itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Về thăm Quảng Ngãi

Về thăm Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. có nhiều núi đồi cao, gò, thung lũng và biển cả chia làm các miền riêng biệt. Và là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là tỉnh duyên hải, Quảng ngãi có địa hình khá phức tạp, dãy Trường Sơn đâm ra sát biển nên tạo nhiều thắng cảnh đẹp như: Núi Thiên Ấn, Sa Kỳ, Núi Phú Thọ và Cổ lũy cô thôn.

Với đường bờ biển dài 150 km kéo dài từ An Tân đến Sa Huỳnh lộng gió với nhiều bãi biển đẹp: Khe Hai, Mỹ Khê, Minh Tân, Đức Tân, Sa Huỳnh... Và nhắc đến Quảng Ngãi là người ta nghĩ ngay đến: Ba Tơ, Vạn Tường, Trà Bồng, Mỹ Lai.Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về Văn hóa Sa Huỳnh và nói đến Văn hóa Chăm Pa không thể không kể đến hệ thống thành lũy Chàm. Nói đến Quảng Ngãi người ta thường nghĩ ngay đến "núi Ấn sông Trà", khu kinh tế đầu tiên Việt Nam Dung Quất với thành phố Vạn Tường tương lai.

Sa Huỳnh:

Là một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, cực nam tỉnh Quảng Ngãi và cũng là tên một địa điểm khảo cổ học, nơi người ta đã tìm thấy các dấu vết của văn hóa Sa Huỳnh lần đầu được tìm thấy vào năm 1902 bởi nhà khảo cổ học Vinet. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc lái lại thành Sa Huỳnh.

Bãi biển Sa Huỳnh:

Từ Hà Nội bạn có thể đi ô tô hoặc xe lửa để tới Sa Huỳnh. Nếu đi xe lửa, tàu sẽ dừng tại ga Sa Huỳnh ở cây số 985. Bãi biển nằm sát quốc lộ 1, thật là một điểm du lịch lý tưởng. Chính vì vậy ngành Du lịch đã cho xây dựng motel Sa Huỳnh để đón khách dừng chân nghỉ lại đôi, ba ngày tắm biển cho lại sức, rồi tiếp tục hành trình.
Nếu đi đường biển, bạn có thể xuất phát từ cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn hay bất cứ cảng nào thuận tiện cho bạn rồi cập bến cảng Sa Huỳnh.

Vẻ đẹp Sa Huỳnh

Tiến sĩ khảo cố học Andreas Reinecke, thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức nâng chiếc bình gốm Sa Huỳnh còn nguyên vẹn với những vạch trang trí màu đỏ và nói bằng trung Việt rất rõ: “Quá đẹp, quá đẹp! Tuy không có những đền đài tráng lệ hoặc chữ viết như các nền văn minh lớn nhưng các vật trang sức của phụ nữ Sa Huỳnh đẹp không kém vật trang sức trên cổ của bất cứ qụý phi nào của nhà Tần hoặc các công chúa ấn Độ, Ba Tư, Ai Cập cùng thời”.
Được nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 tại Sa huỳnh, Quảng Ngãi. Nền văn hóa Sa huỳnh đã được các nhà khảo cổ trên thế giới chú ý nghiên cứu từ đó đến nay và ngày càng sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam. Xuất hiện cách nay sáu, bảy ngàn năm và kết thúc vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, văn hóa Sa Huỳnh đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh nam Trung bộ và Tây Nguyên.Với một sức sáng tạo mạnh mẽ và phong phú. văn hóa Sa huỳnh lan tỏa những nét đặc sắc nhất của mình ra khắp vùng Đông Nam á.
Trước năm 1975, các nhà khảo cổ trên thế giới chỉ biết đến văn hóa Sa Huỳnh qua hoạt động của cư dân đi biển. Họ chỉ lên đất liền đặc mai táng người chết trong những mộ chum. Những thộ chum được tìm thấy ở Palavan (philippines), Bondontaphet (Thái Lan), Sa Huỳnh (Việt Nam). Sau năm 1975 các nhà khảo cổ Việt Nam đã bỏ nhiều công sức tim hiểu, nghiên cứu nền văn hóa này và bước đầu đã có những đóng góp quan trọng giúp chúng ta có cái nhìn chính xác và toàn diện hơn về nền văn hóa Sa Huỳnh. Đặc biệt trong những năm gần đây, tại Hội An, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ cư trú của người Sa Huỳnh với nhiều hiện vật phong phú và đa dạng. Các phát hiện cho thấy người cổ Sa Huỳnh là những cư dân nông nghiệp, và đi biển chỉ là một trong những sinh hoạt của họ. Các đồng tiền Ngũ Thủ và Vương Mãng (đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên), các gương đồng của nhà Tây Hán có trong các mộ chum chứng tỏ họ đã có một nền sản xuất hàng hóa cùng với sự giao thương khá phát triển.
Người cổ Sa Huỳnh rất khéo tay và có mỹ cảm tuyệt vời. Các đồ gốm gia dụng đều đợc tạo dáng thanh nhã, cân đối, hoa văn phong phú, sinh động thể hiện một tâm hồn tinh tế và giàu xúc cảm.
Thủy tinh nhân tạo là một thành tựu rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh. đây là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm nhất trên thế giới. Chúng không những đa dạng về kiểu dáng mà còn phong phú về màu sắc như xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu. Sử Trung Hoa đã từng ghi chép về một chén thủy tinh xuất phát từ vùng đất này mà họ gọi là chén lưu ly với một sự trân trọng và khâm phục.

Nổi bật trong những vật trang sức của người Sa Huỳnh là khuyên tai ba mấu dành cho phụ nữ và khuyên tai hai đầu thú của nam giới. Nếu khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai hai đầu thú lại thể hiện chất dũng mãnh, kiêu hãnh và cường tráng của nam giới. Những vật trang sức chế tác từ đá, mã não và thủy tinh có thể nói là những tinh hoa đặc sắc nhất mà nền văn minh này sáng tạo ra và được phổ biến khắp vùng Đông Nam á . Người ta đã tìm thấy khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Đài Loan.
Xã hội Sa Huỳnh giai đoạn muộn là một xã hội phát triển khá cao. đang chuẩn bị để hình thành một nhà nước. Thanh gươm sắt đã xuất hiện phổ biến như một biểu tượng quyền lực. Tầng lớp quý tộc Sa Huỳnh ưa sự xa hoa lộng lẫy, ưa sự phô trương mà vẫn tinh tế, trang nhã. Quý tộc Đông Sơn chuộng đồ đồng, quý tộc Sa Huỳnh chuộng đồ ngọc.
Các nền văn minh lớn như Trung Hoa, ấn Độ đã gặp nhau ở đây với những cuộc trao đổi sản vật và cả văn hóa để chuẩn bị cho nền văn minh Chămpa rực rỡ sau đó.
Nghiên cứu nền văn hóa Sa Huỳnh đã có những bước tiến đáng kể nhưng những câu hỏi quan trọng nhất vẫn chưa có lời đáp. Ví dụ như Phải chăng chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh là tổ tiên trục tiếp của cư dân đã xây dựng nên Chăm pa? Người Chăm pa theo ngĩr hệ Nam Đảo, vậy người Sa Huỳnh cũng là Nam Đảo hay thuộc gốc Môn – Khmer bản địa ? Trong các hố khảo cổ đó là hai tầng văn hóa sắc nét gần như cùng thời nhưng không thể trộn lẫn vào nhau. Trong khi gốm Sa Huỳnh có bàn xoay, nhẹ lửa nhưng tinh tế, tạo dáng thanh thoát thì gốm Chăm pa xuất hiện sau nhưng lại không dùng bàn xoay và rất thô, dày, tạo dáng nặng và ít dùng hoa văn trang trí. Điều gì đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất và thế kỷ thứ hai ở vùng đất cửa Đại, sông Thu Bồn?

Núi Thiên Ấn

Núi Thiên Ấn có tục danh là núi Hó, từ xưa đã được xem là "đệ nhất phong cảnh" của tỉnh Quảng Ngãi với mỹ danh "Thiên Ấn niêm hà", tức ấn trời đóng trên sông. Sông ở đây là sông Trà Khúc, con sông lớn nhất tỉnh. Cùng với sông Trà, núi Thiên Ấn từ lâu đã trở thành biểu tượng của vùng đất Quảng Ngãi.

Thực ra, núi Thiên Ấn chỉ là một quả đồi cao trên trăm mét, nằm ở thị trấn Sơn Tịnh, bên bờ bắc sông Trà Khúc, có quốc lộ 24B áp sát chân núi, cách quốc lộ 1A khoảng 3km về phía tây. Do vậy, khách theo quốc lộ 1A vào Nam hay ra Bắc đều có thể thấy rõ núi Thiên Ấn. Muốn ghé thăm Thiên Ấn, từ ngã ba đầu cầu Trà Khúc trên quốc lộ 1A, rẽ sang quốc lộ 24B về hướng đông chạy xe ô tô chỉ khoảng năm mười phút là đến chân núi. Ðường lên đỉnh Thiên Ấn xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, độ dốc không cao, lòng đường rộng, đã trải nhựa nên xe các loại đều lên xuống dễ dàng.
Sở dĩ núi có tên là Thiên Ấn vì đỉnh núi rộng, bằng phẳng, nhìn xa giống như một cái triện lớn do trời sinh ra. Sườn núi Thiên Ấn có nhiều cỏ tranh, phía đông sườn núi có chùa Thiên Ấn nằm giữa lùm cây cổ thụ rậm rạp. Ngôi chùa cổ này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, đã được chúa Nguyễn ban cho biển ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn tự", năm 1717. Trong khuôn viên chùa có cái cái giếng cổ sâu hun hút tương truyền được đào quết nhiều năm liền, tục gọi Giếng Phật. Chùa còn có quả chuông lớn thỉnh về từ làng đúc đồng Chú Tượng năm 1845, dưới triều vua Thiệu Trị, tục gọi là Chuông Thần. Giếng Phật, Chuông Thần đều đã đi vào thơ ca và gắn với những huyền thoại lý thú, đi vào thơ ca vịnh cảnh Thủ khoa Phạm Trinh từng có câu: "Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt/ Chuông Thần đêm vắng giọng đưa thanh".
Phía đông chùa có khu "viên mộ" thiết diện hình lục giác, gồm nhiều tầng, là nơi an táng các vị sư trụ trì chùa. Ngoài ra, tại đỉnh Thiên Ấn, trên trảng đất bằng phẳng thoáng đãng phía tây còn có phần mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, là nơi được nhiều du khách viếng thăm.

Từ đỉnh Thiên Ấn du khách có thể ngắm nhìn cả một khoảng không gian bao la, hùng vĩ xung quanh. Nhìn lên: trời tây là rặng Thạch Bích như một bức thành sừng sững. Nhìn xuống hướng đông có thể thấy cửa Ðại Cổ Lũy, nơi có cảnh đẹp nổi tiếng "Cổ Lũy cô thôn", với mặt biển lấp lánh. Nhìn về hướng bắc, tây bắc sẽ thấy nổi lên giữa đồng lúa xanh tươi dãy núi Long Ðầu với mình rồng uốn lượn. Nhìn về hướng nam núi Thiên Bút với cái mỹ danh "Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây) hiện lên giữa phố phường tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Gần hơn là cầu Trà Khúc, sông Trà Khúc, nổi lên giữa những dải cát trắng, từng là nguồn cảm hứng cho hai bài thơ hay nhất của thi sĩ Cao Bá Quát: Trà Giang dạ bạc và Trà Giang thu nguyệt ca. Quả Thiên Ân không hổ danh là "đệ nhất thắng cảnh" của tỉnh Quảng Ngãi, là di tích quốc gia đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận từ năm 1990.

Q.T(tổng hợp)