itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / “Tôi và D’ Artagnan” tái xuất

“Tôi và D’ Artagnan” tái xuất

Bút danh khá ngộ nghĩnh, vốn quen thuộc trên Hoa Học Trò này từng được giới học trò những năm 93, 94 yêu thích. Bẵng đi một thời gian không thấy anh xuất hiện. Và khi Công ty sách Bách Việt trình làng một ấn phẩm mới Tôi và D’Artagnan, với cái tên Đặng Thiều Quang, độc giả có người cười ồ lên thú vị: “D’Artagnan tái xuất làng văn!”.

- Anh chàng D’Artagnan nổi tiếng ngày nào trên Hoa Học Trò đã đi đâu và làm gì trong suốt hơn 10 năm qua?

- Trong quãng thời gian ấy tôi đã làm nhiều nghề và bên cạnh đó có viết văn. Sau Tôi và D’Artagnan của những năm 93, 94 thì đến năm 1996 tôi có in tiểu thuyết Hoen gỉ (viết từ năm 1994). Đến 2002, tôi viết xong cuốn Chờ tuyết rơi và gần đây nhất là cuốn Đảo cát trắng.

Ngoài ra, còn một số truyện ngắn và tản văn khác tôi viết trên blog và sắp tới những tác phẩm này mới in thành sách.

- Có phải việc xuất bản Tôi và D’Artagnan, một truyện dài có tiếng tăm một thời trong giới trẻ, là cái cớ cho sự quay trở lại của anh không?

- Không, ngược lại thì đúng hơn. Tôi quay lại viết rồi nhân thể in tiểu thuyết mới thì in luôn tất cả những thứ đã viết từ trước, nhằm giới thiệu đến độc giả toàn bộ các tác phẩm.

Cũng là tình cờ trong thời gian chờ bản thảo Chờ tuyết rơi được in ra, bên Công ty sách Bách Việt có gợi ý và đặt vấn đề in lại cuốn này. Bởi chỉ trong thời gian ngắn nữa, tôi sẽ in và tái bản đồng loạt 4, 5 sáng tác của mình. Tôi tán thành ý tưởng đó vì cũng muốn thử xem độc giả ngày đó và bây giờ đón nhận khác nhau như thế nào.

- Đối tượng tiếp nhận mà anh muốn hướng tới bây giờ là ai? Những cô cậu tuổi teen thời nay? Hay chính lớp tuổi hoa đã từng yêu thích anh và yêu thích Tôi và D’Artagnan ngày xưa?

- Chắc chắn là tuổi teen ngày nay rồi.

- Nhưng lớp học sinh bây giờ thị hiếu khác xa ngày xưa. Anh có e ngại họ không đón nhận tác phẩm của mình như thế hệ trước đó không?

- Tôi không chắc truyện dài này sẽ còn phù hợp với độc giả thời nay. Tôi cũng không tin tưởng lắm họ sẽ lại yêu thích, lại hồ hởi đón nhận như một thời trước đó. Hãy chờ xem sao.

Nhưng điều ấy không ảnh hưởng đến công việc hiện tại của tôi. Bởi lần in này, tôi không kỳ vọng nhiều vào một sáng tác đã quá quen thuộc với thế hệ độc giả Hoa Học Trò ngày xưa. Mục đích chính là để thăm dò phản ứng độc giả tuổi teen ngày nay.

- Hơn 10 năm là một chặng đường không ngắn. Có sự khác biệt nào trong lối viết của anh ngày đó và bây giờ không?

- Mỗi người viết đều phải trải qua những giai đoạn nhận thức khác nhau. Trải nghiệm và cách viết vì thế qua từng thời kỳ cũng khác nhau. Trước kia tôi viết một cách bản năng, viết khá thoải mái, viết nhiều như một thói quen, nhưng rồi mỗi ngày mới lại thấy mọi thứ khác đi, và nhận ra cần thay đổi. Viết là thế, luôn tìm tòi điều mới lạ.

Đó cũng chính là lúc tôi phải tiếp tục nạp năng lượng cho bản thân, phải đi đây đó, phải đọc, phải sống, phải trải nghiệm. Một người viết thường phải có hiểu biết đa dạng về cuộc sống.

- Nằm ở giai đoạn đầu của chặng đường sáng tác của anh, Tôi và D’Artagnan có bản năng không?

- Không, nó nghiêng về mơ mộng, lãng mạn thì đúng hơn. Bản năng mà tôi muốn nói đến ở đây là bản năng sáng tạo trong suốt quá trình sáng tác.

Bìa cuốn Tôi và d'Artagnan mới in - truyện dài
đã từng làm nức trái tim thế hệ độc giả Hoa học trò một thời.

- Dường như Tôi và D’Artagnan tuy hai mà một, hay nói cách khác là có một sự phân thân ở đó?

- Đúng, nhân vật xưng tôi đổi vai. Để nhập vai tốt về nhân vật, phải đứng sang nhân vật khác để nhìn nhận bản thân, có lẽ viết sẽ thành thực, chân thành hơn.

Tôi đã từng viết những nhân vật chính là anh, anh ta, hắn… Tự tôi thấy dường như có sự phán xét nào đó, tác giả đã gán cho nhân vật hành động, lời nói, sự áp đặt…

Khi đặt mình ở vị trí nhân vật “tôi”, tính logic và diễn tiến tâm lý sẽ khác đi. Ví dụ như nếu viết về một tên cướp mà dùng từ “hắn” thì sẽ rất khác nếu thay bằng một cái “tôi” - hiện lên con người hơn. Và độc giả đón nhận nó cũng khác.

Nói thêm về việc viết tiểu thuyết: Khi nhập vai, nó giống như ta được sống thử nghiệm, như đi vào một khu rừng lạ, khám phá, chưa biết đích đến. Việc sáng tác là thế, cầm bút viết trên trang giấy trắng, sau vài trang mọi thứ hiện lên, đầu tiên chỉ là cỏ, sau đó cây cối, là khu rừng, hoa thơm cỏ lạ, là nguy hiểm hay cạm bẫy…

Song điều này cũng có nguy cơ không làm chủ được kết cấu, dẫn đến lan man, sẽ có những chuyện phát sinh mình chưa từng nghĩ đến lúc mới bắt tay vào viết. Tôi muốn nói đến sự tiếp nối bất tận của trí tưởng tượng, đến lúc nào đấy thế giới ảo này trở nên sống động hơn cả thực, khi mình đã nhập được vào thế giới ấy cũng là lúc mình cảm giác “phê” nhất trong quá trình viết tiểu thuyết.

- Trong cuộc sống có bao giờ anh phải nhập vai không?

- Trong cuộc sống, tôi nghĩ người ta bị buộc phải nhập vai. Bản thân tôi không đóng thành công một số vai diễn của mình. Đáng lẽ mình phải đóng vai ham mê kiếm tiền, chí thú làm ăn, thức thời này nọ… Và có những cơ hội làm ăn khiến cuộc sống dễ thở hơn, nhưng ko hiểu sao mình lại tìm cách né tránh. Có những hợp đồng béo bở đáng lẽ phải lao vào làm, mình lại tìm cách chuội ra. Thế nên trong cuộc sống có những vai diễn không phù hợp người ta phải biết cách từ chối.

Còn trong đời sống tình cảm, tình yêu ấy, sự nhập vai đến lúc nào không ai hay biết. Người ta gặp nhau và phải lòng nhau, thế thôi, người ta không kịp do dự gì cả.

- Dự định sắp tới của anh?

- Sắp tới tôi sẽ viết báo, đầu tiên là viết chân dung về văn nghệ sỹ bạn bè mình. Tôi có niềm ham thích khắc họa chân dung những người mà tôi quan tâm, họ có những điểm độc đáo thú vị mà tôi muốn giới thiệu đến đông đảo mọi người. Giống như cuộc trò chuyện này vậy. Chia sẻ thông tin mà mình quan tâm và tìm hiểu mối quan tâm của những người khác.

- Xa hơn thế phải chăng là sự tích lũy của bản thân cho những dự án dài hơi sau này?

- Đúng thế, viết báo là một cách nắm bắt thời cuộc, hòa vào dòng chảy của đời sống. Không thể đứng ngoài cuộc mãi được. Tôi đã sẵn sàng. Tích lũy vốn sống và có cơ hội đi đây đi đó là một điều tuyệt vời, rồi bắt tay vào viết những cuốn sách mới. Cuốn sách hay nhất của những người cầm bút luôn luôn là cuốn mà người ta sẽ viết chứ không phải cuốn sách đã viết.

- Xin cảm ơn anh, D'Artagnan!

Thúy Hằng / VTC