itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Bàu Trúc hai chiều thời gian

Bàu Trúc hai chiều thời gian

Những gian nhà chính được tận dụng

để làm gốm

Con đường quanh co bụi mù hôm xưa vẫn lúc lỉu những cộ bò đôi, lắt lây những bước chân trần. Và gió, u u thổi bay những dải khăn đổ trên trán những lão Chăm Bàlamôn đang dõi mắt về một đỉnh núi nào đó xa lắc trong khi bọn trẻ đang đuổi bầy heo mọi chạy ùn ụt dưới mương nước mát trong…

Di sản làng Bàu Trúc nào chỉ có gốm và nắng. Di sản còn là những ánh mắt truyền đời trong kham khổ vẫn ngưỡng vọng gì đó ở tương lai.

Mười năm trước, cái nôi gốm cổ nhất Đông Dương này xơ xác, bụi bay bợt cả bóng người, thi thoảng trong đám bụi người ta thấy một bà cụ già đội trên đầu ngất ngất mấy lu thạp ra chợ bán. Bước chân trần sột soạt trên rơm rạ và gai góc nghe nhói rát. Cái hình ảnh ấy đẹp và trừu tượng như một triết ca nhưng lại vừa gần đến nỗi đưa tay ra là chạm thấy. Những lu, thạp, nồi niêu gia dụng một thời bế tắc cúi đầu trước sức tấn công “phủ đầu” của công nghiệp nhôm nhựa! Thời ấy, đi khắp từ Bình Dương lên Lâm Đồng, từ Sài Gòn ra Nha Trang, đâu đâu cũng thấy những người đàn bà Chăm uể oải tảo tần với hàng đống hàng ế ẩm còn chất đầy xe tải bên những bãi chợ gió bụi ngờm ngợm mắt người.

Nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua. Cái lung linh khổ hạnh cùng những kỷ niệm gieo neo ấy cũng thuộc về quá vãng. Lớp nghệ nhân một thời đội gốm đi hàng vài mươi cây số để ngủ bến xe bãi chợ bây giờ lưng đã còng song song mặt đất, có người không còn trí nhớ để kể cái gian nan hôm qua.

Ký ức làng gốm mười năm với những nhân vật chính có già nua nhưng đã thay tình tiết và cách kể.

Những lớp sinh viên mỹ thuật từ TP.HCM được gởi về đây thực tập đã cứu nghề gốm, làm cho cái nghề thức thời hơn trong bối cảnh gốm gia dụng đang gặp khó khăn (những năm 1995 – 2000). Thời điểm ấy, cậu sinh viên Sỹ Hoàng đến nhà bà Đàng Thị Vệ và sống như con cái trong nhà, anh hướng nghề gốm của bà Vệ ra thị trường với những thiết kế mỹ thuật dùng vào việc trang trí nội thất, ngoại thất. Thời ấy, Nguyễn Văn Tuyên, người Phan Rang, làm designer cũng về chọn làng gốm để thể nghiệm sản phẩm của mình. Gốm mỹ thuật Chăm từ đó cất mình lên khỏi vũng bùn khổ ải. Nhiều người sấp ngửa với nghề truyền thống, suýt bỏ nghề đã kịp quay lại và thấy rằng thì ra chuyện giữ gìn cái nghề gia truyền không hẳn là quá khó trong điều kiện mới.

Khách du lịch vào làng nườm nượp. Ánh mắt cô thiếu nữ Chăm nhìn ông khách ba lô không còn dè dặt. Bàn tay của những phụ nữ Chăm trộn đất bây giờ đã thấy vòng vàng trang sức. Và bước chân những người đàn bà vẫn theo một quỹ đạo vòng tròn quanh khối đất rồi như phù phép, biến đất thành một tác phẩm diệu kỳ. Kỹ thuật sản xuất gốm không bàn xoay cộng với việc nung gốm bằng rơm khô đã khiến cho diện mạo gốm Chăm phong phú về sản phẩm, hoạ tiết. Ngày trước, đất sa khoáng ở sông Dinh, sông Quao còn nhiều, gốm Bàu Trúc luôn ánh lên nhiều óng ánh như được rây vàng trên nền màu hoả biến độc đáo. Ngày nay, đất sa khoáng ít hơn, những mẻ gốm này để dành xuất ngoại.

Gốm Bàu Trúc được phát hiện. Vào làng bây giờ thấy trẻ con đi học nhiều hơn, nụ cười người già vẫn phảng phất những ngày kham khổ hôm qua.

Những shop gốm Bàu Trúc, Đàng Xem, Đàng Thị Tám đến nhà trưng bày triển lãm hiện nay hàng ngày có khách du lịch vào ra đang làm cho mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đây ý thức được rằng chúng đang sống mạnh mẽ trên vùng đất di sản. Người ta kể nhiều câu chuyện vui: nghệ nhân làng gốm bây giờ đi khắp thế giới để biểu diễn nghề. Người ta tự hào giới thiệu gốm cho du khách bằng sự hiểu biết và cảm xúc trực tiếp của một người làm ra và hiểu “tâm tính” của gốm.

Và với bạn, một du khách, còn chần chờ gì không chọn lấy một vài món hàng cho vào ba lô trong một lần ghé qua sau khi tắm trong không gian văn hoá ở cái nôi gốm cổ nhất Đông Dương này.

Theo SGTT