itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Nước Ruộng đổi thay

Nước Ruộng đổi thay

Chuyện rằng xưa kia, những người dân đất Mường trên đường đi khai phá đất đai đã phát hiện một thung lũng mang vẻ đẹp hoang vu. Họ thêm mừng rỡ khi thấy đất đai màu mỡ, tốt tươi, ruộng lại có nước nên quyết định dừng chân lập nghiệp, mưu sinh. Cái tên xóm Nước Ruộng cũng bắt nguồn từ đó.

Hành trình đến Nước Ruộng - xóm vùng 3 của xã Nam Thượng (Kim Bôi) vẫn còn khá gian truân bởi có nhiều đoạn không thể đi bằng xe máy. Đường tuy đã thông nhưng vẫn còn gồ ghề đất đá, xói lở, lại có đoạn núi dốc ngược. Tuy nhiên, chỉ riêng sự kiện thông đường cũng đã khiến cả xóm “nở mày nở mặt”. Nếu như trước kia, để ra trung tâm xã phải mất 6 giờ đi bộ thì nay thời gian rút lại chỉ còn chừng 1 tiếng đồng hồ đi xe máy.

Vẻ đẹp thung lũng Nước Ruộng hiện ra chinh phục khách ghé thăm, làm tan biến trong tôi cảm giác chênh vênh, e sợ bị văng khỏi xe máy suốt quãng đường dài và bàn chân đau rát vì đá cứa. Thấp thoáng bóng dáng những ngôi nhà sàn nằm yên bình bên hàng cau và khói bếp chiều lan tỏa.

Ông Bùi Văn Hoạch, Bí thư chi bộ xóm vừa dẫn chúng tôi đi thăm thú phong cảnh xóm làng, vừa giới thiệu về những đổi thay của người dân trong xóm. Với ông và những hộ dân nơi đây thì đổi thay đó ngoài nỗ lực của bản thân còn nhờ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiện tại, Nước Ruộng là xóm duy nhất của xã Nam Thượng được đầu tư chương trình 135. Ngoài ra, xóm cũng đựơc quan tâm đầu tư cứng hoá hệ thống mương bai phục vụ việc tưới tiêu theo chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Nét đẹp tục Ngả nón chào khách của người dân Nước Ruộng.

Người Nước Ruộng không chỉ chịu khó, cần cù, chăm chỉ mà còn nhạy bén trong tiếp thu cái mới. Trước đây, đời sống của 82 hộ trông chờ vào cây lúa với 14 ha lúa ruộng, một ít lúa nương và ít diện tích ngô trồng rải rác trên núi cao. Không thể cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói, bà con vượt núi, băng rừng đi tìm hiểu, học hỏi điều hay và nuôi chí làm giàu.

Với ưu thế về rừng, diện tích đồng cỏ hàng trăm ha, người dân đã chọn hướng phát triển nghề chăn nuôi gia súc. Cũng trên cánh đồng, mảnh ruộng ấy, nhờ ứng dụng KHKT vào sản xuất, thâm canh 100% giống mới, tận dụng diện tích, tưới tiêu, phân bón đảm bảo nên năng xuất cây lúa, cây ngô không còn bấp bênh như trước.

Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, tổng đàn trâu, bò của xóm đã phát triển lên 238 con, bình quân mỗi gia đình chăn nuôi 3 - 4 con. Bên cạnh đó còn có 20 hộ phát triển nghề nuôi dê bán chăn thả. Trong đó có những hộ mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi có hiệu quả có thể kể tên hàng chục hộ nuôi trâu, bò sinh sản với quy mô lớn như ông Bùi Văn Quyết, Bùi Văn Xiên, Bùi Văn Thành, Bùi Văn Thử...

Cùng với sự thông thương, giao lưu giữa các vùng, nghề chăn nuôi ở đây mang lại thu nhập ổn định. Bà con không phải lo lắng sản phẩm đầu ra vì đã có lái thương đến mua ngô, mua trâu... tận chỗ. Các hộ vui vẻ cho biết: Nước Ruộng lâu rồi không còn chờ nhà nước trợ cấp cứu đói giáp hạt nữa. Nhà nhà đầy ngô, sắn, lúa, đã tự túc lương thực được rồi. Con trâu, con bò tuy nhiều thế nhưng giống như là vốn tích luỹ ấy. Khi nhà có công, có việc thì bán đi một vài con. Ví như gia đình ông Bùi Văn Thành có tới 23 con bò, 4 con trâu. Khi đường vào xóm được thông, ông hồ hởi bán 2 con trâu để tậu xe máy đi cho bớt nhọc. Cần mẫn với nghề nông, không khuất phục đói nghèo, đời sống của người dân nơi thung lũng Nước Ruộng đã khá lên trông thấy. Thu nhập bình quân đầu người của xóm đã đạt xấp xỉ 5 triệu đồng /người /năm.

Đến với Nước Ruộng không chỉ chứng kiến những đổi thay mang màu no ấm. Đất và người nơi đây rất đằm thắm, mộc mạc, giàu lòng hiếu khách. Những phong tục tập quán đẹp của người Mường vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

Bùi Minh