itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Về Pắc Bó

Về Pắc Bó

Màu xanh non nước Cao Bằng

Cao Bằng - vùng đất biên giới xa xôi - cái nôi của cách mạng Việt Nam, cũng là nơi có phong cảnh rất hữu tình.

Phong cảnh Cao Bằng mang nét đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc với những ngọn đèo hiểm trở và những dãy núi cao sừng sững. Dọc theo các sườn núi là những thửa ruộng bậc thang xanh mơn mởn của người dân tộc Tày, Nùng.

Trước khi đến thăm khu di tích Pắc Bó, chúng tôi ghé vào khu tưởng niệm liệt sỹ Nông Văn Dền, người anh hùng nhỏ tuổi được nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam trìu mến gọi là “anh Kim Đồng”. Phía trước tượng đài anh Kim Đồng mặc bộ quần áo dân tộc Nùng, tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư là 14 bậc thang bằng đá và 14 cây lát xanh ngắt, con số bằng đúng số tuổi lúc hy sinh của anh.

Khu di tích Pắc Bó, điểm đến chính của chúng tôi, nằm trong một dãy núi lớn thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách thị xã Cao Bằng khoảng 55km. Vừa vào đến cổng di tích, sừng sững ngay trước mặt chúng tôi là ngọn núi Các Mác hùng vĩ như một bức tường đá vững chắc. Dưới chân núi, dòng suối Lê-nin uốn lượn như một dải lụa mềm.

Bắt nguồn từ mạch nước ngầm ngay trước cửa hang, suối Lê-nin có màu xanh ngọc đặc biệt do hàm lượng canxi trong nước ở đây rất cao. Dưới suối, từng đàn cá tung tăng bơi lội giữa những viên đá cuội lấp lánh đủ màu sắc lung linh trong nắng. Không gian nơi đây thật thư thái, yên bình với tiếng chim hót véo von, nước suối chảy róc rách hòa cùng tiếng rì rào của những hàng cây rừng.

Hang Pắc Bó chỉ rộng khoảng 15m2. Cửa hang đã được tái tạo bằng xi măng sau khi bị lính Trung Quốc đánh bom làm sập trong chiến tranh biên giới năm 1979. Bước vào tham quan nơi Bác từng sống năm nào, chúng tôi ai cũng xúc động trước tấm phản gỗ đơn sơ kê trong một hốc nhỏ, giữa những khối thạch nhũ. Ngòai bờ suối, chiếc “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” của Bác cũng vẫn còn đó.

Tiếp tục đi theo con đường mòn, chúng tôi ghé thăm nơi Bác thường ngồi câu cá, làm thơ trên mỏm đá lớn bằng phẳng nhô ra giữa lòng suối xanh biếc, chung quanh dây leo phủ kín.

Từ đây, chúng tôi tiếp tục leo núi, tìm đến cột mốc 108 - cột mốc đánh dấu ngày Bác trở về với mảnh đất quê hương vào mùa xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đường leo lên cột mốc khá dốc và hẹp, chúng tôi ai cũng thấm mệt, phải dừng nghỉ chân nhiều lần. Nhưng bù lại sự mệt mỏi ấy là cảm giác tuyệt vời khi đứng trên đỉnh dốc, ngắm nhìn gần như toàn cảnh núi rừng Pắc Bó xanh tươi và hùng vĩ. Cột mốc 108 vào năm 2001 đã được đổi tên thành cột mốc Việt - Trung 675.

Rời Pắc Bó, trong lòng mỗi người chúng tôi như rõ nét hơn hình ảnh vị Cha già dân tộc ngồi “dịch sử Đảng” giữa núi rừng xanh biếc.

Thuỳ Linh/ PNO