itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Hòa Bình - Âm vang xứ Mường

Hòa Bình - Âm vang xứ Mường

Diễn ra từ ngày 14 đến 17/12/2007 do UBND tỉnh Hòa Bình và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.

Hòa Bình - vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, cái nôi của nền văn hóa Mường nổi tiếng, với những áng sử thi bất hủ: Đẻ đất đẻ nước… được chọn là nơi đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa Mường toàn quốc lần thứ nhất.

Ngày hội thu hút các đoàn cán bộ, nghệ nhân, diễn viên văn hóa nghệ thuật từ các tỉnh miền núi phía Bắc có đồng bào Mường như Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa… xa hơn là Đăk Lăk.

Chiều và đêm trước ngày khai hội, Thành phố Hòa Bình rợp cờ hoa, lung linh ánh điện với Lễ dâng hương tượng đài Bác Hồ trên đồi cao bên công trình thủy điện sông Đà; khai mạc Hội chợ thương mại, Đêm hội rượu cần…

Ngày khai hội càng trang trọng, sống động hơn bởi sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể trung ương và các tỉnh bạn xuất hiện trên lễ đài tại sân vận động thành phố.

Tiếng cồng khai hội của đồng chí Nguyễn Phú Trọng âm vang, hùng tráng, khởi nguồn cho các đoàn diễu hành đến từ các địa phương bạn… Và cảm xúc như trào dâng khi màn biểu diễn “Âm vang xứ Mường” bắt đầu. Màn biểu diễn dẫn dắt người xem thấy được cả một quá trình hình thành và phát triển của đồng bào Mường cũng như nền văn hóa đặc sắc. Văn hóa Mường rực rỡ trong nền văn hóa của 54 dân tộc anh em trên mảnh đất Việt giàu truyền thống, tái hiện lại những truyền thuyết, sử thi mãi trường tồn trong cuộc đấu tranh sinh tồn của người Mường thời khai thiên lập địa cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay. Âm vang xứ Mường còn tái hiện lại những phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc Mường như một điểm son trong thể thống nhất văn hóa Việt Nam.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mường không chỉ minh chứng thêm cho đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa: “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế - xã hội” mà còn trở thành ngày hội lớn tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa Mường; đồng thời tăng cường tình đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Sau buổi khai hội, nhiều hoạt động diễn ra như: Hội thảo bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong thời kỳ đổi mới - Hội nhập của đất nước, Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Cuộc thi người đẹp xứ Mường…

Dấu ấn của Ngày hội văn hóa Mường lần thứ nhất tổ chức ở Hòa Bình chắc chắn sẽ trở thành tiền đề cho những ngày hội văn hóa của các dân tộc khác, ở những vùng, miền khác trên cả nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc anh em cũng như bè bạn quốc tế trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam.

Theo Báo Thương Mại