itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới

Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới

Người dân tham quan khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long chiều 1-8 - Ảnh: Việt Dũng

Sáng 1-8, lúc 6g30 (giờ VN), khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản thế giới, trở thành di sản thế giới thứ 10 của Việt Nam và thứ 900 của thế giới. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, cục phó Cục Di sản, từ Brazil vui mừng báo về.

Theo tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, dù tại phiên họp trước đó cơ quan tư vấn ICOMOS (Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ - tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản của UNESCO - Tổ chức Văn hóa khoa học giáo dục của Liên Hiệp Quốc) vẫn đưa ra khuyến cáo hoãn xem xét việc công nhận di sản Hoàng thành Thăng Long của VN đến năm sau.

Nhưng với quyết tâm của VN - cam kết vững chắc bảo vệ di sản và nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của ICOMOS - cùng với những chứng minh khoa học về giá trị duy nhất của di tích này, Hoàng thành Thăng Long cuối cùng đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới.

Đây là danh hiệu cao quý nhất trong hệ thống danh hiệu của UNESCO.

Trước đó, VN mới chỉ có ba di sản văn hóa được công nhận danh hiệu này là kinh thành Huế (1993), đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn (1999). Bên cạnh đó là hai di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng), bốn di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh và ca trù).

Những giá trị toàn cầu của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi nhận bởi ba đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng phong phú.

Niềm vui từ di sản được công nhận cùng lúc đặt ra câu hỏi về hành động bảo tồn, phát huy giá trị di sản... danh hiệu”, Tuổi Trẻ trao đổi với các nhân vật có thẩm quyền liên quan:

* Ông Trần Chiến Thắng (thứ trưởng Bộ VH-TT&DL):

Sẽ có chương trình hành động để phát huy giá trị di sản

* Thưa ông, Bộ VH-TT&DL đã có kế hoạch gì để phát huy giá trị di sản sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới?

- Kế hoạch chính thức đang xây dựng và sẽ công bố sau khi đoàn VN trở về từ Brasilia (thủ đô của Brazil). Nhưng về cơ bản, những kế hoạch này đã nằm ở phần cam kết của VN trong hồ sơ trình UNESCO để được công nhận di sản. Bộ VH-TT&DL sẽ có chương trình hành động để phát huy giá trị di sản, trong đó nội dung chính là khoanh vùng bảo vệ di sản, nghiên cứu khoa học, có kế hoạch trưng bày di sản có hệ thống và tuyên truyền sâu rộng trong xã hội về giá trị của di sản này.

* Được biết chỉ một ngày trước phiên họp cuối cùng bỏ phiếu công nhận di sản, ICOMOS còn đề nghị hoãn xem xét công nhận di sản của chúng ta. Liệu có phải họ lo ngại chúng ta khó thực hiện được những cam kết về việc hạn chế tác động môi trường đến di sản?

- Trong cam kết của VN về kế hoạch bảo vệ di sản, VN đã cam kết sẽ quản lý trật tự xây dựng trong toàn bộ khu vực hoàng thành (bao gồm khu vực khai quật khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu vực thành cổ, trong đó có Bắc môn, Đoan môn, Hậu lâu, cột cờ). Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội cũng đã có cam kết quản lý chặt chẽ tất cả hoạt động xây dựng trong khu vực này. Theo tôi, chính vì thế mà chúng ta đã vượt qua và được công nhận. Nhưng về lâu dài, tác động của môi trường và đặc biệt là các hoạt động xây dựng với khu vực hoàng thành vẫn cần thiết phải được nghiên cứu và quản lý rất chặt chẽ.

* ông Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ):

Phải quy hoạch chi tiết khu vực nghiên cứu và bảo vệ

* Thưa ông, với khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trước mắt và lâu dài, chúng ta cần phải làm gì để nó xứng đáng thật sự với danh hiệu di sản văn hóa thế giới?

- Tôi chỉ có thể nói về góc độ chuyên môn của tôi là tiếp tục nghiên cứu và càng phải thận trọng, chắc chắn hơn; tiếp tục các cuộc khai quật thăm dò khảo cổ; tiếp tục việc nghiên cứu khoa học về tác động của môi trường đến di sản. Việc tiếp theo cực kỳ quan trọng là quy hoạch chi tiết khu vực nghiên cứu và bảo vệ. Sở dĩ tôi nói quy hoạch chi tiết là vì quy hoạch tổng thể đã có rồi, ngay trong hồ sơ trình UNESCO. Thứ ba là phải có ngay quy chế cho riêng việc bảo vệ di sản ở vùng lõi và vùng đệm của di tích đặc biệt này.

* Kế hoạch cụ thể gần nhất của các nhà khảo cổ trong khu vực di sản vừa được công nhận này là gì, thưa ông?

- Năm 2010 không thể tiến hành khai quật được vì vướng các ngày đại lễ. Theo kế hoạch, khoảng giữa năm 2011, Viện Khảo cổ sẽ khai quật thăm dò ở khu vực nằm trên trục tâm linh, phía bên khu vực thành cổ. Trục tâm linh là trục nối Bắc môn - điện Kính Thiên - cột cờ. Chắc chắn sẽ có nhiều phát hiện khảo cổ học rất thú vị, bổ sung những giá trị rực rỡ của Hoàng thành Thăng Long.

THU HÀ thực hiện (Tuổi Trẻ)

 

Giáo sư sử học Phan Huy Lê:

Trưng bày nhưng vẫn bảo vệ được di tích

Ngày 1-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Phan Huy Lê cho rằng phương án bảo tồn lâu dài Hoàng thành Thăng Long là một việc cần có sự thống nhất và nghiên cứu kỹ lưỡng. Ông nói:

- Hiện nay, Viện Khoa học xã hội VN đang khẩn trương thực hiện hai dự án được thành phố Hà Nội đồng ý. Một là chúng ta tổ chức trong thành cổ Hà Nội ba nhà trưng bày các di vật tiêu biểu khu Hoàng thành Thăng Long. Một khu trưng bày có tính chất bảo tàng với sự hỗ trợ bởi các chuyên gia Pháp về trưng bày, kỹ thuật. Khu trưng bày này đang làm và sắp hoàn thành với 56 hiện vật tiêu biểu nhất. Hai là hai nhà cạnh thềm điện Kính Thiên sẽ trưng bày hai chuyên đề: các kiến trúc cung đình và các di tích đời sống cung đình với khoảng 700 hiện vật. Như vậy, việc trưng bày và mở cửa khu thành cổ Hà Nội không khó.

Nhưng cái khó nhất là khu khảo cổ học. Đây là khu di tích ta phải bảo tồn nguyên trạng. Nó là cả một di tích xếp tầng 13 thế kỷ liên tục, đều là các phế tích mà nhìn bằng mắt thường nhiều khi không thấy hết giá trị. Nên cần phải trưng bày như thế nào đó để vẫn bảo vệ được di tích, quan trọng hơn là khách tham quan vừa được nhìn tận mắt di tích được bảo tồn nguyên trạng vừa hiểu được giá trị của nó. Tức là phải kèm theo những thuyết minh, bản vẽ, công nghệ 3D... Và trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long, hai hạng mục này bắt buộc phải mở cửa. Đó là yêu cầu của UNESCO.

Đồng thời chúng ta cũng phải thực hiện một số khuyến nghị của UNESCO về việc bảo tồn tính nguyên gốc của di sản. Có rất nhiều vấn đề như di sản khảo cổ vốn nằm trong lòng đất hàng trăm năm, bây giờ chúng ta phải giữ chúng thế nào trong môi trường không khí. Từ trước tới nay chúng ta chỉ mới làm được bảo tồn khẩn cấp, nghĩa là căng mái che, lắp máy hút nước hay lau chùi...

Nhưng đó không thể là công việc lâu dài. Hiện nay Nhật Bản đã hỗ trợ chúng ta lắp máy quan trắc khí tượng phía trên và trong lòng đất để đo chính xác độ ẩm, lượng nước... Chúng ta phải có đầy đủ thông số kỹ thuật mới có thể đưa ra một giải pháp bảo tồn hợp lý được.

Một số khuyến nghị của ICOMOS chúng ta cũng phải từng bước hiện thực hóa. Ví dụ như hoàn trả toàn bộ đất ở đây cho di sản. Nhưng khó hơn là phải đẩy mạnh hơn nữa khai quật nghiên cứu khảo cổ học, việc quản lý có hiệu quả...

HÀ HƯƠNG ghi

Hoàng thành Thăng Long là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống kinh đô của VN. Thành Thăng Long mới đầu có tên là Đại La được đắp vào năm 866. Tên Thăng Long ra đời sau khi vua Lý Thái Tổ tuyên chiếu dời đô chuyển kinh thành từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La năm 1010. Kinh thành Thăng Long được xây theo mô hình “tam trung thành quách” gồm: La thành (vòng ngoài cùng), Hoàng thành (vòng thành thứ hai) và lớp trong cùng là Tử Cấm thành. Khu quần thể di tích này thật sự trở thành một trung tâm quyền lực chính trị dưới thời Lý, Trần, Lê. Dưới thời nhà Nguyễn, Hoàng thành Thăng Long được gọi là thành Hà Nội. Hoàng thành Thăng Long là một chứng nhân hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt. Dưới lớp đất của nó chôn giấu tất cả thăng trầm của chiều dài 13 thế kỷ.

Sau thời gian dài bị phá hủy, vùi lấp... khu di tích Hoàng thành Thăng Long được phát lộ vào năm 2002 khi các nhà khảo cổ học tiến hành khảo sát địa tầng để chuẩn bị xây hội trường Ba Đình. Hàng triệu hiện vật được khai quật cho phép hình dung về quy mô và diện mạo của hoàng thành cùng đời sống trong cung đình của tầng lớp vua quan và quý tộc xưa. Hiện nay, khu di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn còn lưu giữ được những di tích tiêu biểu: khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, cột cờ Hà Nội, Đoan môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu lâu, cửa Bắc...

HÀ HƯƠNG tổng hợp

Các di sản thế giới mới:

39 di sản đề cử được xem xét trong năm nay bao gồm 8 di sản thiên nhiên, 29 di sản văn hóa và 2 di sản hỗn hợp. Cùng với Hoàng thành Thăng Long của VN, các di sản khác trên thế giới đã được công nhận cùng đợt gồm:

- Khu di tích Đăng Phong (Trung Quốc)

- Khu khảo cổ Sarazm (Tajikistan)

- Thành phố Albi (Pháp)

- Hệ thống kênh đào ở Singelgracht (Hà Lan)

- Hệ thống quản lý nước cổ Harz Water (Đức)

- Thị trấn Roros (Na Uy)

- Khu At Turaif ở ad-Dir’iyah (Saudi Arabia)

- Các khu kết án thời thuộc địa Anh (Úc)

- Khu vực đài thiên văn Jantar Mantar ở Jaipur (Ấn Độ)

- Khu Sheikh Safi al-Din Khanegãh (Iran)

- Khu chợ cổ Tabriz (Iran)

- Khu đảo Bikini (quần đảo Marshall)

- Khu làng cổ Hahoe và Yangdong (Hàn Quốc)

- Khu cao nguyên miền trung Sri Lanka

- Đảo Papahãnaumokuã-kea (Hawaii, Mỹ)

- Khu bảo tồn Ngorongoro (Tanzania)...

TR.PHƯƠNG (Theo Unesco.org)