itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Làng hoạ sĩ

Làng hoạ sĩ

Hoạ sĩ Hoàng Việt (bên phải) trong

phòng khách nhà mình.

Làng Cổ Đô, thụôc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Tây đã từ lâu được gọi là "Làng họa sĩ ".

Những người lớp trước

Người dân của Cổ Đô đều khẳng định người đầu tiên gieo mầm hạt giống đam mê hội hoạ là hoạ sĩ Sĩ Tốt. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, có tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật VN. Nghỉ hưu ở nhà, ông dạy con cháu. Từ đó, nảy sinh thế hệ vẽ mới của làng đó là Trần Hoà, Giang Thích, Sao Mai, Hoàng Việt...

Họ trở thành những hoạ sĩ chuyên nghiệp, sau đó trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bốn năm nay, tranh của các hoạ sĩ trong làng được xuất khẩu ra nước ngoài. Rồi họ lại truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ kế tiếp. Lớp trẻ tham gia vào việc học và vẽ ngày càng đông từ sự thành công của những người đi trước.

Cổ Đô là một ngôi làng thuần nông. Người dân hiền hoà, tình nghĩa. Nhiều người cứ buông tay cày tay cuốc là cầm cọ vẽ. Họ không chỉ vẽ phong cảnh ở quanh làng mà còn đi đến những làng quê khác để có cảm hứng sáng tác. Làng có Câu lạc bộ Mỹ thuật, gồm 30 hoạ sĩ, họ tập hợp lại để trao đổi kinh nghiệm, phát triển phong trào dạy học cho trẻ em và những người tàn tật nếu có nguyện vọng tham gia.

Hoạ sĩ Trần Hoà, Hoàng Việt còn có ý tưởng xây dựng Cổ Đô thành một làng tranh, chuyên vẽ tranh xuất khẩu. Dù rất khó thực hiện được điều đó, nhưng ít nhất hiện tại, họ cũng đã tạo cho người dân, trẻ em nơi đây tham gia vào một sân chơi bổ ích, lý thú.

Những khóa đào tạo độc đáo

Chúng tôi đến thăm nhà hoạ sĩ Hoàng Việt, khi anh còn đang tất bật với mùa cưới, với máy ảnh, máy quay, loa đài. Dù công việc dạy ở Trường THCS Cổ Đô đã rất bận rộn, nhưng anh còn thường xuyên tổ chức các lớp học, dạy vẽ tại nhà cho những người tàn tật, cho các em học sinh.

Ban đầu, nhờ sự giúp đỡ của Trường Đào tạo nghề Trung ương 1, hoạ sĩ Hoàng Việt, Trần Hoà và một số người khác đã lập ra 1 lớp gần 100 người. Tất cả những người học đều được miễn học phí. Học viên nhiều tuổi nhất là anh thương binh Nguyễn Quốc Thái (50 tuổi), ít tuổi nhất là em Hoài Thương (học sinh lớp 2). Những người thầy luôn tận tụy, giúp đỡ để hướng nghiệp cho các học viên, trước hết là để họ có một "công cụ" tiếp xúc với cuộc sống. Ai có điều kiện thì học lên cao, thành hoạ sĩ, không thì có thể vẽ tranh truyền thần, kẻ vẽ quảng cáo...

Lớp học thường diễn ra ở sân, bờ ao nhà anh Việt. Lại có những buổi học được bày ra ở chân đê, ngoài cánh đồng. Những bức tranh tả cảnh làng quê, con vật rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh... Kết quả là nhiều em nhỏ đoạt giải tranh thiếu nhi. Con gái hoạ sĩ Hoàng Việt mới 8 tuổi cũng đoạt giải trong cuộc thi tranh thiếu nhi của tỉnh Hà Tây. Nhiều học viên đã đỗ đạt vào các trường ĐH, cao đẳng, trở thành những giáo viên dạy vẽ giỏi, sống đàng hoàng bằng nghề.

Trên gian phòng lớn của nhà hoạ sĩ Hoàng Việt treo nhiều bức tranh của các em nhỏ, tất cả đều tươi rói màu sắc, cảm xúc và tình yêu thương của trẻ em với quê hương mình. Chỉ một ngôi làng nhỏ mà có đến 30 người là Hội viên Hội Mỹ Thuật (từ trung ương đến tỉnh), và vài trăm người khác tham gia vẽ tranh.

Diên Khánh (Theo Lao Động)