itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Đến với Việt Nam cùng tranh in lưới

Đến với Việt Nam cùng tranh in lưới

Vọ chồng họa sĩ Maria Sanz - Capa Joaquin

Năm 1999, vợ chồng nữ họa sĩ người Tây Ban Nha Maria Luisa Sanz đã đến Việt Nam. Hôm nay, tình cảm yêu mến "Việt Nam xinh đẹp" đã thôi thúc Maria cùng chồng trở lại mảnh đất này.

Đã 8 năm trôi qua kể từ ngày họa sĩ Maria Sanz và chồng là Capa Joaquin nuối tiếc chia tay Việt Nam để trở về với quê hương Madrid (Tây Ban Nha).

Cho tới tận bây giờ, hình ảnh Việt Nam vẫn nguyên vẹn trong tim người phụ nữ với ánh mắt xanh biếc, khuôn mặt trái xoan phúc hậu và nụ cười luôn nở trên môi là một đất nước đẹp, thanh bình, thân thiện và cởi mở.

Lần trở lại này của Maria không đơn thuần chỉ là một chuyến du lịch hay một cuộc viếng thăm “người bạn xưa” mà hơn thế, bà đem tới Việt Nam một món quà ý nghĩa – những bức tranh in lưới giàu màu sắc, ý tưởng.

Đúng dịp hai nước sắp tổ chức kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Maria hy vọng triển lãm của bà sẽ là một trong những nhịp cầu vững chắc củng cố tình cảm gắn bó hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc, hai nền văn hóa.

Nghệ thuật in lưới – quen mà lạ

Tranh in lưới từ mấy chục năm nay đã rất phổ biến ở châu Âu và châu Mỹ, đặc biệt tại các nước như Mỹ, Ý, Pháp, Tây Ban Nha… Loại hình nghệ thuật này có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trẻ bởi mỗi bức tranh thành công được ví như một “bữa tiệc của màu sắc”.

Rồng và giầy

Chính vì thế tranh in lưới như lời mời gọi hấp dẫn nhắm vào những bạn trẻ ưa sáng tạo và đam mê thử nghiệm. Trở lại với các tác phẩm ưng ý của Maria, chính tác giả cũng không ngờ những đứa con tinh thần của mình lại được các bạn trẻ Việt Nam và du khách nước ngoài tại đây chào đón nồng nhiệt đến vậy.

Cả gian phòng trưng bày tràn ngập màu sắc của tranh. Các mảng màu nổi như hồng, đỏ, dưới con mắt nghệ thuật của Maria chợt trở nên ăn ý với xanh nước biển, vàng, đen…

Để có được nhiều ý tưởng độc đáo, làm nên một cuộc triển lãm thành công, nữ họa sĩ cùng chồng đã phải đi tới rất nhiều quốc gia, lãnh thổ, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Qua mỗi vùng quê, những gì đọng lại trong Maria chính là nghệ thuật. Bà đã tận dụng được những tinh hoa nghệ thuật ấy, giúp chúng hội tụ, có mặt trong các tác phẩm của mình.

Như vậy, qua những bức tranh in lưới của Maria, người xem có thể cảm nhận được phần nào phong cách nghệ thuật vừa lạ, lại vừa rất quen, phảng phất dấu ấn văn hóa của mỗi vùng miền trên thế giới nhưng vẫn luôn hướng chúng đi theo một cái cốt nhất định trong ý thức sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ.

Hy vọng tranh lưới có thể phát triển ở Việt Nam

Maria tâm sự: “Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam. Tôi yêu đất nước các bạn và thật mong tương lai sẽ trở thành người bạn thân thiết của Việt Nam. Tôi rất xúc động khi chứng kiến tình cảm chào đón nồng nhiệt của các bạn dành cho tôi và các tác phẩm của tôi”.

Ông Capa Joaquin cho biết, trước khi đến với Việt Nam, ông bà đã mở triển lãm tranh in lưới ở nhiều nước trên thế giới như Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Ấn Độ… Tuy nhiên, với tình cảm yêu mến Việt Nam, nữ họa sĩ 61 tuổi hy vọng tương lai nghệ thuật tranh in lưới sẽ phát triển và phổ biến ở Việt Nam.

Maria cho rằng loại hình nghệ thuật này chắc chắn sẽ thu hút giới trẻ nhờ khả năng kích thích trí sáng tạo của người tham gia. Bà mong muốn cuộc triển lãm của mình sẽ là bước đệm đầu tiên cho những hoạt động giới thiệu và phát triển tranh in lưới tại Việt Nam sau này. Chúng ta cùng chúc cho những mong muốn của Maria Sanz sẽ thành hiện thực.

 

In lưới (còn gọi là in lụa) là phương pháp in mà bản in là một tấm lưới kim loại hoặc sợi nilon tổng hợp với mắt lưới dày trung bình 100 - 120 sợi/cm2. Khi in, mực được gạt trên mặt bản in, thấm qua lưới, truyền xuống vật liệu in.

In lưới được sử dụng ở châu Âu từ 1925 để in trên giấy, bìa, thủy tinh, tấm kim loại, vải giả da… Đến nay, nghệ thuật tranh in lưới rất phát triển ở các nước châu Âu, châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha…

Trích: Từ điển bách khoa toàn thư

Diệp Sa (Theo Tiền Phong)