itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Đèn lồng ấm áp

Đèn lồng ấm áp

Đi du lịch miền Trung, đến với rừng, biển và hàng chục, thậm chí hàng trăm điểm tham quan lý thú, bạn hãy nhớ thưởng thức món mì Quảng, món cao lầu nổi tiếng của Hội An và những món ăn Huế mang đậm triết lý phương Đông.

Ngoài phong cảnh núi sông ngoạn mục và những món ăn danh bất hư truyền, miền Trung còn hấp dẫn du khách bởi vô số những sản phẩm du lịch độc đáo như các sản phẩm được làm từ đá núi Ngũ Hành Sơn, các loại bánh, kẹo có nguyên liệu chính là mè và đặc biệt là những chiếc đèn lồng Hội An nổi tiếng thế giới.

Theo các nghệ nhân làm lồng đèn nhiều năm ở Hội An, nghề làm lồng đèn đã có ở đây từ thế kỷ XVII. Đến năm 2005, đèn lồng Hội An đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu sản phẩm tập thể “Đèn lồng Hội An”

Nếu như trước đây, lồng đèn chỉ phố biến những dạng như hình tròn, hình trụ thì nay, đèn lồng Hội An đã có đến 9 kiểu dáng như hình tỏi, hình kim cương, hình quả bí, hình đu đủ, hình bánh ú, hình dù, hình thùng... Để đèn lồng trở thành sản phẩm du lịch có thể “theo chân” du khách về nhà, cách đây hơn 20 năm, những người làm lồng đèn đã sáng tạo ra những chiếc đèn lồng xếp. Và đến nay, đèn lồng Hội An đã có mặt ở hàng chục nước trên thế giới.

Từ những chất liệu chủ yếu là khung tre và giấy bồi, đến nay, chiếc đèn lồng Hội An đã được làm từ rất nhiều chất liệu khác nhau như khung gỗ bóng, khung nhôm, khung sắt và vải lụa Hà Đông, vải thổ cẩm, lụa Tân Châu... để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Giá đèn lồng vì thế cũng phụ thuộc vào chất liệu và kích thước của sản phẩm, tuy nhiên chúng có độ dao động từ 5.000đ đến 60.000 đ/ chiếc.

Thị xã Hội An lấy đường Châu Thượng Văn và một đoạn đường Bạch Đằng gần chùa Cầu là nơi giới thiệu và bày bán các sản phẩm đèn lồng. Nhiều khách hàng còn đến đường Trần Phú- nơi có những cơ sở sản xuất đèn lồng lớn ở Hội An để “mục sở thị” cách làm lồng đèn. Nếu thích, khách sẽ được chủ hướng dẫn cách làm đèn lồng để mang về nhà. Các cơ sở sản xuất lồng đèn ở Hội An còn làm sẵn “ca-ta-lô” để khách chọn sản phẩm theo mẫu, người bán còn sẵn sàng nhận đóng gói đèn lồng và gởi về tận nhà cho khách. Đèn lồng Hội An có nhiều kiểu thích hợp để với nhiều khung cảnh khác nhau như đèn lồng lễ hội, đèn lồng sân vườn, đèn trang trí nội thất... Gần gũi và thiết thực hơn là những chiếc lồng đèn có thể đặt trong phòng ngủ để vừa trang trí vừa làm đèn ngủ.

Điều làm nên sức hút của đèn lồng chính là các hoa văn được thêu dệt trên vải. Hình ảnh ngư ông câu cá, cô gái lái đò trên sông Hương, mục đồng thổi sáo lưng trâu hay các chữ song hỉ, phúc, lộc thọ và các hoa văn đựơc thêu tay tỉ mỉ không chỉ đáp ứng phần mỹ thuật của chiếc lồng đèn mà còn mang đậm nét văn hóa và giàu ý nghĩa. Những lời chúc lành và sự ấm áp từ đèn lồng chắc hẳn sẽ giúp cả người tặng và người nhận có được cảm giác hạnh phúc.

Vu Nguyễn