itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Một lần ghé “thủ phủ cà phê”

Một lần ghé “thủ phủ cà phê”

Nhân dịp Quốc khánh 2/9, Ban lãnh đạo Công ty CP ĐT & CN Tân Tạo, Công ty CP ĐT Tân Đức phối hợp cùng Công đoàn Công ty tổ chức cho CB – CNV nghỉ lễ bằng tour du lịch 3 ngày 2 đêm tham quan “thủ phủ cà phê” – thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Tên "Đắk Lắk" nguyên là chữ "Dak Lak" theo thổ ngữ của sắc tộc M'nông. "Dak" có nghĩa là nước, "Lak" là "hồ nước", quân Pháp đổi thành "Darlac" trong thời gian chiếm đóng vùng này. Năm 1995, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại 3, và đến năm 2005 là đô thị loại 2. Buôn Ma Thuột ở giữa vùng đông dân nhất Tây Nguyên, độ cao 536 m. Quốc lộ 14 nối về phía bắc đi Pleiku (195 km), đi Kon Tum (244 km), nối với Đà Nẵng, về phía nam đi ĐăkNông, Bình Phước, Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh (350 km). Quốc lộ 26 đi Ninh Hòa, Nha Trang (198 km). Quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km).

Những điểm tham quan của tour du lịch gồm: thác Draysap – thác sương khói; buôn Đôn với mộ vua voi, nhà sàn cổ, cho du khách cảm giác được lắc trên cầu treo, trên lưng voi, thưởng thức đặc sản gà nướng Bản Đôn, rượu Amakông…; đi thuyền độc mộc trên hồ Lăk, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Êđê, M’nông…

1. Thủ phủ cà phê

Người dân thường quen gọi tên tỉnh này là Buôn Mê Thuột hơn là Daklak. Theo truyền tụng, Buôn Mê Thuột trước có tên là "Buôn Ma Thuốt", thổ ngữ của sắc tộc Rhadé. "Buôn" là làng, ấp. "Ma" là cha. "Thuốt" là tên con của vị tù trưởng Êdê, ngày xưa đã lãnh đạo dân chúng chống lại những người Cam Bốt và Ai Lao thường tràn qua biên giới cướp phá. Vì vậy, "Buôn Ma Thuốt" được đặt tên để tưởng nhớ vị tù trưởng anh hùng tên Thuốt.

Ngã 6 Ban Mê

Ở Đắk Lắk hiện nay, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa như việc mời đi uống cà phê đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của vùng này. Tuy cây cà phê đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk chỉ từ những năm sau 1930 trong đồn điền của những nhà tư bản Pháp. Nhưng do vùng đất đất đỏ bazal này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê nên việc phát triển diện tích trồng ở đây đã tăng lên.

Hiện tại, theo số liệu thống kê, Đắk Lắk có đến hơn 175.000 ha cà phê (thực tế có đến trên 200.000 ha vì một số diện tích không được tính do không trong quy hoạch). Đắk Lắk cũng chính là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê. Ở Đắk Lắk, gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất. Chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như "thủ phủ cà phê".

2. Thác Đray Sáp

Đây là một thác nước trên dòng sông Serepôk. Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng; cách đó không xa là thác Đray Nu (hay thác Vợ) thuộc địa phận tỉnh Đăk Lăk. Thác Đray Sáp thuộc xã Nam Hà, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, và cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 30 km về hướng Nam.

Theo tiếng Êđê, Dray Sap có nghĩa là "thác khói" (dray: thác, sap: khói), bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là như màu sương khói. Vào mùa xuân thác cao 12 m, rộng 120 m, và vào mùa khô thác cao 8 m, rộng 80 m.

Dray Sap có nghĩa là "thác khói" (dray: thác, sap: khói)

Theo truyền thuyết, ngày xưa có một thiếu nữ Êđê xinh đẹp tên là H’Mi. Nhiều chàng trai giàu có từ khắp các buôn làng M’Nông, Êđê đến đây cầu hôn nhưng bị nàng cự tuyệt bởi lẽ nàng đã thầm yêu trộm nhớ một chàng trai hiền lành nhưng nghèo khổ cùng ở chung buôn với nàng. Một hôm, nàng cùng người yêu đi ra rừng ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn. Đột nhiên có một con quái vật từ đâu xuất hiện, đầu nó to như quả núi, mắt đỏ như lửa. Từ trên cao, con quái vật lao xuống dùng chiếc miệng ngậm nước sông rồi quật mạnh lên tạo thành cột nước khổng lồ quét đi về phía hai người. Chàng trai bị bắn văng ra xa rồi ngất đi. Đến khi tỉnh dậy mới hay người yêu đã bị con quái vật bắt mang đi mất. Chàng vô cùng đau khổ, sau đó hóa thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá. Toàn thân phát ra những tiếng kêu than vãn, nhung nhớ, đau thương. Chỗ chàng trai bây giờ là rừng cây bên bờ đá của dòng thác. Còn chỗ con quái vật lao xuống đã trở thành thác nước ngày nay.

Đray Sáp là một hệ thống gồm ba thác ngoạn mục. Dòng sông Serepôk từ thượng nguồn đổ xuống tới đây lại chia làm ba tầng. Trước đây du khách thường chỉ đến thác đầu tiên sau khi xuống được các bậc cấp đá. Vào mùa mưa nước đổ dữ dội, bụi nước bắn tung lên lan rộng cả một vùng đến ngàn mét vuông. Ngoài Đray Sáp, còn có hai thác nữa nằm bên kia dòng đổ của thác chính. Khi qua khỏi cầu giăng, du khách sẽ đến một vùng đất cao thoáng đãng. Đây là một ốc đảo nằm giữa hai dòng thác của hệ thống Đray Sáp. Đó là thác Đray Nu, cao chừng 12 m, gồm hai dòng nước đổ giữa cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng giữa chốn đại ngàn.

Cách thác Đray Nu chừng 100 m là thác Lớn, cũng thuộc hệ thống Đray Sáp. Thác này cũng có độ cao 12 m nhưng rộng đến 140 m luôn tung bụi nước mịn như sương khói.

3. Buôn Đôn

Người Êđê và M'nông gọi là Buôn Đôn còn Bản Đôn là cách gọi của người Lào có nghĩa là "Làng Đảo", tức là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Serepôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa trên tuyến đường sông. Người Lào khi ấy, trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Ê Đê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú đầy bản sắc.

Hiện tại, Bản Đôn chính là cách gọi chung để chỉ hệ thống cụm du lịch của huyện Buôn Đôn gồm các khu du lịch thác Bảy Nhán, vườn Quốc gia Yok Đôn, khu du lịch Cầu treo, hồ Đak Min, vườn cảnh Trohbư...

Cầu treo buôn Đôn

Là một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch và cũng là tên một địa danh du lịch nổi tiếng của Bản Đôn.

Cầu treo buôn Đôn

Đây là một cây cầu du lịch được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắt trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Cây cầu dài chừng 1 km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây.

Khi đến đây, khách tham quan có thể đi trên cầu để hưởng cái cảm giác lắc lư theo nhịp chân hoặc nghỉ trên các sàn gỗ lơ lửng trên cây giữa dòng sông; thưởng thức món cơm lam, gà nướng Bản Đôn...

Mộ Vua Voi

Đây là khu lăng mộ của gia đình vua voi Khun Yu Nốp, một nhân vật lịch sử có đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn nổi tiếng về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Vua voi, hay Khun Yu Nốb, là danh hiệu vua Xiêm (Thái Lan) ban cho N' Thu K' Nul, người dân gốc được coi như người khai sinh ra Bản Đôn với nghề săn bắt thuần dưỡng voi. Trong đời ông đã bắt được và thuần dưỡng hơn 170 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng tặng vua Xiêm, danh hiệu Khun Yu Nốb tức vua voi chính là do vua Xiêm ban tặng. Ở Bản Đôn hiện còn hai di tích về ông còn rất nguyên vẹn là nhà sàn cổ và mộ vua voi.

Khu lăng mộ của vua voi Khun Yu Nốp

Gồm 2 lăng mộ xây gạch, lăng mộ của vua voi N'Thu K'Nul do R'leo K'Nul, người kế tục sự nghiệp, cho xây dựng. Mộ có kiến trúc M'nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản trên có trang trí hình búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ. Mộ của R'leo K'Nul, ở ngay bên cạnh, được xây dựng rất đẹp theo mô típ hình chóp nhọn của dân tộc Campuchia; mộ do chính vua Bảo Đại cho người sưu tầm kiểu dáng và xây dựng để cảm tạ về con voi trắng mà vua voi tặng cho ông và công xây dựng đội tượng binh. Do hai ngôi mộ liền kề nhau và kết hợp hài hòa như một nên chính là lý do vì sao người ta hay nhầm tưởng đây là một ngôi mộ duy nhất và mộ R' Leo mới là mộ vua voi Khun Yu Nốb.

Khu lăng mộ vua voi nằm trong quần thể nghĩa địa của buôn Yang Lành với những ngôi mộ được trang trí bằng tượng nhà mồ, một nét rất đặc trưng của văn hoá Tây Nguyên.

Nhà sàn cổ

Được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. Đây là nhà của một thợ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn và được mệnh danh là vua voi. Hiện tại ngôi nhà đã có đến trên 115 năm tuổi, được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn như Hương, Căm xe, Cà chít... Đặc biệt nhất là ngay cả mái ngói cũng được đẽo gọt công phu từng viên bằng tay từ gỗ Cà Chít.

Trong nhà còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi Bản Đôn và những người kế tục. Giá của ngôi nhà khi xây dựng là 10 con voi lớn và mất gần 3 năm để hoàn thành. Hiện tại Nhà sàn cổ ở Bản Đôn là một điểm tham quan du lịch quan trọng trong quần thể du lịch Bản Đôn.

Du khách lắc trên lưng voi

4. Hồ Lắk

Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) thuộc huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10 km trước khi vào thị trấn Lạc Thiện sẽ nhìn thấy hồ nằm bên tay phải. Còn không gian của khu rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk bao trùm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng.

Là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và cả Việt Nam, lớn hơn cả Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ. Hồ rộng trên 5km2 được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Người dân địa phương dùng thuyền độc mộc đi lại trên hồ.

Người dân địa phương dùng thuyền độc mộc đi lại trên hồ

Từ năm 1995, hồ Lắk và khu vực xung quanh được xác định là Khu rừng lịch sử văn hóa và môi trường Hồ Lắk với các chương trình bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, rừng núi cao Tây Nguyên và trảng cỏ cây bụi, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài đặc hữu và quý hiếm, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái... góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, bảo vệ rừng đầu nguồn để phòng hộ cho hồ Lắk và sông Krông Ana.

Bên hồ Lắk có buôn Jun và buôn M'Liêng, những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M'Nông. Ở đây còn lưu giữ được những nếp nhà dài truyền thống và một đàn voi hơn 10 con. Hai buôn này được tổ chức thành một điểm du lịch quan trọng ở Đăk Lăk. Du khách đến đây không chỉ thăm quan hồ Lắk mà còn thưởng thức những nét văn hóa Tây Nguyên như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, t'rưng, k'lông pút, đàn đá... Du khách còn được mời cưỡi voi hoặc thuyền độc mộc đi dạo trên hồ hoặc vượt qua hồ.

Ngôi nghà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Đại ngày xưa nằm cạnh hồ, trên đỉnh đồi sau lưng thị trấn Liên Sơn. Đây là nơi vua Bảo Đại thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên Đắk Lắk. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao có góc nhìn rất đẹp bao quát gần như trọn mặt nước của hồ Lắk được xây cùng năm với Chùa Khải Đoan và được đích thân Nam Phương Hoàng hậu chịu trách nhiệm quản lý việc đầu tư xây dựng.

5. Ẩm thực

Gà nướng Bản Đôn

Gà nướng Bản Đôn là một món ăn dân dã nay đã trở thành món đặc sản không thể không thưởng thức với du khách khi đến với Bản Đôn. Nó được chế biến từ gà nuôi thả vườn được nướng tay và không ướp bất cứ một gia vị gì. Khi ăn được chấm với muối sả và ớt.

Nhà dài truyền thống

Rượu A Ma Công

Được ngâm từ thang thuốc gồm độc nhất lá và thân, rễ cây Trơng, một loài cây mọc trong rừng sâu Buôn Đôn. Do nó có một công dụng rất tế nhị và được báo chí nhắc đến rất nhiều nên được nhiều người biết đến tìm mua như một đặc sản, một món quà quý mang đậm chất Bản Đôn.

Rượu lấy theo tên A Ma Công là một huyền thoại sống của vùng Bản Đôn. Đến năm 2007, ông khoảng 90 tuổi đang còn khỏe mạnh. Ông là cháu 3 đời của vua voi Khun Yu Nốb, bản thân ông cũng là một Gru kỳ cựu, trong đời đã săn được trên 100 con voi. Người Bản Đôn nói rằng với bài thuốc của mình năm 75 tuổi, A Ma Công vẫn rất cường tráng còn lấy thêm người vợ thứ tư và sinh được một con trai.

6. Cây Kơnia

Hay còn gọi là Cốc, Cầy, là một loài cây thân gỗ lớn, cao 15-30 m, đường kính 40-60 cm, tên khoa học là Irvingia malayana, thuộc họ Irvingiaceae. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa.

Cây Kơ nia

Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hoá trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét.

Ngã 6 Ban Mê là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, nằm trên giao điểm của quốc lộ 14 và quốc lộ 26 đi qua thành phố. Ở đây có Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột được coi như biểu tượng của thành phố cũng giống như Tháp Eiffel của Paris hay Tượng Nữ thần Tự do ở New York ./.

ITAEXPRESS