itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Về Krông Pa (Gia Lai) cùng vui hội

Về Krông Pa (Gia Lai) cùng vui hội

Lễ hội cơm mới của người Gia Rai ở Krông Pa (Gia Lai) rất rộn ràng. Lễ hội bắt đầu từ việc rang lúa.

Ðường xuống Krông Pa bây giờ trở nên khá lý tưởng. Ngày xưa, từ Plây Cu, muốn xuống Krông Pa, chúng tôi phải đi mất đúng hai ngày. Bởi thế mà một gã cuồng đi như tôi mà phải... gần 10 năm sau khi lên Gia Lai mới đặt chân đến Krông Pa được, mà cũng chỉ là đến thị trấn, ngủ một đêm với bụi, với gió, rồi về, chứ chả sục sạo được xuống làng, xuống buôn như các cuộc đi khác.

Bây giờ, bảy giờ xuất phát, hơn 10 giờ trưa chúng tôi đã có mặt ở Buôn Ma Phu, xã Ðất Bằng, một buôn người Gia Rai khá tiêu biểu, còn giữ được nhiều nét cổ kính của một buôn vừa trù phú, vừa đẹp, vừa đậm đặc chất văn hóa bản địa.

Con đường xuống Krông Pa chính là con đường số 7 nổi tiếng và huyền thoại năm xưa, nơi quân giải phóng đã chặn đánh bịt đường rút của nguyên một quân đoàn ngụy trong chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc tổng tấn công giải phóng Miền Nam năm 1975.

Cả buôn có chừng trên hai chục nóc nhà sàn như mọi nhà sàn Tây Nguyên khác với những dàn chiêng treo trên vách, ghè rượu dựng quanh vách nhà, những tấm dồ thổ cẩm làm khố, làm váy vắt trên các dây căng ngang góc nhà. Bếp lửa giữa nhà ngun ngún khói, trên giàn bếp là ngô, lúa, thịt sấy treo lủng lẳng...

Sự trù phú biểu hiện ở chỗ những ngôi nhà sàn chắc chắn thưng ván, to rộng và cao. Trong nhà khá nhiều đồ gỗ hiện đại như giường, tủ, bàn, sa lông. Rồi tivi, xe máy, quạt điện. Chiêng ché nhiều hơn, dưới sân lợn gà nhiều hơn. Bò được nuôi riêng, rất nhiều. Krông Pa là đất bò mà lại.

Những đàn bò vàng trời vàng đất cùng với cây bông vải, cây nguyên liệu thuốc lá... là đặc sản của Krông Pa, đưa miền đất này từ một thung lũng mịt mù với gió quẩn, với bụi khô trở thành một vùng trù phú như bây giờ.

Bây giờ, buôn Ma Phu đang chuẩn bị cho lễ hội cơm mới. Năm nay được mùa. Mà không chỉ cây lúa rẫy độc canh như trước nữa, mà còn lúa nước, còn cây công nghiệp ngắn ngày bông, thuốc lá... và cả dài ngày như lạc, điều..., còn chăn nuôi, còn sự thông thương rất dễ dàng với thành phố Plây Cu, với thành phố Tuy Hòa... khiến không khí trong làng lúc nào cũng như mở hội.

Hoa quỳ miên man vàng trong chiều. Cũng lâu lắm tôi mới gặp lại hoa sim, hoa mua, thứ hoa tím rịm trong ký ức tuổi thơ tôi. Con đường xuống suối ngằn ngặt sim mua chen với dã quỳ. Bung biêng trên cao là những giò lan rừng muôn muốt lâng lâng một thứ mầu, một thứ hương tinh khiết.

Và những cánh tay trần đang đảo. Như múa. Những đôi mắt nâu. Những hàng mi cong rợp. Những dáng con gái thon thả nồng nàn bên bếp lửa. Mùi lúa non gặp hơi nóng ngây ngất. Cốm đấy. Các cô gái đang rang cốm làm lễ cơm mới. Con gái Gia Rai Krông Pa có nét đẹp rất lạ, cứ như hút hồn người. Mắt thì sâu thăm thẳm. Mặt đầy đặn như thần vệ nữ. Da ngăm chân dài lẳn chắc. Và cái duyên ngầm con gái cứ lúc thì lặng lẽ, lúc lại hừng hực, vây vít lan tỏa, ngất ngây lắm, đắm đuối. Cái dáng đảo tay rang lúa đẹp đến mê hồn tôi mới thấy lần đầu ở đây, dù sự rang, sự giần sàng... nơi nào trên đất nước ta cũng có.

Người dân ở đây ăn gạo rất khôn. Ấy là không đợi nó chín hẳn, mà mới ương ương là đã suốt về. Rồi rang, rồi giã, gạo thơm và dẻo. Còn làm cốm thì lúa non hơn, như còn thoang thoảng mùi sữa đòng đòng.

Lễ cơm mới bắt đầu từ việc rang lúa. Ðấy là việc của phụ nữ, của các cô gái. Còn các chàng trai thì đang chất củi và dắt bò về. Bò được giết ngay ngoài sân với đầy đủ nghi lễ, trong đó tôi chú ý là khi chú bò chuẩn bị được "thăng", tất cả thành viên trong gia đình, dù đang làm gì đều phải bỏ đấy, thay quần áo lễ hội, đứng thành một hàng, một tay nắm vào sợi dây thừng cột bò. Nếu con cháu đông thì sợi dây cứ được nối dài mãi ra. Sợi dây thừng như một vật cầu may, lại như một tín hiệu thiêng liêng của tình máu mủ, mà trong ngày lễ trọng này, không ai được lãng quên. Khi con bò đã được cắt tiết xong, mọi người thả tay khỏi sợi dây thừng, ai lại vào việc nấy. Mấy cô gái, trong đó có cô giáo xinh đẹp Kơ-so Nhan, còn cẩn thận vào nhà thay quần áo mới tiếp tục công việc.

Nhưng thật ra, công việc hệ trọng nhất là làm thịt con gà cúng. Già làng với khố kơ-ten sặc sỡ, đứng bên cây nêu và nhanh như tia chớp, dùng con dao sắc lẻm cắt gọn đầu con gà trống, rồi cũng rất nhanh thả nó ra. Các cụ già chăm chú theo dõi hướng giãy của con gà. Khi thấy nó quay chiếc cổ thùi lụi về phía núi, các cụ ồ lên vui vẻ. Như thế là điềm lành, Giàng chấp thuận ý nguyện của con người, là sẽ mưa thuận

gió hòa, là sang năm mùa màng sẽ tươi tốt, được mùa, dân làng sẽ hạnh phúc yên vui, đất nước sẽ thái bình. Lúc này, dàn chiêng tấu lên và lễ hội cơm mới bắt đầu. Bài chiêng đánh ở lễ này rất trữ tình, trong sáng, uyển chuyển, ngân nga diễn tấu ở tốc độ vừa phải với sự phối hợp của tốp múa các thiếu nữ xinh đẹp, áo ló tay trần chân nhún nhẩy theo nhịp chiêng tới từng nhà trong buôn.

Con gái Tây Nguyên rực rỡ nhất là khi vào hội. Mắt long lanh, mặt đỏ hồng, những nụ cười mê hồn, đắm đuối. Hơi rượu cần, tiếng chiêng, không khí lâng lâng ảo hoặc như thực như mơ, lúc tỏ lúc mờ... càng khiến sự quyến rũ nhân lên, cái khát khao khám phá, khát khao bày tỏ dâng tràn. Vào ban đêm lại càng tuyệt. Những bếp lửa phập phù đưa ta lạc vào một cõi khác. Ở đó, máu như chảy nhanh hơn, tim như đập mạnh hơn, hơi thở dập dồn hơn, khắc khoải hơn, hun hút ảo mờ những bí ẩn ngàn đời không giải mã được...

Ở tất cả các nhà trong buôn lúc này đều có người ở nhà đón khách. Thức ăn để sẵn ở giữa sàn nhà gồm cơm nấu từ trong nồi và cơm đốt trong ống nứa, thịt nướng ống và cốm.

Tôi khoái nhất món cơm ống. Gạo nếp nương ngâm nước rồi cho vào ống nứa tươi, đổ nước vừa phải, nút lá chuối, lá dong hoặc một loại lá rừng rất thơm tôi quên mất tên, rồi nướng. Nướng là cả một kỹ nghệ để ống nứa không bị cháy, cơm không sống, không nhão, không dính... tóm lại là khi tước ống nứa ra phải là một thỏi cơm thơm lừng, dẻo quẹo mà không bấy, không nát, trắng ngần trên tay. Món này ăn với thịt bò, thịt dê cũng cho vào ống nứa nướng trên than thì hết chê...

Bao giờ cũng thế, phần lễ thì nhanh, chủ yếu do người già đảm nhận. Còn phần hội với các nhân vật chính là thanh niên, vì thế có cảm giác nó dài bất tận. Cứ đánh chiêng, cứ múa, cứ hát. Những bàn chân trần lướt trong gió, trên cỏ, vừa gần gũi vừa mênh mang diệu ảo.

Hội là hoạt động tự thân, tất cả hòa trong một cảm giác tan chảy hết mình. Mệt lại ngồi nghỉ, tốp khác vào thay, đói thì ăn, khát thì uống... rượu cần, đủ loại ghè lớn nhỏ bày hàng dãy dưới sân.

Bùng bing, bùng bing... bất tận đêm, bất tận mùa Ning nơng, bất tận những niềm vui. Mùa khô, dã quỳ nở vàng đến rợn ngợp, miên man trong gió, pơ lang (tức hoa gạo) lập lòe ở đầu làng, ở cột đâm trâu làm bao trái tim mất ngủ. Thì đem chiêng ra lau, thì đem goong, ting ning, kơ ni ra thổi, ra giãi bày...

Mùa hội làng bắt đầu ở Tây Nguyên như thế...

Theo Nhân Dân