Mano bỏ nhà ra đi để tìm một tương lai tươi sáng hơn, nhưng anh đã không thể. Cuộc đời đã bắt anh trở thành nô lệ của những kẻ nô lệ. Kẻ mà đánh mất cả cái tên của mình, để người ta gọi là Đầu Sai, chỉ chuyên phục dịch, làm trò hề cho lũ người tàn nhẫn và chờ đợi một ngày nào đó mình sẽ chết mọt cái chết nực cười bởi một trò đùa ác ý. Nhưng đấy vẫn chưa phải là bất hạnh của Mano, bất hạnh của Mano chính là ở chỗ anh đã không dám chấp nhận sự thực về mình, hàng bao nhiêu năm anh vẫn nói dối gia đình về hình ảnh một người doanh nhân qua những lá thư.

Rồi Mano cũng đã trở thành người đàn ông dũng cảm, bởi chính anh muốn thế. Đấy là lúc anh hét lên lời thề rằng mình sẽ là người dũng cảm khi bị treo trên sợi dây nhện. Anh đã rút dao và bất chấp nguy hiểm để chiến đấu với con nhện độc to gấp anh cả trăm lần. Và hơn cả, anh đã chấp nhận thú thật với gia đình mình. Chẳng phải người ta vẫn thường nói khó khăn lớn nhất là khó khăn do mình tạo ra sao? Mano đã tự tay gỡ bỏ khó khăn lớn nhất ấy.

Và còn rất nhiều nữa, đó là cô bé Elisha liều mình vào tận ngục Tomble, đó là cậu bé Mặt Trăng giết chết thằn lằn … Tất cả những cô bé cậu bé đó chỉ là những thiếu niên, họ cũng có những thú vui, những trò chơi trong sáng như bao bạn nhỏ khác nhưng họ đã biết cách khơi dậy lòng quả cảm từ trong sâu thẳm con người mình. Lòng quả cảm thực chất không thể tự dưng xuất hiện nơi họ, nó chỉ là một lời hứa đã có từ rất lâu và chờ ngày thực hiện. Lòng quả cảm không thể xuất hiện từ những suy nghĩ vị kỷ, lòng quả cảm chỉ có thể có bởi những suy nghĩ trong sáng, bởi những hành động cao đẹp và đầy chân lý. Lòng quả cảm không phải là điều gì đó xa lạ. Không hoàn toàn giống như vị anh hùng cầm kiếm đánh nhau với quái thú, lòng quả cảm chỉ đơn giản là gạt bỏ những nỗi sợ cá nhân, là sống chân thành và thẳng thắn với con người mình, là biết nghĩ suy và làm theo những điều tốt đẹp.

Vậy còn chờ gì nữa hỡi những độc giả nhỏ tuổi? Hãy cầm ngay cuốn sách lên, bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú cùng với Tobie Lolness và tự hứa với mình một lời hứa về lòng quả cảm.

Tobie Lolness - Ngàn cân treo sợi tóc là tiểu thuyết đầu tay của Timothée de Fombelle. Sau Harry Porter, Tobie Lolness chắc chắn sẽ gây ra một hiện tượng văn học thiếu nhi. So với người đàn anh Harry Porter, Tobie Lolness sẽ nổi bật hơn ở phương diện văn học chính thống bởi những câu chuyện mang tính ẩn dụ, những hệ tư tưởng xuyên suốt chuyện và cả những bài học đạo lý sâu sắc.

Đây là một cuốn sách với bìa sách trình bày đẹp vừa như một cuốn truyện cổ tích, vừa như một cuốn ngụ ngôn hiện đại. Cuốn sách có những hình minh họa sinh động và vô cùng ngộ nghĩnh kích thích trí tưởng tượng của họa sĩ Francois Place. Tác phẩm đã giành được một số giải thưởng danh giá: giải Tam – Tam 2006; giải Lireau Collège năm 2006; Grand Prix de L'imaginaire năm 2007 cho thể loại sách thiếu nhi; giải Saint Exupéry cho những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc mà chủ đề và nguồn cảm hứng khích động lòng say mê, niềm lạc quan và bao dung; giải 12-14 cho văn học thiếu nhi, do salon sách Brive la Gaillarde trao tặng. Sách do NXB Văn học và công ty Nhã Nam ấn hành, tháng 7/2007.

Lê Anh.