itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Đi chợ Mường Hum

Đi chợ Mường Hum

Thung lũng Mường Hum vào

mùa lúa

Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần, trên các vùng cao nguyên phía Bắc, hàng trăm con người lũ lượt kéo nhau tập trung về chợ phiên.

Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, người ta đã biến cái thung lũng hẻo lánh Mường Hum, điểm hội tụ của rất nhiều nền văn hóa và ẩm thực của bà con dân tộc thiểu số, thành một nơi náo nhiệt.

Đến Tây Bắc chưa đi chợ phiên là chưa khám phá hết vùng đất này. Chợ Mường Hum họp vào tất cả các ngày chủ nhật, từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Bạn có thể đi từ Lào Cai đến Mường Hum bằng xe đò (giá 20.000 đồng), hay bằng xe ôm 70.000 đồng.

Chúng tôi bắt đầu chuyến khám phá chợ phiên từ 7 giờ sáng, theo dòng người nhồi nhét vào các xe buýt chật chội đi từ Lào Cai đến Mường Hum.

Trên xe chật cứng các bà các cô, ngồi vắt vẻo, chân đu dưa trên các bao tải chất đầy giữa lối đi. Sau 3 giờ đồng hồ đi ô tô là một chặng đi bộ xuyên qua các thung lũng và trèo lên các mép đá. Vậy là hành trình đến chợ phiên bắt đầu.

Người ta đựng hàng hóa trong các túi thêu, túi bằng sợi gai, các bao tải và các sọt đeo trên vai. Những đôi dép lê dính đầy bùn, những gấu quần được xăn lên nhiều vòng như nhắc nhở cho người ta thấy những chặng đường dài vất vả trèo đèo lội suối mà mọi người phải trải qua. Sáng sớm trời vẫn còn tối lắm, thị trấn còn rất tĩnh mịch nhưng cũng đã hứa hẹn một phiên chợ náo nhiệt.

Mua hàng ở chợ phiên

Chợ kia rồi, những chiếc áo dài màu hồng, màu xanh của những cô gái Thái túm tụm xung quanh các đồ trang sức thủ công bằng bạc, trong khi ở góc khác là những chiếc váy H’Mông màu cam và màu xanh xúm xít quanh đống quả lựu.

Ngay bên cạnh, măng tre được bày la liệt trên lá chuối, và các thầy lang Hà Nhì giải thích về công dụng của các loại bột thuốc thực vật mà họ lượm lặt được từ rừng.

Đi sâu vào trong chợ, một đám trẻ con xì xụp bên bát phở, bánh phở vẫn còn rất tươi vì mới được thái chỉ vài tiếng trước đó.

Có một điều thú vị là mỗi khi mua bán xong, tiền lại được rút ra từ những nơi rất kỳ quặc như phía dưới quần, trên cánh tay áo, túi bên cạnh của cái ví được bày bán, hay là vùi trong đống hạt đậu khô. Ở khu chợ này, đâu đâu cũng thấy người ta mua bán, hoạt động náo nhiệt và tràn đầy màu sắc.

Nếu ghé một nhà hàng ở Mường Hum, bạn sẽ được thưởng thức món thịt ngựa xào với hành, chén lòng lợn ăn với lá bạc hà, đừng quên dùng kèm với rượu hoặc bia tươi Lào Cai. Đối với bà con dân tộc vùng Tây Bắc, đi chợ không chỉ để mua bán.

Chợ phiên còn là nơi thư giãn, hẹn hò của nhiều nam thanh nữ tú. Người ta đến đây để ngắm và để được mọi người chiêm ngưỡng. Các thiếu nữ Dao ăn mặc thật đẹp và rất cầu kỳ: khăn đội đầu màu đỏ, gấp nếp xuống tận tai.

Những chiếc váy dài của dân tộc Hà Nhì màu đen được thêu hoa văn màu xanh, mới tinh và sắc sảo. Từ tuần trước đó, những phụ nữ H’Mông đã mất cả ngày để xâu những hạt nhựa vào dây cước và quấn xung quanh đầu trông như chiếc vương miện.

Tàn chợ, bạn còn bắt gặp hình ảnh những thiếu phụ H’Mông đi bộ dắt ngựa đèo ông chồng say ngất ngưởng, những em bé nói tiếng Anh soi sói dù chưa một lần đến trường dạy ngoại ngữ. Và còn rất nhiều, nhiều bất ngờ khác từ những phiên chợ dân dã vùng núi.

Theo Ngô Duy - Sài Gòn Giải Phóng