itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Suối cá thần

Suối cá thần

Cách TP. Thanh Hóa khoảng 100km về hướng tây, theo QL 217 quathành cổ nhà Hồ rêu phong được xây dựng cách đây gần 500 năm, du khách sẽ đến huyện Cẩm Thủy vùng trung du miền núi và cũng là vùng đất hiếu học của người xứ Thanh với rất nhiều người đỗ đạt giúp dân cứu nước qua các thời kỳ lịch sử. Không những vậy, Cẩm Thủy còn có một hiện tượng rất kì thú của thiên nhiên đã tồn tại ngàn đời nay, đó là suối cá diệu kì ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương mà người dân ở đây thường gọi là “suối cá thần”.

Muốn đến nơi này phải vượt qua con sông Mã, mùa cạn thì êm đềm thơ mộng, cung cấp phù sa cho hai bên bờ nhưng mùa lũ thì dòng chảy vô cùng hung hãn và tiềm ẩn trong đó nhiều mối nguy hiểm. Cách đây 3 năm, khách thập phương muốn về Lương Ngọc để tận mắt xem suối cá thiên nhiên kỳ lạ đó phải đi đò qua sông rồi ngồi xe thồ khoảng 3km mới đến nơi. Nhưng từ tháng 9-2005, một cây cầu treo lớn đã được xây dựng và xe du lịch 16 chỗ có thể vào đến tận hạ nguồn con suối huyền bí đó.

Nằm giữa bốn bề núi đá vôi sừng sững hùng vĩ, suối cá thần với màu nước trong xanh cùng hàng chục ngàn con cá không biết có từ bao giờ nối đuôi nhau thành từng hàng đen kịt cùng bơi về miệng hang đá có nguồn nước xanh biếc đổ ra ngoài từ trong lòng núi. Cá ở đây rất lạ, chỉ sống được ở dòng suối và hang đá này, lại nhiều vô kể, đến mức người lớn tuổi nhất ở đây cũng không thể biết đàn cá có bao nhiêu con mà chỉ ước lượng hàng chục ngàn hoặc hơn thế nữa.

Cá nhiều nhưng nước vẫn trong xanh, đàn cá tha hồ vùng vẫy dưới sự che chở của thiên nhiên và con người. Ban ngày từng đàn nối đuôi nhau bơi lượn chào đón du khách, đêm đến lại vào hang trú ẩn. Ngoài suối cá, điểm tham quan này còn có linh miếu thờ một vị thần rắn.

Theo truyền thuyết, ngày xưa ở thôn Lương Ngọc có một đôi vợ chồng người Mường tuổi già nhưng chưa có con. Cuộc sống đạm bạc êm đềm và cứ mỗi buổi trưa người vợ thường ra đây vớt cá về ăn. Ngày đó cá chưa nhiều như bây giờ và cho đến một hôm, sau 3 lần vớt người vợ chỉ vớt được duy nhất một quả trứng. Thấy lạ, bà đem về nhà ấp ủ và chẳng bao lâu sinh ra một chú rắn. Rắn lớn lên không những bảo vệ mùa màng cho chủ nhà mà còn bảo vệ nương rẫy cho cả bản làng nên rất được mọi người yêu quý. Ngày nọ, nước sông Mã dâng cao và xuất hiện một quái thú đến quấy phá cuộc sống người dân. Một trận chiến ác liệt giữa rắn và con vật độc ác kia xảy ra, cuối cùng rắn chết bên bờ suối, ác thú cũng biến mất. Cảm kích trước sự hy sinh cao đẹp của rắn, một ngôi đền thờ thần rắn đã được dân làng lập ra bên cạnh suối cá và sau nhiều lần tôn tạo từ năm 1924 đến 1962 mới được như ngày nay. Người Mường ở đây xem mỗi con cá trong suối thần là một cá nhân của bản mình và không cho phép ai làm tổn hại đến chúng. Nếu ai vi phạm, lần đầu sẽ bị cảnh cáo, tái phạm sẽ phải trục xuất ra khỏi làng và từ xa xưa, cá ở đây chẳng hề mất đi con nào mà càng sinh sôi nảy nở.

Trong trận lũ lịch sử tháng 10-2007, nước sông Mã dâng ngập cả xóm làng, ngập luôn suối cá cả mét. Tưởng rằng cá sẽ đi hết, nhưng thật lạ kỳ, đàn cá vẫn chẳng suy chuyển. Có con bị nước cuốn trôi được người dân tìm thấy lại đem trả về suối và sống khỏe mạnh. Theo nhiều người lớn tuổi trong làng thì hang cá bắt đầu từ một cái ao rộng khoảng 1.000m2, sâu chừng 10m trong lòng núi đá. Ở đó có rất nhiều cá lớn, có con nặng 25 đến 30kg hiện vẫn sống trong lòng hồ và từng xuất hiện nhiều lần ở suối này, người dân thường gọi là “cá chúa”.

Suối cá thần lại càng diệu kỳ hơn khi nó gắn liền với cuộc sống tâm linh của người dân vùng này. Cứ mỗi độ xuân về, ngày 8 tháng Giêng âm lịch, người dân trong vùng lại đến đây làm lễ khai hạ cầu an và họ tin rằng vùng đất linh thiêng này với những câu chuyện huyền bí sẽ đem đến điều may mắn cho con người và giúp mùa màng tươi tốt. Hiện mỗi năm suối cá thần Lương Ngọc đón hàng ngàn khách thập phương về đây tham quan, hành lễ. Nhưng bên cạnh đó chính quyền địa phương cũng cần lưu ý: việc tổ chức dịch vụ ở đây chưa tốt, các cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm sát bên bờ suối sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tồn tại của đàn cá kì lạ này.

Theo Lê Bình (CA TPHCM)