itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Nhà thờ gỗ Kon Tum - tiếng chuông giữa đại ngàn

Nhà thờ gỗ Kon Tum - tiếng chuông giữa đại ngàn

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Giữa miền Tây Nguyên nắng gió với bầu trời xanh thẳm, giữa âm vang núi rừng, bỗng vang lên tiếng chuông nhà thờ - tiếng chuông gợi trong lòng khách lãng du bao nỗi nhớ về mảnh đất Kon Tum, về một không gian thâm trầm, thánh thiện của ngôi Nhà thờ gỗ "có một không hai" tại Việt Nam.

Đón du khách bằng những con đường uốn lượn mù sương vào sáng sớm nhưng lại chói chang vào giữa trưa, nằm bên dòng Đắk Blah trong xanh, thơ mộng, thấp thoáng dưới chân dãy núi Ngọc Lĩnh hùng vĩ, thị xã Kon Tum hiện lên hồn nhiên và mạnh mẽ như chính cái chất vốn có của người Tây Nguyên.

Những nét đẹp và câu chuyện về phố núi bên dòng Đắk Blah còn đó như món quà bất ngờ giành cho ai một lần ghé qua Kon Tum. Nơi đây sở hữu một "báu vật" được xem là di tích cổ và đẹp nhất với kiến trúc độc đáo có tuổi đời gần trăm năm – nhà thờ Chánh tòa Kon Tum có tên gọi gần gũi hơn là Nhà thờ gỗ, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của những người con Tây Nguyên.

Ngay từ xa, du khách có thể nhìn thấy tháp chuông nhà thờ với màu nâu ấm áp nổi bật trên nền trời xanh trong của cao nguyên. Qua những con đường nhỏ giữa lòng thị xã, tản bộ trên đường Nguyễn Huệ, du khách bước vào giáo đường thênh thang và cảm giác đầu tiên là thấy mình thật nhỏ bé bên hàng cột gỗ hai người ôm không xuể giờ đã ngả màu đen bóng.

Nhà thờ gỗ do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, hoàn thành năm 1918, tọa lạc giữa trung tâm thị xã Kon Tum. Công trình này được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây theo phương pháp thủ công với kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana, là sự giao thoa giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.

Trần và tường nhà thờ được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung. Thế nhưng, thật đáng khâm phục là gần một thế kỷ trôi qua, thánh đường vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự xuống cấp. Đó là chưa kể những dãy ghế gỗ sắp thẳng tăm tắp bên trong cũng góp phần tạo chiều sâu cho không gian thêm trang nghiêm, mang đến cảm giác an bình cho du khách khi dừng chân cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính bao quanh.

Kiến trúc nhà thờ gỗ được kết hợp giữa
phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana

Đến với nhà thờ, du khách được chiêm ngưỡng bề dày của nền văn hóa Tây Nguyên được tái hiện qua khu hoa viên với nhà rông cao vút, điểm xuyết bởi những bức tượng làm bằng rễ cây, hoa văn nghệ thuật chạm trổ độc đáo tạo nét trang nghiêm, huyền bí nhưng hết sức gần gũi pha lẫn đường nét phóng khoáng trên cung thánh nhà thờ, trên hệ thống gỗ và rui mè... mang đậm bản sắc văn hóa cũng như chất đại ngàn của người Tây Nguyên, hồn hậu và khỏe khoắn.

Được xây chủ yếu bằng gỗ cà chít, nhà thờ là một công trình khép kín gồm thánh đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông. Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong Kinh thánh, có tác dụng lấy ánh sáng và tạo thêm vẻ tráng lệ cho thánh đường. Nhà thờ gỗ Kon Tum chinh phục lòng bao người không chỉ vì bố cục của nó được sắp xếp hài hòa, kiến trúc của nó lộng lẫy mà cái đẹp nơi đây được tôn thêm nhiều bởi nhà thờ luôn biết nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc để giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều mảnh đời không may mắn. Khuôn viên nhà thờ luôn mở rộng cửa đón khách tham quan. Được uống rượu trái cây do các nữ tu chưng cất và nhìn ngắm những em gái người dân tộc ngồi dệt thổ cẩm cũng là kỷ niệm khó quên về thị xã êm đềm này.

Giữa miền Tây Nguyên nắng gió với bầu trời xanh thẳm, giữa âm vang núi rừng, bỗng vang lên tiếng chuông nhà thờ - tiếng chuông gợi trong lòng khách lãng du bao nỗi nhớ về mảnh đất Kon Tum, về một không gian thâm trầm, thánh thiện của ngôi Nhà thờ gỗ "có một không hai" tại Việt Nam.

Đại ngàn giờ đã lùi rất xa, màu áo thổ cẩm cũng không còn thấy giữa phố núi. Nhưng tiếng chuông giáo đường vẫn vang vọng ngày ngày, cho đến khi nào con người còn cần những chốn thiêng./.

ItaExpress (tổng hợp)