itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Mùa bông điên điển

Mùa bông điên điển

Trong những năm gần đây, bông điên điển được người dân nông thôn tuyển chọn vào “top” các loại rẫy đứng đầu về hiệu quả kinh tế cao khi được trồng vào mùa nước nổi.

Nhớ lại mùa lũ năm 2010, chúng tôi đến xã vùng trong Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú-An Giang) nghe nông dân Nguyễn Văn Khen tấm tắc khen: “Mần 20 công ruộng vậy chứ tính ra lời không bằng nghề trồng điên điển”. Mùa này trở lại, dọc theo tuyến Kênh 8 dẫn đến xã Thạnh Mỹ Tây, rồi Đào Hữu Cảnh, bông điên điển nở vàng rực trên các cánh đồng. Ở những vùng đê bao đã khép kín, thay vì đất trồng lúa 3 vụ thì có nhiều nông dân đã chuyển sang trồng điên điển. Có lẽ do ngày càng có nhiều người trồng nên giá bông điên điển mùa này không bằng mấy năm trước. “Mọi năm lợi nhuận rất cao. Năm nay giá bèo nhưng tính ra cũng còn lời hơn so với lúa!”.

Nông dân Nguyễn Văn Khá nói giọng chắc nịch. Có đất nằm ở mé sông cái bãi bồi lan rộng thuộc ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, hai anh Nguyễn Văn Khá và Lê Văn Được đã rủ nhau trồng điên điển với diện tích hơn 7 công. Bắt đầu từ tháng 4 âm lịch, khi nông dân lên nước chuẩn bị xuống giống lúa hè thu thì các anh cũng rục rịch tranh thủ gieo hạt trồng điên điển. “Nhờ vậy nên mình đỡ được khâu tưới nước”- anh Khá giải thích. Tiền giống mỗi ký giá 20.000 đồng, trên diện tích 7,2 công chỉ cần gieo khoảng 200gr giống tương đương với 4.000 đồng, cộng thêm chi phí lặt vặt đến hết vụ tính chung mỗi công chỉ tốn khoảng 370.000 đồng.

Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, mảnh ruộng trồng điên điển cho thu hoạch không dưới 80kg, với giá đầu vụ 50.000 đồng/kg cho thu nhập 400.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, mức thu này đã giảm nhiều (gần 50%) so với mong đợi của hai anh. Anh Lê Văn Được nói: “Mọi năm có thương lái đến tận chỗ thu gom. Bây giờ ai cũng trồng bông điên điển, thời điểm này cũng gần cuối vụ giá giảm chỉ còn 10.000 đồng/kg nên tụi tui phải vô bao để chở đến chợ Châu Đốc bán, không còn lời nhiều”. Song nghề trồng điên điển cũng có đặc điểm riêng của nó, cái lợi nhất là không cần phải chăm sóc, hay sử dụng phân bón gì nhiều; hơn nữa là càng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có thể gọi là “rau sạch” – loại thực phẩm rất được ưa chuộng hiện nay.

Ở một số nơi chưa có đê bao, trong suốt thời gian cây sinh trưởng, nhờ nguồn nước lũ thiên nhiên nên bà con thường không phải mất công vun tưới và chỉ chờ đến 4 tháng sau đã có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng rưỡi, cao điểm là vào 2 tháng đầu, mỗi ngày điên điển đều ra bông. Mà bông điên điển khi còn búp mới bán được giá cao, còn nếu bông đã nở thì chỉ bán được mỗi ký vài ngàn đồng. Thế nên, nghề này chỉ cực là ở chỗ đòi hỏi phải giỏi thức đêm. Để tranh thủ hái được bông búp, khoảng từ 22 giờ trở đi, cánh đồng Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh bắt đầu nhộn nhịp, nhà nào cũng có chiếc xuồng chèo ra sau đồng hái bông điên điển. Riêng miếng ruộng của anh Khá và anh Được thì đỡ vất vả hơn, mỗi người chỉ cần trang bị 1 cái đèn pin đội đầu, cùng với 1 cái bọc ni-lông vậy là có thể hành nghề tới sáng. “Để bà con ấm bụng làm việc suốt đêm, đầu hôm, tui thường nấu mì tôm hoặc hôm nào sang thì nấu nồi cháo cá lóc cho mọi người xúm nhau ăn rồi mới đi làm. Đến gần 4-5 giờ sáng, mua thêm cho mỗi người 1 gói xôi… Vậy đó mà vui, hàng chục nông dân ở đây có thu nhập đều đặn suốt mùa nước nổi khoảng 60.000 đồng/người/ngày”. Anh Được nói. Khoảng tháng 10 âm lịch, sau khi thu hoạch dứt điểm, người dân còn để cây điên điển kéo dài tuổi thọ thêm nửa tháng đợi cây cho trái chín tiếp tục hái và lấy hạt phơi để năm sau trồng tiếp. Riêng thân cây điên điển được đốn làm củi bán, giá bán mỗi thước 30.000 đồng.

Theo HỒNG TRANG (An Giang Online)