itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Tản mạn về múa rồng

Tản mạn về múa rồng

Múa rồng có từ bao giờ? Nguồn gốc bản xứ hay ngoại nhập? Đó là những câu hỏi khó trả lời vì sử liệu Việt Nam ít đề cập các chuyện vui chơi diễn hí này.

Trong các tiết mục múa rối cạn và múa rối nước của các phường như phường Nguyễn, phường Hội Đống (Thái Bình), phường Yên Thôn, Phú Đa, Chàng Sen (Hà Nội)..., tất thảy đều có múa tứ linh (long, lân, quy, phụng), múa long hành mã, rồng phun nước... Lại có múa thuồng luồng - rái cá (Chàng Sen), múa thuồng luồng vùng vẫy (Phú Đa). Hai điệu múa sau này hé mở cho thấy tính bản địa cổ sơ của các điệu múa rồng/rắn và trò chơi rồng rắn lên mây của trẻ con hiện còn tồn tại và phổ biến từ Bắc chí Nam.

Trò chơi rồng rắn gắn với bài đồng dao thể hiện dưới dạng một "thoại kịch", gồm lời đối đáp của rắn rồng và ông thầy thuốc mà chúng ta đều biết, có phần hao hao điệu múa rồng rắn ở xã Thạch Hà (Phong Châu) thuộc đất tổ Hùng Vương diễn ra hằng năm vào ngày 10-10 âm lịch. Ngày đó, cả ba thôn Thượng, Trung, Hạ rước kiệu tập trung về sân đình và múa rồng rắn được diễn ra quanh ba kiệu đó. Năm cô gái mặc áo và đội khăn khác mầu - riêng cô gái đi đầu luôn mặc áo mầu vàng. Cô đi đầu đưa tay trái về phía trước làm đầu rồng, còn tay phải thì múa; các cô đi sau một tay níu thắt lưng người phía trước, một tay múa; riêng cô đi chót một tay vòng ra phía sau làm đuôi rồng. Cứ thế "con rồng rắn" uốn lượn quanh kiệu, múa đi múa lại nhiều vòng. Sau múa rồng rắn, một cô đào ra múa cây bông (khúc tre vót xơ, tua ra ở vài ba đốt: tượng hình sinh thực khí) và tung ra cho mọi người cướp lấy... hên.

Điệu múa rồng - rắn trên gắn với trò múa cây bông đã chỉ ra đây là một tổ hợp múa nghi lễ phồn thực - một dạng cổ sơ của tính ngưỡng nông nghiệp mà sau này gọi là cầu cho "người yên vật thịnh", "phong điều vũ thuận". ở đó, rồng - rắn là do người múa thể hiện và chưa có đạo cụ (lốt con rồng, con rắn).

Ở làng Mai Đình (xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cũng thuộc đất tổ, có tục rước ông Giải và ở đây chúng ta đã thấy hình tượng khởi phát thô sơ của cái lốt rắn/rồng. Ông Giải là hình rồng bằng một cây tre còn nguyên gốc và cong để làm đầu rồng: gốc tre làm sạch và dán giấy mầu, giấy trang kim làm râu, mắt, bờm rồng; ngọn tre uốn cong, dát giấy làm đuôi rồng; thân tre dán giấy thành lớp như vảy rồng và buộc vào thân rồng một cán tre ngắn có một diều giấy hình thuyền. Đuôi và thân rồng treo hình tôm, cá, rùa, ba ba... bằng giấy mầu dán trên nan tre. Đám rước ông Giải đi đầu, tiếp đến là kiệu, cùng lễ vật, nghi trượng. Đến đình, ông Giải được cung kính rước vào hậu cung, rồi chủ lễ làm lễ tế cầu một năm mưa thuận gió hòa.

Con rồng tre ở Mai Đình đã chỉ ra sự liên hệ của cái lốt "rồng cứng" này với con rối rồng trong múa rối nước và tuồng, và như được bảo lưu cả trong múa rồng truyền thống hồi đầu thế kỷ 20 mà bằng chứng là tranh Múa rồng thuộc dòng tranh Đông Hồ hay tranh Rước rồng trong sưu tập tranh khắc của Henri Oger (Technique du peuple Annamite, H.1908).

Ở phương Nam, con rồng rơm trong lễ đảo võ (cầu mưa) có thể coi là di duệ của con rồng tre ở Mai Đình. Con rồng rơm được tạo bằng cách bó rơm lại thành lọn dài để làm thân rồng và tạo dáng có đầu có đuôi; cá biệt có nơi đan bằng nan tre thành cái rọ dài rồi phết giấy mầu lên để làm rồng. Cuộc lễ đảo võ là đám rước gồm ông Địa dẫn đường, kế đó là người vác lốt rồng và một đội trai tráng vừa đi vừa hát với động tác bơi thuyền trên cạn theo lời xướng của người làm cái: "Cốc! cốc! hồ bơi/lạy trời mưa xuống/cho dân làm ruộng/lúa đổ đầy kho/dân ăn cho no/dân chèo cho mạnh". Ra đến sông, người mang rồng lội ra thả rồng xuống nước, đồng thời xô ông Địa xuống sông. Địa ngụp lặn một lát thì ngoi lên. Đám người dự lễ liền hỏi Địa: "Bao giờ mưa?". Địa phải đáp: "Mai mưa", nếu không bị nhận nước lại nhiều lần... đến bao giờ "xin được rồng cho mưa ngay" mới thôi.

Tiến trình của múa rồng "lốt cứng" là như vậy. Bên cạnh đó là múa rồng vải mềm mại và đẹp mắt. Loại múa rồng vải này cũng không dễ xác định được thời điểm xuất hiện dù ngày nay đã rất phổ biến ở Việt Nam.
Múa rồng vải ở miền bắc xuất hiện sớm hơn ở miền Nam. Ở phía Nam, đội múa rồng vải đầu tiên là của Hãng xà bông Trung Nam ở Sa Đéc năm 1944. Cũng có ý kiến cho rằng, múa rồng xuất hiện trước đó vài ba năm với đội múa rồng của chùa Ông, Phan Thiết, mà di tích là cái đầu rồng nay còn thờ tại đó.

Rồng trong múa rồng vải là vật linh. Đó là loài rắn có chân, vảy ngũ sắc, đầu lạc đà, sừng nai, mắt quỷ, tai bò, cổ rắn, chân cọp, móng chim ưng, bụng cá sấu. Chuẩn tắc kinh điển là vậy, nhưng trong thực hiện có thể châm chế. áo rồng dùng vải đỏ (cũng có thể mầu khác). Múa rồng luôn có "trái châu". Dùng một thanh sắt uốn cong hình bán nguyệt, đường kính độ 20 - 22cm, giữa gắn một cây trục để xỏ qua trái cầu đan bằng dây kẽm, bọc vải đỏ. Trái châu này có thể quay tròn quanh trục. Phía dưới trái châu phải gắn bốn lá đồng (hay lục lạc) để tạo âm thanh. Người múa trái châu tuy là phụ nhưng lại là "tác nhân" quan trọng khiến cho rồng chuyển đổi các thế của mình.

Múa rồng có hai hình thức: múa đơn (10 người, chín cán và một châu) và múa đôi (số vũ công gấp đôi). Nghệ nhân múa rồng sử dụng cán để điều khiển con rồng bay, nhảy, đảo lộn... tạo nên những bài diễn theo chủ đề nào đó. Trang phục vũ công đơn giản, gọn gàng và luôn đòi hỏi mầu sắc phải thống nhất.

Dàn nhạc múa rồng gồm: trống thùng, thanh la, bạt lớn, tiểu thanh la. Bài bản có ba loại: Diễu vũ trường, Bài bản và Khúc quay tơ.

Diễu vũ trường (nôm na là "nhạc chạy sân") sử dụng bạt lớn và thanh la để tấu nhịp điệu khoan hòa, bình ổn; nhạc bài bản thì tính chất mạnh mẽ, hùng hồn và Khúc quay tơ mãnh liệt hơn, tốc độ nhanh hơn, âm thanh vang dội.

Đặc điểm chính yếu của múa rồng là "hồng châu dẫn lộ" (người cầm trái châu dẫn đường); còn rồng múa thì "lắc đầu vẫy đuôi", lúc thành hàng chiếc, lúc thành hàng đôi: số lẻ thành hàng, số chẵn thành đôi, trên nhảy dưới lòn, tả xung hữu đột... theo cấu đồ bài bản mà biến hóa đội hình linh hoạt, nhanh lẹ mà nhịp nhàng tạo nên các điệu thức hoàn mỹ. Đội hình múa rồng đa dạng, cơ bản có hình chữ nhất, hình thang, hình tròn, hình chữ bát... hoặc phức tạp hơn: hoàng long giá, song ngọc khuyên (đôi vòng tròn), hoa hồ điệp (hoa bướm), bán nguyệt... Quy pháp của múa rồng chủ ở sự phối hợp toàn thân: sự ăn ý giữa các vũ công thì rồng mới trở nên sống động, uyển chuyển. Xem múa rồng sành điệu cần chú ý vào động tác chuyển đổi của cán: lúc thì động tác tự chuyển (xoay vòng), lúc dựng cán, lúc lại bình cán, nghiêng cán, dốc cán, chập cán, chập cán ngược, nâng cán, vai cán, đảo cán, đảnh thắt, thông tháp, lòn cửa, nhảy qua đầu cán... Có để ý đến các động tác đó mới thấy tài năng của mỗi đội múa.

Múa rồng là tài nghệ tập thể của vũ công làm cho con rồng chuyển động trong âm thanh, tiết tấu, trên những đội hình phong phú, với những động tác đa dạng nhằm thể hiện một đề tài nào đó. Ngày nay, để có thể quy vào những chuẩn tắc chung nhất hầu đánh giá trình độ nghệ thuật của múa rồng, theo anh Lưu Kiếm Xương (trưởng nhóm lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường), hội thi múa rồng quốc tế thống nhất tám tiết mục: Bàn long (chạy vòng tròn), Chữ chi (hình chữ S), Thủy ba (sóng nước dập dềnh), Phong đằng (nhảy lên cao, quay ngược lại), Phong chuyển (gió xoay), Phi long (rồng bay), Chồng tháp, Dao bãi (tản rộng ra / giải tán).

Huỳnh Ngọc Trảng / Quehuong.org.vn