itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Du lịch cộng đồng ở miền sơn cước

Du lịch cộng đồng ở miền sơn cước

Trang phục đặc trưng của dân tộc Lào

“Mai đến Mường Khoa rồi vào Phiêng Hào nhé! Vào đó đồng bào thật lắm… vào rồi luyến tiếc khó về đấy!” Anh Đặng Thanh Tuấn, trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu hóm hỉnh nói với chúng tôi. Đi trên con đường đầy nắng và gió, qua những nông trường chè xanh mướt và thấp thoáng những mái nhà sàn, chúng tôi đã tới Phiêng Hào, một bản vùng cao của xã Mường Khoa nơi có 100% là dân tộc Lào sinh sống.

Vượt đường xa

Chiếc xe vượt hơn hai trăm cây số đường đèo dốc đưa chúng tôi từ Hà Nội lên tới Tân Uyên đã phải “bó tay” ở 8km cuối cùng. Con đường duy nhất dẫn vào bản Phiêng Hào quá nhỏ, đường lại gập ghềnh khó đi nên phải chuyển sang chiếc xe đặc chủng của phòng văn hoá Tân Uyên. Nói là đặc chủng nhưng với đoạn đường gần chục cây số chúng tôi cũng phải “hò dô ta” đến 4 – 5 lần khi gặp phải đá hộc, những chỗ trũng…

Qua chiếc cầu tre bắc qua sông Nậm Mu, cuối cùng cũng tới Phiêng Hào. Ông Lò Văn Sẳn, bí thư chi bộ của bản đón chúng tôi bên ánh lửa hồng của gian bếp, ông nói chuyện cùng chúng tôi như những người bạn lâu ngày gặp lại. Nhấp chén chè xanh đặc sệt rồi khẽ “chẹp” một tiếng sảng khoái, ông tâm sự: “Phiêng Hào còn nghèo lắm, cả bản chỉ trông chờ vào con cá suối bên dòng sông Nậm Mu và những con thú săn được trên rừng. Nhưng từ ngày bản được xếp trong dự án du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu, nhiều nhà trong bản đã thoát được đói nghèo”.

Cơ hội phát triển du lịch cộng đồng

Lòng tôi ngân nga câu hát về một miền Tây Bắc tươi đẹp, dẫu còn nhiều gian khó. Lòng người ấm lại trước một Phiêng Hào đang nhen nhóm cho ngày mới biết bao hy vọng. Người dân tộc Lào có phong tục tập quán khá giống với người Thái ở vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở lối kiến trúc nhà sàn. Người Thái có điệu xoè truyền thống thì ở đây các thiếu nữ người Lào lại có những điệu múa nón, múa khăn, khèn Lào… vô cùng độc đáo. Ông Sẳn cho biết, đội văn nghệ của bản có 12 người, ngoài việc hàng ngày của phụ nữ thì các thành viên vẫn thường xuyên luyện tập. Từ khi biết được Phiêng Hào nằm trong dự án du lịch cộng đồng, họ càng say mê hơn.

Một thực tế cho thấy, Phiêng Hào còn khó khăn nhưng chính những khó khăn ấy đã vô tình giúp cho đồng bào nơi đây bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc nhất của người Lào, giúp cho thế hệ trẻ ở bản Phiêng Hào thấy được vai trò của văn hoá truyền thống và gìn giữ văn hoá trong đời sống bản làng.

Đi sâu vào từng nếp nhà sàn, những âm thanh lách cách đều đặn khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Lần theo âm thanh đó, chúng tôi bất chợt ngạc nhiên khi trông thấy hình ảnh thiếu nữ dân tộc Lào đang say mê bên khung cửi… những tấm thổ cẩm được dệt thành từ muôn vàn sợi chỉ đầy màu sắc.

Các cơ sở lưu trú ở Phiêng Hào không như các bản khác đã có “nghiệp vụ du lịch” chuyên nghiệp, ở đây mang đúng nghĩa “du lịch cộng đồng”, bởi mỗi gia đình là một cơ sở lưu trú. Đối với du khách nước ngoài thì Phiêng Hào thực sự là một điểm đến lý tưởng bởi họ tìm được cuộc sống thật đúng với nghĩa đi du lịch để hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của người dân địa phương.

Con sông Nậm Mu, mùa nước cạn lộ rõ những hòn cuội trắng muốt, tròn xoe cũng là những kỷ vật của Phiêng Hào mà chúng tôi mang theo hành trang về với miền xuôi.

bài và ảnh Lam Thanh/ SGTT