itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Ấn tượng vị chua chát Sơn Tra Yên Bái

Ấn tượng vị chua chát Sơn Tra Yên Bái

Nếu bạn đã từng được thưởng thức quả Sơn Tra sẽ chẳng thể nào quên được những công dụng và hương vị đặc biệt của nó.

Ở Yên Bái, cây Sơn Tra thường sống ở những vùng núi cao phía tây của tỉnh tập trung nhiều ở ba huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn - nơi có nền nhiệt độ đặc biệt, mùa hè nóng và nắng ảnh hưởng của gió lào, mùa đông chịu ảnh hưởng của giá lạnh vùng cao - có lẽ vì phát triển trong điều kiện tự nhiên và sinh sống cùng đồng bào dân tộc Mông như vậy mà Sơn Tra còn được mang một tên nữa là: Táo Mèo và có những tính năng kỳ diệu trong y học cũng như trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Cây Sơn Tra phát triển tự nhiên trên những cánh rừng, chiều cao trung bình chừng 7 - 10m, thân gỗ, tán lá rộng, được phát triển mạnh nhờ sự phát tán của con người, súc vật và muông thú do vậy cây mọc không tập trung, có khoảng cách, mùa xuân là mùa ra hoa kết quả, từ tháng 9 đến tháng 12 là giai đoạn quả được thu hái.

Quả Sơn Tra khi xanh có màu xanh mơ nhạt, khi chín có màu vàng, ửng đỏ, có vị chua dịu, chát, ngọt nhẹ, mùi thơm đặc biệt quyến rũ, rất hấp dẫn người thưởng thức. Trong đông y, quả sơn tra có rất nhiều công dụng như chữa được nhiều bệnh: bệnh mạch vành, máu nhiễm mỡ, khó tiêu, trướng bụng, hạ huyết áp, dễ ngủ, giảm béo... còn trong đời sống hàng ngày, quả sơn tra luôn gần gũi, gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân bản địa.

Với những người khéo tay, quả sơn tra được chế biến ra nhiều loại thức quà rất có giá trị và dễ thưởng thức: xi rô, rượu, mứt, ô mai, muối xổi... chẳng thế mà đến Yên Bái mùa nào khách xa gần cũng có thể được tận hưởng những món quà này.

Đặc biệt ở quả Sơn Tra là người dùng có thể sử dụng một cách triệt để. Hạt và ruột được người mua rất quan tâm vì có nhiều tính năng như: giảm béo, hạ huyết áp, an thần nên được nhiều ngươi mua về ngâm rượu hoặc ngâm dấm.

Quả Sơn Tra sau khi được thu hái có thể bảo quản trong điều kiện tự nhiên rất dài ngày. Với xi rô sơn tra, cần gọt vỏ, bỏ ruột và hạt, rửa sạch, bổ dọc quả làm 4 hoặc 6, ngâm nước muối trong vài giờ cho ra bớt nhựa, vớt ra, để ráo, sau đó đem trộn với đường kính, để trong thời gian 1 tuần, Sơn Tra và đường kết hợp với nhau tạo ra một dung dịch vàng, sóng sánh như mật ong, có vị chua mát, ngọt thanh, không còn vị chát, mùi thơm nhẹ nhàng lan tỏa; nếu để dành dùng trong một thời gian ngắn thì đây quả là một loại nước dễ uống thơm ngon, giải nhiệt phù hợp với mọi lứa tuổi; nếu muốn để dành xi rô đến các mùa sau thì chỉ cần canh xi rô đến xôi, rồi bắc ra để nguội cho vào chai để lưu lại rất thoải mái không sợ nên men và biến dạng.

Với món ô mai, sau khi thu hái về rửa sạch, để cả vỏ để mùi thơm không bị mất giữ được hương vị riêng, cắt bỏ ruột, thái sơn tra theo chiều ngang, đem sấy khô rồi nấu với đường, rồi lại sấy khô, nếu muốn sơn tra có vị cay người ta thường xay gừng rồi nấu cùng sẽ được một món ô mai đặc biệt, vô cùng hấp dẫn thường dùng trong những tháng mùa đông và trong dịp tết Nguyên đán.

Quả Sơn Tra mà đem muối sổi với đường, muối và ớt thì quả là một món ngon tuyệt vời, vị cay, mặt, ngọt, giòn, thơm sẽ vương vấn mãi, chẳng thế mà vào những tháng chính vụ khắp thành phố Yên Bái các hàng quán đều có món này phục vụ khách hàng yêu thích Sơn Tra.

Hãy đến với Yên Bái trong 4 mùa, bạn sẽ không uổng khi được gặp trái Sơn Tra trong muôn vẻ của nó tại Yên Bái.

Theo Báo Yên Bái