itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Thổ cẩm Lùng Tám (Hà Giang)

Thổ cẩm Lùng Tám (Hà Giang)

"Vải lanh thổ cẩm Lùng Tám mang một nét văn hóa chuyên biệt. Hoa văn và hình thức của những sản phẩm làm bằng thổ cẩm rất đẹp và ấn tượng". Ðó là nhận xét của bạn hàng Hà Nội về loại vải của người Mông vùng Quản Bạ, Hà Giang.

Bảo tồn một đặc sắc văn hóa dân tộc

Xuôi theo những con dốc quanh co phủ sương mù, chúng tôi ngược lên Lùng Tám. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một thung lũng giữa bốn bề núi đá. Tại đây chúng tôi được tận mắt chứng kiến công việc dệt vải của các bà, các chị và được biết cách người Mông Lùng Tám làm "thương hiệu" cho sản phẩm thổ cẩm của mình.

Anh Sùng Mí Quả, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) vải lanh thổ cẩm Lùng Tám kể cho tôi nghe về những tháng ngày thai nghén và thành lập HTX. Ðồng bào Mông vốn có nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm, nhà nào cũng có khung dệt vải, các sản phẩm chủ yếu phục vụ gia đình là vải váy áo, khăn, mũ... Xưa nay bà con ở đây chỉ coi dệt là nghề phụ, làm lúc nông nhàn.

Vốn là người yêu thích sắc mầu thổ cẩm và không muốn nghề bị mai một, tháng 8/1989, Sùng Mí Quả đề xuất với chính quyền xã thành lập tổ sản xuất vải lanh thổ cẩm, ban đầu thu nhận được 20 chị em giỏi dệt vải để làm thí điểm. Cách thức góp cổ phần cũng thật độc đáo: lanh các gia đình tự trồng, khung dệt vải mỗi nhà một chiếc đem góp lại, tập hợp tại nơi sản xuất. Tổng số vốn khi đó chỉ có gần 20 triệu đồng.

Mạnh dạn tìm hướng đi cho mình, ông Quả vừa lo tiêu thụ sản phẩm, vừa động viên chị em yên tâm làm nghề. Làm ra sản phẩm, rồi tự đem đi các phiên chợ trong huyện, trong tỉnh bán hàng và giới thiệu sản phẩm. Hai năm sau, tháng 8/2001, HTX vải lanh Lùng Tám chính thức được thành lập, tất cả xã viên đều tự nguyện tham gia đóng góp cổ phần.

Từ chỗ chỉ làm các sản phẩm truyền thống như váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm, áo nam, túi, sắc, túi điện thoại... giờ đây HTX đã sản xuất được hơn 20 loại sản phẩm.

Coi trọng mẫu mã, chất lượng là yếu tố quyết định sự thành bại của HTX. Thông qua quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, tổ chức CRAFT LINK (thuộc Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam) trở thành bạn hàng lớn nhất của HTX. Tổ chức này cũng đảm nhận việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các đoàn khách du lịch quốc tế ưa thích sản phẩm thổ cẩm. Sản xuất phát triển, có lợi nhuận, đời sống xã viên ổn định, góp phần không nhỏ cho công tác xóa đói, giảm nghèo của người Mông thôn Hợp Tiến. Hiện tất cả 51 xã viên của HTX đều có thu nhập gần 700 nghìn đồng/người/tháng, doanh thu luỹ tiến kể từ năm 2001 đến nay đạt hơn một tỷ đồng. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo từ khi tham gia vào HTX, như gia đình chị Hạ Thị Sèo, chị Giàng Thị Mải, Giàng Thị Cháu...

Chị Giàng Thị Sinh, một trong những hộ nghèo của thôn Hợp Tiến, cho biết: "Tham gia làm việc tại HTX, gia đình mình đã bớt khó khăn đi rất nhiều, nghề dệt vải là nghề mình yêu thích nhất, nay vừa được làm nghề, vừa có thu nhập ổn định mình vui lắm. Mong cho nghề dệt quê mình mở rộng hơn để các chị em nghèo trong xã có công ăn việc làm".

Từ kết quả của "mô hình Lùng Tám", huyện Quản Bạ đã có chính sách mở rộng và xây dựng các làng nghề truyền thống, vừa phát triển làng nghề, vừa duy trì bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, vừa góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ðồng chí Lệnh Thế Hội, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Muốn khơi dậy và phát triển làng nghề truyền thống, cần phải có sự quy hoạch, xác định yếu tố văn hóa bản địa làm nền tảng. Trên cơ sở đó, huyện đang khuyến khích xã viên tiếp tục cải tiến, đổi mới công nghệ.

Hiện nay Quản Bạ đang từng bước xây dựng những mô hình làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, như điểm sản xuất vải lanh thổ cẩm Lùng Tám, tiến tới sẽ nhân rộng mô hình trên toàn huyện, thực hiện chủ trương mở rộng quy mô sản xuất đến các thôn bản trong xã, khẳng định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế ở vùng cao núi đá này.

Xây dựng thương hiệu

Khi hỏi về xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vải lanh Lùng Tám của HTX, ông Sùng Mí Quả bảo: "Thực ra mình đã nghĩ đến xây dựng thương hiệu cho vải thổ cẩm Lùng Tám qua tám kỳ tham dự hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rồi.

Theo cách hiểu của mình, thương hiệu chính là cơ sở pháp lý được nhà nước công nhận, bảo hộ nhãn hiệu. Vậy, cớ làm sao thổ cẩm do mình làm ra lại không xúc tiến việc xây dựng "thương hiệu". Bởi có thương hiệu thì vải lanh thổ cẩm Lùng Tám sẽ không thể lẫn với một loại thổ cẩm nào khác. Với lại, yếu tố cạnh tranh trên thị trường, buộc sản phẩm của mình phải đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Khi có thương hiệu cũng đồng nghĩa với việc phải cải tiến công nghệ từ sơ chế lanh, đến dệt vải và hoàn thiện sản phẩm. Ðổi mới mẫu mã và bảo đảm chất liệu là vấn đề sống còn của vải lanh thổ cẩm Lùng Tám".

Hằng tháng, thổ cẩm Lùng Tám lại theo những chuyến xe đi khắp miền Tổ quốc. Biết được chất lượng vải thổ cẩm độc đáo và đa dạng, nhiều đoàn khách quốc tế đã đến tham quan mô hình của HTX. Chủ nhiệm Sùng Mí Quả luôn tất bật với việc giao dịch, tiếp đón khách. Trong tiếp xúc, khách đều hỏi ông nhãn hiệu cho sản phẩm thổ cẩm Lùng Tám. Ðiều đó càng khiến ông Quả trăn trở, dồn tâm lực cho việc xây dựng thương hiệu. Hiện, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của HTX đang trong quá trình chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Ðây có lẽ là tín hiệu vui với không chỉ người dân Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang.

Cái gốc vẫn là sự đam mê

Ông Quả bảo với tôi: "Ðối với mình, những sắc mầu thổ cẩm đã ăn sâu vào trong tâm trí rồi, ăn cũng nghĩ tới thổ cẩm, ngủ cũng mơ thấy thổ cẩm. Mình đam mê nó không đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà còn là sự gìn giữ những giá trị văn hóa của người Mông. Ðặc trưng của mỗi dân tộc là trang phục, là những nét hoa văn trên trang phục đó. Ðây chính là yếu tố văn hóa cần phải lưu giữ, bảo tồn".

Trăn trở với nghề, ông Quả mong muốn những phần việc trong sản xuất được rút ngắn lại, bằng đổi mới công nghệ sản xuất thủ công. Các quy trình sản xuất phải năng suất hơn, giảm chi phí đầu vào cũng như thời gian sơ chế nguyên liệu. Hiện tại, những công đoạn xe lanh, sơ chế cây lanh vẫn làm thủ công, tốn nhiều thời gian công sức, dẫn đến năng suất lao động không cao. Ông mong muốn các nhà khoa học giúp đỡ, cải tiến kỹ thuật, thiết bị sản xuất để bảo đảm tính độc đáo trong sản xuất vải lanh của người Mông.

Lòng đam mê của ông rồi cũng được trả công, bởi vô số những bằng khen, giấy khen của tỉnh, của Nhà nước được treo trang trọng trong gian trưng bày sản phẩm của HTX đặt tại gia đình.

Ông Quả cho biết: Sau khi xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, ông sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất đến một số thôn trong xã và phối hợp với huyện hình thành tour du lịch văn hóa cộng đồng làng nghề truyền thống. Ông bảo: "Người Mông Lùng Tám đang ngồi trên đống tiền mà chưa biết lấy nó ra phục vụ mình thôi. Tiền nó đang trên những khung cửi, trong tầng sâu văn hóa người Mông đó".

Lùng Tám có làng nghề, người Lùng Tám hiếu khách, cảnh Lùng Tám thơ mộng... nhất định du lịch làng nghề nơi đây sẽ phát triển. Chúng ta cùng tin như vậy.

Nguồn Báo Nhân Dân