itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Du lịch Đà Lạt thời hội nhập

Du lịch Đà Lạt thời hội nhập

Cô bán hoa khô ngoài khu du lịch Prenn.

Thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng nằm trong thung lũng cao nguyên Lâm Viên và Lang Biang, do sự ưu đãi của thiên nhiên nên có khí hậu như miền ôn đới quanh năm. Nơi đây trở thành điểm du lịch, nghỉ mát lý tưởng của Việt Nam thuộc miền Trung Tây Nguyên, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Thành phố của ngàn hoa

Đà Lạt đúng là vương quốc của hoa, chỉ mới chạm cửa ngõ thành phố đã thấy hoa, đủ sắc, nhiều hình dáng khác nhau. Cả thành phố như một bức tranh hoa khổng lồ. Hoa dại xoè cánh bên ven đường, hoa nở bung trên những hàng cây dọc các phố, hoa leo trên từng vuông cửa bờ tường, hoa trùm từng mảng ở các bờ rào, hoa trong các nhà vườn, trong công viên, trong các vườn cảnh, không kể hoa được bày bán ở chợ trên sạp, bán dạo khắp các điểm danh thắng du lịch mà khách đến tham quan... và hoa còn trang trí cho cả thùng rác nhìn vui mắt. Thậm chí, hoa đã khô vẫn được giữ như một món hàng "đặc sản" hoa của Đà Lạt.

Thoạt đầu, hoa như một sứ giả của thành phố đón chào du khách, tạo cảm xúc và thích thú cho khách thấy như được thư dãn sau một hành trình đường xa đến đây. Nhưng rồi cảm giác đó đi qua rất nhanh, mà đọng lại là cảm giác "không cảm giác" với hoa, vì nhiều quá, lộn xộn quá, hoa cả mắt, không còn phân biệt được hương sắc hoa riêng biệt. Quả thật khách tới Đà Lạt khó mà nhớ nổi một tên hoa, chỉ có thể gọi chung là "Hoa".

Đến Đà Lạt có ai mua hoa mang về làm kỷ niệm? Tôi hỏi một người bán hàng hoa trong chợ Đà Lạt, nhà ở làng hoa Đa Thiện, bán ở chợ đã hơn 20 năm, chị cho biết: "Khách ngày trước còn mua hoa mang về Sài Gòn, nay hoa chỉ bán được cho người Đà Lạt, các khách sạn, tiệm, quán để cắm trưng phòng khách. Hoa bây giờ khó bán lắm, giá không rẻ hơn bao nhiêu. Vì nhà vườn có hệ thống bán buôn sỉ và xuất hoa như hàng công nghiệp"... Tại Đà Lạt, giá lẻ 1 bông hồng 2.000 đồng, 1 cành ly khoảng 3 bông 2 nụ 30.000 đồng, 1 bó cúc chừng 5 cành 20.000 đồng, ở Sài Gòn ngày thường cũng thế. Chỉ duy nhất một loại hoa khô là bán được cho khách mang về làm quà kỷ niệm, tuỳ theo giỏ to, nhỏ, hay hình kết lớn - bé kiểu trái tim, bông hoa... mà giá cả xê xích từ 5.000 - 50.000 đồng.

Những địa danh danh tiếng giờ ra sao?

Nói tới Đà Lạt, không ai không nhắc tới những cái tên như: Thác Prenn, Cam Ly, Đambri, Pongua..., suối Đankia - suối Vàng, hồ Than Thở, Xuân Hương, Tuyền Lâm..., thung lũng Tình Yêu, đồi thông Hai Mộ, nhà ga xe lửa..., các ngôi biệt điện của Vua Bảo Đại, các biệt thự cổ của Pháp có tuổi hơn trăm năm, nhà thờ Con Gà..., Thiền viện Trúc Lâm. Và bây giờ là vài kiến trúc, khu danh thắng mới như ngôi nhà Crazy House, Đà Lạt sử quán, những nhà kính trồng hoa lan, trồng rau ở mấy khu nhà vườn Đa Thiện, Thái Phiên. Vài ngôi làng người dân tộc K’Ho, Lát, Lạch... dưới chân núi Lang Biang.

Làng Gà - điểm đến của nhiều du khách.

Thác Prenn là danh thắng được hầu hết các sách về du lịch Việt Nam lấy làm biểu tượng của Đà Lạt. Thác là một bức màn nước quanh năm đổ xuống thung lũng nhỏ từ độ cao 10m, được bao bọc bởi rừng thông cổ thụ. Tôi tới đây một ngày tháng 3.2008, vẻ đẹp hoang sơ của thác hình như đã bị ngọn gió du lịch của thời "hội nhập" làm bay đi mất, thay vào đó là những dịch vụ na ná ở thành phố miền xuôi và bàn tay người gọt, tỉa cảnh sắc như một công viên nhân tạo. Tại một góc thác là khu trò chơi: Thảy vòng cổ vịt, đập niêu đất, phóng lao bắn nỏ... giá vé là 10.000 đồng/lần, thắng thì thưởng 2 lon nước ngọt, hoặc 10 lon bia Tiger, hay 1 chai rượu vang, 1 ché rượu cần. Cách đó không xa là dịch vụ cho thuê cưỡi ngựa, cưỡi voi, cưỡi đà điểu, giá đồng nhất 10.000 đồng/lượt, không cưỡi mà chụp ảnh phải trả 5.000 đồng, rồi thuyền thể thao bơi dưới suối, xe ôtô trò chơi...

Ở đây có một đội thợ chụp ảnh dạo khoảng 50 người, họ gần như không phải đóng một thứ tiền gì cho Ban quản lý. Anh Nguyễn Ngọc Toàn - 40 tuổi, hơn 20 năm làm nghề chụp ảnh - cho biết, tại thác đã có phòng Lab KTS, khách ra khỏi cổng là có ảnh, thu nhập trung bình hàng tháng của các thợ ảnh ở đây khoảng 3-5 triệu đồng. Trong khu thác còn có cáp treo để khách nhìn xuống từ trên cao, xe đi xem một vòng khu rừng thiên nhiên... và một cửa hàng làm đồ mỹ nghệ gỗ tại chỗ cho khách làm kỷ niệm tên Đức Hiển do 3 người thợ cùng quê tận Hải Dương vào làm.

Thung lũng Tình Yêu chỉ còn cái tên, tất cả đã được xây dựng như một công viên cây cảnh, muốn vào phải trả tiền như vào tham quan bất kỳ địa danh du lịch nào, giá vé không rẻ: 5.000 đồng/lượt/người. Hồ Xuân Hương đầy những con thiên nga gỗ, làm vướng mắt nhìn, không thấy thơ mộng gì nữa. Còn những địa danh như thác Camly thì đang tôn tạo lại, hồ Than Thở cũng chung số phận, đồi thông 2 mộ thì hình như sắp bị xoá tên cho một dự án nào đó.

Duy có một nơi mà khách tới tham quan đều cảm thấy dễ chịu bởi khung cảnh thiên nhiên không những giữ được nét hoang sơ của rừng núi mà các kiến trúc do con người tạo dựng cũng như hoà hợp với cảnh sắc, đó là Thiền viện Trúc Lâm. Điều lý thú nhất là tại đây có dịch vụ cáp treo với giá 35.000 đồng/chiều/người, đưa khách lên độ cao gần 2.000m để ngắm toàn cảnh vùng rừng Tuyền Lâm. Cũng tương tự là dịch vụ leo núi Lang Biang, ngắm toàn cảnh Đà Lạt trên độ cao hơn 2.000m, nhưng bằng xe Jeep, với giá 180.000 đồng/lên, xuống/2 người/xe. Lên đỉnh còn có cả kính viễn vọng để khách ngắm cảnh với giá 15.000 đồng/lần/15 phút.

Có ba nơi mà khách du lịch thường ít bỏ qua. Biệt điện của Vua Bảo Đại, có thể được làm vua, hoàng hậu ngồi trên ngai vàng trong 5 phút với giá 15.000 đồng. Còn ở Crazy House-hay biệt thự Gốc Cây Hằng Nga, của KTS Đặng Việt Nga (con gái cố TBT Trường Chinh) thiết kế, xây dựng, khách sẽ rất ấn tượng với hình thù kỳ dị của ngôi biệt thự, nửa hoang dã cổ quái, nửa cách tân đương đại, ai muốn có cảm giác mạnh thì hãy qua đêm ở đây trong các căn phòng mang tên Gấu, Bầu, Đại Bàng, Hổ, Kanguru... với giá từ 23-63USD/đêm (ở đây không có tivi, tủ lạnh, điện, sưởi bằng củi). Vào "Đà Lạt sử quán", cảm giác như đang ở trong một không gian của những hoài niệm xưa, của tranh tố nữ, của các thư quán tú tài sĩ tử qua cảnh các thiếu nữ ngồi thêu, những bức thư pháp treo khắp nơi... song lại có chút gì vương vấn về một nước Pháp của thế kỷ trước qua các ca khúc Pháp thập niên 1960-1970 văng vẳng cuốn theo chân khách tham quan.

Người Đà Lạt thời du lịch hội nhập

Người gốc của Đà Lạt là người Lát, Lạch, K’Ho, Chu Ru, Mạ... đến khi người Pháp vào xây dựng thành phố Đà Lạt năm 1893, thì bắt đầu có thêm nhiều người Kinh. Năm 1907, khách sạn du lịch đầu tiên của Đà Lạt đi vào hoạt động có tên Hotel du Lac - Khách sạn bên Hồ (hồ Xuân Hương), tới nay Đà Lạt trở thành thành phố du lịch hơn 100 tuổi. Và con người của Đà Lạt cũng bị cuốn vào dòng chảy của ngành du lịch như một tất yếu không thể khác.

Làng Gà - ngôi làng bây giờ là một địa chỉ trong bản đồ du lịch của "Đà Lạt city tour" - có nhiều khách du lịch nước ngoài tới đây. Họ thích thú với bức tượng Con Gà bằng bêtông cao 3,2m, nặng 8 tấn, được làm theo ý tưởng của KTS Ngô Viết Thụ năm 1978-1979. Họ hiếu kỳ nhìn những thiếu nữ K'Ho ngồi dệt thổ cẩm bằng tay, chăm chú xem từng tấm thổ cẩm hoàn chỉnh trong sự thán phục. Nhưng, khi họ có ý muốn chụp ảnh mấy em bé K'Ho, bọn trẻ cứ tránh mỗi khi ống kính hướng tới, lát sau một đứa dạn dĩ nói bằng tiếng Anh: "Give me money", thì ra chúng đòi tiền mới cho chụp ảnh(!?). Và rồi chính tôi móc túi lấy vài nghìn đưa cho chúng khỏi đòi, để đỡ ngượng với mấy khách nước ngoài cùng đi.

Đến làng của người Lát ở dưới chân núi Lang Biang, gặp một bà già có gương mặt rất đặc trưng của người Lát, vừa định giơ máy chụp thì bà chìa tay ra, tôi hiểu bà cần gì, lại móc túi... rồi sau đó tha hồ chụp. Chưa kể có một lũ trẻ con người Lát, quàng một chùm túi, ví tay bằng thổ cẩm, lẵng nhẵng theo sau, có khi sấn cả vào người khách, chào mời mua hàng bằng cả 2 thứ tiếng Pháp - Anh. Khách muốn đi không được, dứt ra không xong, đành mua đại một thứ gì để tự giải thoát khỏi đám trẻ.

Còn ở các khu danh thắng hay các địa chỉ tham quan du lịch, xe vừa tới đổ khách xuống là có một đoàn quân đông đảo người bán hàng lưu niệm vây lấy, níu kéo mời mua hàng, khách nhiều người khó chịu ra mặt. Nhưng cũng rất lạ, chẳng thấy bóng dáng ai trong ban quản lý các nơi đó ra giữ trật tự, hay ở đó có quy định về việc buôn bán hàng.

Đà Lạt là thành phố du lịch, khách đến là để thư dãn nghỉ ngơi, tham quan danh thắng... không phải để làm việc, nên ở Đà Lạt những dịch vụ về thông tin hình như không được quan tâm. Tôi đi khắp mấy vòng thành phố, số nhà sách đếm được chưa đầy một bàn tay, sạp báo hiếm vô cùng, có vài người bán báo dạo ở chợ Đà Lạt với cái giá gần gấp đôi giá gốc, mà báo cũng chỉ vài tờ, không có quyền lựa chọn. Còn mấy thứ "công nghệ cao" thì cực hiếm, cả một dãy phố trung tâm hàng chục quán café sang trọng, duy nhất một quán Why not - Tại sao không là có wifi, còn Internet có vài quán chỉ để chơi game, không cắm USB để chuyển thông tin đi đâu được.

Rời Đà Lạt, trong tôi cứ luôn nghĩ, phải chăng du lịch thời hội nhập làm thay đổi tất cả, kể cả sự thuần phác của con người? Hay ngành du lịch của Việt Nam vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp như một ngành công nghiệp không khói, chưa có chiến lược phát triển đồng bộ để có được văn hoá du lịch Việt Nam.

Việt Văn / Lao Động