itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Tưng bừng Ngày hội văn hoá các dân tộc Tây Bắc lần thứ 10

Tưng bừng Ngày hội văn hoá các dân tộc Tây Bắc lần thứ 10

Sự có mặt của gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thể thao tại ngày hội thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cùng gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc của 24 dân tộc anh em vùng Tây Bắc.

Đêm 23/10 thực sự là đêm hội của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, với lễ khai mạc hoành tráng, lung linh sắc màu và rộn rã âm nhạc. Sân khấu lớn dựng trên Quảng trường 19/8 của thành phố Yên Bái được trang trí với rất nhiều bông hoa ban trắng lớn, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

500 diễn viên, nghệ sĩ của 6 tỉnh Tây Bắc là: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Điện Biên và Yên Bái đã biểu diễn các tiết mục giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc nhất của địa phương mình. Đó là những điệu múa của các chàng trai chèo thuyền trên sông, những cô gái cấy lúa trên đồng, tra hạt trên nương, giã cốm đêm trăng, những lễ hội "cầu mùa", "mừng nhà mới". Trang phục của rực rỡ và duyên dáng của các cô gái Dao, Thái, Mường xen lẫn những trang phục khoẻ khoắn của các chàng trai miền sơn cước, tất cả tạo nên sự cuốn hút lạ kỳ đối với người xem. Các giá trị văn hoá truyền thống và nét đẹp của con người vùng Tây Bắc được thể hiện một cách sinh động, rực rỡ qua điệu múa, tiếng đàn trữ tình của người Thái, người Mông, người Mường, người Tày và một số các dân tộc anh em khác.

Đêm khai hội kết thúc bằng vòng "đại xoè" với sự tham gia của 500 nghệ nhân, diễn viên và du khách, trong ánh lung linh của pháo bông, của đèn trời, tạo nên ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí người xem.

Sáng 24/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái khai mạc Triển lãm "Văn hoá các dân tộc Tây Bắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam", giới thiệu các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể các dân tộc Tây Bắc trong tổng thể văn hoá truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chị Ma Thị Chung - Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam cho biết: "Trong không gian 156 mét vuông, chúng tôi giới thiệu các nét đặc trưng văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và thông qua giới thiệu các tài liệu cũng như hiện vật bằng hình ảnh: hơn 300 hiện vật hình ảnh và tài liệu ảnh, chúng tôi giới thiệu các nét đặc trưng văn hoá của từng vùng như: đồng bằng Bắc bộ, Miền Trung- Tây Nguyên; đồng bằng Nam Bộ và những hiện vật văn hoá của họ: từ nếp ăn, nếp ở, những ngôi chùa, hiện vật công cụ sản xuất, đời sống văn hoá tín ngưỡng, cho đến những lễ hội. Chúng tôi dành diện tích ở giữa phòng trưng bày, làm nổi bật lên văn hoá của đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc, của 24 dân tộc anh em sống ở 6 tỉnh Tây Bắc".

Cũng tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Triển lãm "Tranh thờ dân gian Việt Nam" được trưng bày do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh Yên Bái tổ chức, nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống hình thành từ ngàn đời nay của các cư dân các dân tộc Việt Nam. 68 bức tranh tiêu biểu chọn lọc từ hàng trăm bức tranh thờ hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được trưng bày tại đây. Tiêu biểu như các bức "Thái ất cứu khổ thiên tôn", "Chu Lăng độ mạng thiên tôn", "Tổng đàn" - dân tộc Dao, "Cầu Hoa" - dân tộc Tày, "Bộ tranh thần chủ", "Ngũ hổ" - tranh hàng trống, "Táo quân vị", "Thổ công vị" - tranh Đông Hồ, "Nam đường", "Thần nông" - dân tộc Cao Lan, "Quan âm Nhị Thánh" - Nghệ An. Các bức tranh thờ ở đây cho thấy sự phối màu, tính nguyên sơ của nét vẽ, sự hàm súc của nội dung, tạo nên đặc trưng của loại tranh này.

Sắc màu văn hoá của 6 tỉnh Tây Bắc được thể hiện sinh động và phong phú qua hội trại của các tỉnh, giới thiệu bức tranh tiêu biểu về kinh tế- chính trị- văn hoá xã hội của các tỉnh và giới thiệu các trang phục, đồ trang sức dân tộc tiêu biểu, một số sản phẩm nghề thủ công truyền thống, nhạc cụ dân tộc... Tại đây, các nghệ nhân, diễn viên các tỉnh cũng đã tái hiện một cách sinh động các lễ hội dân gian truyền thống như: lễ cưới của người Dao Đỏ ở Lào Cai, lễ cầu mùa của người Cao Lan (huyện Trấn Yên, Yên Bái), Lễ Kim Pang Then (còn gọi là lễ mừng con nuôi) của người Thái Trắng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), lễ Căm Mường (của người Lự ở Lai Châu), lễ Chá Chiêng (của người Mường- Hoà Bình)...

Ngày hội thể thao các dân tộc Tây Bắc cũng diễn ra sôi động với sự tham gia của 190 vận động viên 6 tỉnh Tây Bắc, tham gia tranh tài ở các môn: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đánh quay truyền thống, chạy việt dã.

Chiều 24/10, tại Hội trường lớn Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái diễn ra Hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc, vấn đề bảo tồn và khai thác, phát huy trong xu thế hội nhập; phát huy tinh thần thượng võ các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống và trình diễn trang phục các dân tộc Tây Bắc và Hội chợ Tây Bắc, trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống các dân tộc, hàng xuất nhập khẩu các tỉnh vùng Tây Bắc, giới thiệu ẩm thực Tây Bắc. Ngày hội sẽ kết thúc vào ngày 26/10.