itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Viết văn là một nghề lặng lẽ và cô đơn

Nguyễn Thế Hùng: “Viết văn là một nghề lặng lẽ và cô đơn”

Năm nay 36 tuổi, Nguyễn Thế Hùng hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ). Từ khi còn là học viên Khoa Sáng tác - trường Đại học Văn Hóa Hà Nội đến nay, anh luôn là người giữ kỷ lục “người in truyện nhiều nhất trong một cuộc thi” của tạp chí VNQĐ. (Xin bật mí với bạn đọc, tỉ lệ in truyện dự thi trên VNQĐ là 1/200, nghĩa là 200 truyện gửi dự thi thì in được 1 truyện).

So với tập truyện đầu tay “Đàn chim về sau bão” của NXB Thanh Niên, anh đã cân nhắc khá kỹ khi chọn những truyện ngắn đưa vào tuyển tập “Truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng” lần này. Đó là những truyện đã để lại nhiều dấu ấn về một vùng đất, con người, hay sự kiện đã ăn sâu vào tâm khảm mình.

Những trang viết về quê hương của anh luôn trĩu nặng suy tư khiến người đọc không thể không day dứt trước cảnh người thì bỏ quê đi lấy chồng Đài Loan để trả nợ, những bế tắc trong cuộc sống như đợt sóng “cứ dồn đuổi nhau đến mải miết” (Những con sóng dồn đuổi), con cháu hết cả đường về chỉ bởi “có nhúm nhau nối tình quê mà chúng nó cũng nỡ…” (Đàn chim về sau bão), cái giá phải trả cho sự khoái lạc chính là “nhung đang là vàng phải để quá lứa chuyển thành xương khô” (Lộc trời)… Khi đồng tiền len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm của những ngón nghề gia truyền thì không thể tránh khỏi sự trả giá khắc nghiệt. Đó là “rừng còn giận, nếu bản làng chưa trả hết những gì từ trước đến nay đã lấy của rừng” (Rừng thiêng).

Dưới đây là cuộc trò chuyện của PV với tác giả nhân dịp anh ra mắt tuyển tập truyện ngắn thứ hai của mình.

Đọc truyện ngắn của anh, tôi thấy nhiều câu chuyện có thể chuyển thành phim. Sao anh không thử viết kịch bản phim - một món hàng luôn “khan hiếm” trên thị trường điện ảnh?

Năm 2005, truyện ngắn “Người giữ cồn” được giải Nhất cuộc thi “Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửa Long”. Về sau, tôi đã đổi tên truyện thành “Người ở cồn Thương”. Vừa qua, Hãng phim Giải phóng và Đài truyền hình Cần Thơ có chuyển thể thành phim truyền hình, chiếu đi chiếu lại mấy lần nhưng họ chẳng nói với tôi một lời, cũng không trả tiền nhuận bút. Tôi thấy buồn bởi truyện ngắn đó tôi viết về đồng bằng sông Cửu Long, nơi tôi đã gắn bó cả thời tuổi trẻ của mình. Tôi viết về cầu Cần Thơ, về ước vọng bao đời của người dân nơi đây bằng tất cả tình cảm về đồng bằng, thế mà họ đã ăn cắp! Tôi cũng tính đi “đòi quyền lợi”, nhưng thấy ngài ngại lại thôi. Nếu họ tự đến gặp tôi nói vài lời xin lỗi thì hay hơn…

14 truyện ngắn trong tuyển tập này, anh tâm đắc với truyện nào nhất?

“Lộc Trời” là truyện ngắn tôi rất tâm đắc. Về cơ bản, con người ta đều giống nhau mặt sinh học. “Trời cho ai người ấy hưởng” nên người hơn người, làng này hơn làng khác, quốc gia này hơn quốc gia khác chính nhờ cái “lộc trời cho” ấy vậy! Phải biết trân trọng “lộc trời cho” để duy trì lâu dài và làm được nhiều điều tốt đẹp để lại cho đời sau. “Lộc trời để làm gì khi con người sống không còn ý nghĩa”?

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng

Hình ảnh người lính trong tác phẩm của anh rất “đời thường” nhưng cũng rất “lính”. Phải chăng đó là thành công của một người lính viết văn?

Lính, trước hết là những con người. Có thể nói, đi bộ đội cũng là môt nghề - nghề rất đặc thù. Tôi thấy một số nhà văn khi viết về người lính thường lên gân nên trang viết không chân thật. Gần 20 năm gắn bó với binh nghiệp, tôi thấy lính không giống như một số tác phẩm viết về lính của các nhà văn. Vì vậy, tôi khai thác đề tài người lính ở góc độ người thường nhưng làm nghề nghiệp đặc biệt. Còn thành công hay không, có giống lính hay không phải nhờ… bạn đọc thôi (cười).

Anh có suy nghĩ gì về tình hình văn học trẻ hiện nay, đặc biệt là xu thế giới thiệu sáng tác trên blog của mình, sau đó mới in thành sách? Theo anh, đó có phải là một hình thức PR cho văn của mình?

Tình hình văn học thời gian qua tôi thấy có nhiều vấn đề đáng bàn nhưng… không đáng can thiệp. Bởi tôi quan niệm, văn chương đích thực sẽ khẳng định sức sống của nó, còn lại “có cho vui” cũng được chứ sao. Rất nhiều nhà văn được biết đến nhờ tác giả chứ đâu phải tác phẩm! Có người được người ta biết bởi vì hay… lên truyền hình, hay chửi bới, hay… lên báo… Nhưng theo tôi, văn chương là một nghề lặng lẽ và cô đơn.

Theo anh, người viết trẻ hiện nay có lạm dụng tình dục trong tác phẩm của mình?

Bản thân tình dục không có lỗi. Một ngày, một người bình thường chí ít cũng nghĩ đến tình dục… một lần - tôi nghĩ vậy. Văn chương có yếu tố tình dục không phải là xấu. Điều quan trọng là người viết quan niệm tình dục là mục đích viết hay đơn giản chỉ là phương tiện để chuyển tải nội dung, coi đó là “tình dục người” hay “tình dục thú”… Đó mới là điều cốt tử. Trong văn tôi, nếu đọc kỹ bạn sẽ thấy có nhiều yếu tố tình dục đấy chứ. Có người còn đánh giá tôi là… “sành” nữa, bạn có nghĩ thế không? (cười)

Bìa sách tập truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng

Anh đến với văn chương là “duyên” hay “nghiệp”? Anh có dự định viết tiểu thuyết để truyền tải đến độc giả nhiều thông điệp hơn không?

Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết hơi…dài, vì vậy không biết đến khi nào mới xong. Tôi tính chỉ viết 2 cuốn tiểu thuyết mà thôi, còn lại thời gian tôi viết truyện ngắn và viết báo để… nuôi thân. 36 tuổi mới viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, không biết có muộn quá không, nhưng tôi đang dồn lực cho nó. Đề tài thì xin được… bí mật nhé!

Vừa qua, một số nhà văn trẻ cho ra đời những cuốn tiểu thuyết…dầy như cục gạch. Ban đầu tôi không dám cầm vì sợ nó… nặng quá, nhưng khi cầm lên bỗng giật mình bởi đó chỉ là cục gạch… bông (bông gòn ấy mà). Không chỉ các cây viết trẻ đâu, già cũng thế. Tôi đang viết và tôi rất sợ vấp phải “lối mòn” quen thuộc ấy… Làm người cầm bút thì không thể lặp lại mình được. Tôi cũng muốn viết “một cái gì đó” lắm chứ, nhưng nhiều khi “lực bất tòng tâm”. Cái khổ nhất là nghĩ được mà viết không được. Viết xong rồi đọc lại thấy cứ nhạt hoét. Mình đọc còn chẳng được, huống hồ là độc giả. Khổ lắm chứ, đau lắm chứ, nhưng biết làm sao! Nghề văn vốn nghiệt ngã mà. Chính vì vậy, tôi rất sợ nói trước điều gì đó, sợ cả các bài phỏng vấn nữa (cười). Cõ lẽ tôi là người… nhát gan mặc dù đang là… lính. Người viết văn chỉ mong nhận được sự đồng cảm ở người đọc mà thôi. Tôi cũng không ngoại lệ!

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này. Chúc những dự định của anh sớm thành công và mong anh sẽ viết được nhiều tác phẩm hay hơn nữa.

Giáng Tiên