itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Về Long Hải

Về Long Hải

Lầu chuông nhìn từ động Bạch Vân

Tôi đến Long Hải lần đầu tiên có lẽ cách đây cũng đã hơn 15 năm vào một buổi chiều trước tết. Cảm giác hơi ngỡ ngàng khi xe lượn qua mũi núi Kỳ Vân sát biển để đi vào một cung đường hai bên rợp bóng một rừng cây đang đồng loạt trổ hoa màu hồng phớt, tựa như hoa đào. Ngủ một đêm trên bãi biển Thùy Dương rồi hôm sau lên đường.

Sau này, có dịp trở lại đây nhiều lần trong nhiều mùa mưa nắng khác nhau để biết, hiểu, và càng yêu thêm một góc nho nhỏ xinh xinh này của thiên nhiên vùng Đông Nam bộ.

Thực ra, Long Hải không xa TP. Hồ Chí Minh lắm và cách Bãi Sau thành phố du lịch nổi tiếng Vũng Tàu chỉ một eo biển nhỏ. Long Hải trở thành khuất nẻo vì cách trở giao thông.

Từ TP. Hồ Chí Minh theo đường 51 đi về phía biển, sức hút của Vũng Tàu kéo ta lướt qua ngã tư thị xã Bà Rịa. Sau khi xài hết quỹ thời gian hạn hẹp của một kỳ nghỉ cuối tuần, chỉ còn mỗi cách ba chân bốn cẳng đánh nước mã hồi kịp trở lại thành phố khi Vũng Tàu đã lên đèn. Long Hải, do đó chỉ thích hợp với những người đã biết cái nhộn nhịp Vũng Tàu đến chân tơ kẽ tóc và muốn tìm một góc biển trời yên tĩnh.

Bãi Kỳ Vân Thấp thoáng chùa trong núi
Câu cá Khởi đầu thế giới của đá granit

Có nhiều ngả đường dẫn đến Long Hải. Thuận tiện hơn cả là từ TP. Hồ Chí Minh, theo Quốc lộ 51 về thị xã Bà Rịa. Xuyên qua thị xã tỉnh lỵ đang trở mình đô thị hóa, theo đường 44, chạy về hướng đông nam. Con đường tráng nhựa phẳng phiu này dẫn chúng ta băng qua những cánh đồng muối của huyện Long Điền. Vào mùa thu hoạch, những kim tự tháp trắng hai bên đường rải ra hun hút tận chân núi. Khi những cánh đồng muối xuất hiện cũng là lúc núi Châu Viên cao khoảng 340m đã mờ mờ nơi chân trời.

Lướt qua thị trấn Long Hải, bên đường lác đác hiện ra những khu du lịch như mời chào. Tùy bạn. Khách sạn và bãi tắm Thùy Dương cơ sở du lịch của người Việt dễ tìm thấy cảm giác ấm cúng; Anoasis Beach Resort, nữ chủ nhân là một người Pháp sành điệu sẽ tiếp bạn với thực đơn và phong cách Pháp; còn Golf - 5 là một khách sạn đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị khai thác. Nhưng để biết kỹ hơn và cảm nhận một cách sâu sắc tính cách hấp dẫn kỳ lạ của vùng này, bạn nên đi vào mùa Xuân.

Cõi trần nhìn từ động Bạch Vân Hoa bằng lăng núi nở tím sườn đồi
Qua mũi Kỳ Vân Đường trong rừng

Địa hình Long Hải với những dãy núi cao khoảng vài trăm mét, dài hàng chục kilômét có thể là những chấn động tạo sơn kéo dài từ những cao nguyên Liang biang, Di Linh dần lịm tắt trước khi hòa vào với biển. Mùa khô, rừng ở đây xơ xác, bày ra những cụm đá granit muôn hình nghìn vẻ, một thế giới thú vị của đá đang kể lại cho bạn nghe về quá trình diễn tiến địa chất xa xưa của mình trước khi định hình. Còn thế giới thực vật là những cánh rừng thứ sinh bán khô hạn từ Ninh Thuận, Bình Thuận kéo vào. Rừng Long Hải chỉ đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa sau một mùa mưa đẫm nước.

Đá và cây

Một con đường nhựa phẳng phiu đưa bạn lên đỉnh. Đỉnh núi với rất nhiều hang động vốn là căn cứ địa cách mạng đang được tôn tạo kể lại với chúng ta về một thời gian khó, chiến đấu, hy sinh. Lưng chừng núi, trên một mỏm đá chênh vênh, các tín đồ đạo Cao Đài xây dựng một cơ sở tu tập đặt tên là Bạch Vân động. Kiến trúc tôn giáo trắng toát này, những ngày trời trong, nhìn thấy rất rõ từ dưới đường. Còn đứng ở đây, người ta có thể nhìn ra bốn phía chân trời. Dưới xa kia, biển xanh, cát trắng, mũi Kỳ Vân, cả một vùng đồng bằng chân núi hiện ra như một mô hình.

Điều kỳ lạ là về mùa khô, dưới một gốc cây già lối rẽ vào chùa có để rất nhiều can nhựa trống với một lời đề nghị: “Mỗi khách thập phương thăm viếng, cố gắng mang cho chùa mỗi người một can nước nhỏ”. Mùa khô ở đây đến cây cối còn phải thu mình lại trong dạng tiềm sinh huống chi là con người. Vậy mà bạn xem, chân dung các vị tu hành ở đây khác gì tiên thánh. Khả năng sinh tồn của con người bao giờ cũng là một bí ẩn.

Thăm Long Hải vào mùa Xuân, thiên nhiên sẽ phô diễn cho bạn một cảnh tượng hoành tránh đến bất ngờ. Từ một khu rừng xác xơ, khô khát, chỉ sau vài trận mưa, cả một thiên nhiên như bừng tỉnh, như vừa tắm gội, sáng lòa, cây cối đâm chồi, nảy lộc, kết nụ, trổ hoa như trong thần thoại, có khi chỉ sau một đêm.

Những hôm rượu say, ngủ lại trong điền trang của một người bạn, đêm đi ăn về, thỏ rừng chạy loang loáng trước đèn xe. Bình minh, tỉnh giấc trong tiếng gà rừng xao xác gáy và ngoài kia, bên cửa sổ, cây bằng lăng chiều qua đang chớm nụ, sáng nay bỗng bất ngờ khoác lên mình một tấm áo choàng lộng lẫy màu tím Huế điểm vàng.

Nguyễn Trọng Huấn