itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Cồng chiêng Tây Nguyên ngân vang tại quảng trường Mall của Mỹ

Cồng chiêng Tây Nguyên ngân vang tại quảng trường Mall của Mỹ

Lần đầu tiên cồng chiêng Tây Nguyên đã ngân vang tại quảng trường Mall (thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ) trong thời gian tham gia lễ hội đời sống dân gian Smithsonian lần thứ 41 với chủ đề “Mekong - dòng sông kết nối các nền văn hóa”.

Không chỉ cồng chiêng mà 10 loại hình văn hóa dân gian khác của Việt Nam gồm: hát bội, múa lân, đờn ca tài tử, sử thi, dệt Chăm, đẽo thuyền độc mộc, đan gùi, đan dụng cụ đánh bắt cá, làm bánh xèo và múa Rôbăm làm cho công chúng nước ngoài hiểu hơn về chất tài hoa của văn hóa dân gian Việt.

Ngày 26/12, tại hội nghị đánh giá kết quả của chuyến lưu diễn, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: “Chuyến đi đã gây tiếng vang lớn và ấn tượng tốt đẹp trong dư luận công chúng Mỹ và cộng đồng người Việt. Sông Mê Công đã chảy vào nước Mỹ bằng văn hóa”.

Những nghệ nhân dân gian mới thực sự là những người thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới. Bác Lâm Phương, trưởng nhóm múa Rôbăm(Sóc Trăng) vẫn ấn tượng: “Họ vây quanh chúng tôi rất đông suốt 45 phút của suất diễn hỏi về cách làm mặt nạ, mũ mão. Tôi không ngờ mình lại được dạy những trẻ em Mỹ điệu múa mấy đời cha ông truyền lại”.

Rào cản về ngôn ngữ, tâm lý dân tộc cũng được gỡ bỏ. Chị Bùi Thị Phương Mai, người thuyết trình văn hóa (Presenter) cho biết: “Chúng tôi tìm hiểu tất cả các thuật ngữ như hát bội, cồng chiêng, nghề dệt để giới thiệu. Có người hỏi khó: So sánh đờn ca tài tử với dòng nhạc Blue của nước Mỹ. Làm cho họ hiểu đúng về văn hóa Việt cần sự kiên nhẫn và đầy cởi mở”.

Được biết, lễ hội lần này đã thu hút tới 1,6 triệu lượt người tham quan không chỉ có công chúng Mỹ mà nhiều khách du lịch từ các quốc gia khác. Những năm trước đây, trung bình lễ hội này chỉ thu hút từ 1,2-1,5 triệu lượt người.

 

Các hoạt động văn hóa tham dự Lễ hội Smithsonian 2007 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch lựa chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa về sự kiện này.

Trong chuyến lưu diễn, công chúng Mỹ hỏi bà câu nào nhiều nhất?

- Họ rất thường hay hỏi là tại sao lại có loại hình văn hóa này và nó có lâu chưa? Họ cũng băn khoăn tại sao người Việt không học nhạc mà lại biết biểu diễn những bản nhạc như thế.

Như vậy, trước khi đoàn đến, họ đã hiểu về Việt Nam ở mức độ nào?

- Cần phải thấy, người Mỹ biết rất ít về văn hóa Việt Nam. Đến giờ, họ vẫn chỉ nghĩ Việt Nam mình có chiến tranh. Hoặc có chăng qua truyền hình thì biết một phần nhỏ nào đấy.Qua đợt này, họ rất bất ngờ vì mình có nhiều dân tộc như vậy, mỗi dân tộc có văn hóa rất hay.

Quan trọng hơn, họ thấy mình trân trọng văn hóa đó. Mình đủ sức bỏ tiền ra, bỏ chi phí để đi quảng bá văn hóa chứ không phải họ mời mà họ chi kinh phí.

1 chuyến lưu diễn/năm có đủ giúp thế giới hiểu rõ hơn về văn hóa nước ta?

- Chủ trương của Bộ là cùng với phát triển các đoàn chuyên nghiệp thì cũng phải đưa những đoàn nghệ nhân dân gian đi biểu diễn thường xuyên ở nhiều nước chứ không riêng gì Mỹ. Nếu các nước khác mời tham dự lễ hội thì dĩ nhiên mình sẽ tham gia ngay.

Hiện các nhóm nghệ nhân dân gian không phải nhiều, như múa Rôbăm cả tỉnh Sóc Trăng có một đoàn. Vậy Bộ sẽ có chính sách gì để bảo tồn và phát triển?

- Sau khi nghiên cứu mới nhận thấy Rô băm là điệu múa rất quý. Nó có nguồn gốc từ Campuchia, nhưng khi sang nước mình nó đã được Việt hóa một phần để thích ứng với cuộc sống. Việc bảo tồn sẽ giao cho các tỉnh lập các dự án để truyền dạy. Đặc biệt giúp những cộng đồng đó sống được với nghề và lưu giữ nghề đó.

Theo VietNamnet