itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Giữ gìn Hồn Việt bên trời xa

Giữ gìn Hồn Việt bên trời xa

Sinh viên Việt tập cho sinh viên Mỹ

cách cầm đũa

Bên một góc nhỏ của khuôn viên sân trường đại học Arizona, tự nhiên có sự xuất hiện của một cây nêu xanh, dù là cây tre bằng nhựa nhưng cũng gây sự chú ý. Đó là dấu hiệu của khoa tiếng Việt (trong hệ thống 9 trường đại học Mỹ) chuẩn bị Tết nguyên đán cổ truyền Việt Nam. Đây là một chương trình được hợp thức hóa là "Giờ tiếp cận với nền văn hóa Việt Nam" theo tiêu chuẩn bắt buộc trong hệ đại học cho mọi ngoại ngữ được công nhận đào tạo cấp đại học ở Hoa Kỳ.

Từ niên khóa 1994-1995 đã có trên 2.000 sinh viên các nước nhập cư và cả Hoa Kỳ ghi danh theo học ngọai ngữ Việt, nhưng theo cô giáo tiếng Việt, Lê Thúy Kim thì con số này đến nay đã tăng lên gấp 4 lần, cùng với số trường đại học có mở thêm khoa tiếng Việt cũng được tăng theo.

Tuy Tết Nguyên đán năm nay, không trùng khớp với ngày nghỉ cuối tuần hay một ngày lễ gì theo dương lịch, nhưng do nhu cầu ứng dụng bài học, Khoa tiếng Việt cũng được nghỉ học và tổ chức đón Tết truyền thống Việt theo âm lịch. Trường hợp mở đầu tiêu biểu này, cũng được các trường đại học có khoa tiếng Việt ở Pháp, Bỉ hay Đức noi theo mà linh hoạt tổ chức Tết cổ truyền cho sinh viên cùng bà con xa xứ.

TS. Nguyễn Tiến Hữu, trưởng khoa tiếng Việt và khoa Việt Nam học ở trường đại học Passau ở Đức, cho biết: "Tổ chức Tết Việt tha phương ở Đức, có hai thứ "gay": một là rượu Làng Vân chỉ trông cậy vào nhà nào có mang sang còn giữ lại, có rượu của quê mình thì Tết mới có hương vị độc đáo của quê hương; hai là tìm thuê mặt bằng, vứa khó vừa đắt, lại còn lo bị phạt vì xả rác, nên Tết thường tổ chức lẻ tẻ. Tết mà không hội tụ được, thì thiếu ý nghĩa, quả là một thiệt thòi".
Với thế giới ngày nay, bên cạnh chương trình đào tạo sinh ngữ Việt hệ đại học 4 năm, còn có tổ chức yểm trợ GUAVA-Group of Universities for Advanced Vietnamese study Abroad(tạm dịch là " Khối đại học yểm trợ mở rộng nghiên cứu tiếng Việt") đã tạo cơ hội cho sinh viên các nước theo học khoa tiếng VIệt, làm quen với văn hóa Việt. Dịp tốt nhất để sinh viên tìm hiểu văn hóa, chiều sâu ngôn ngữ Việt là cùng sinh hoạt với Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt.
Sau đây là một trong những chương trình cụ thể tại sân trường đại học Arizona, do sinh viên người Mỹ, anh Paul nay đã lấy tên Việt là Lê Việt Thắng dựng kịch bản và làm MC luôn - tất nhiên là mọi chi tiết đều bằng ngôn ngữ Việt.

Hội Xuân khoa tiếng Việt đại học ARIZONA

Bắt đầu từ lúc 10 giờ tối, giáo sư trưởng khoa, ông Miller trình bày khái quát lịch sử văn hóa Việt Nam. Sau đó là múa lân bằng nghệ thuật rối nước, các trò chơi dân gian: xếp lồng đèn giấy, tự họa chân dung lên trái cây trên cành, viết câu đối Tết bằng thư pháp... Đến 12 giờ, GS Alain Hồ thực hiện tiết mục mô phỏng về lễ hội đón giao thừa, gồm lễ cúng gia tiên với bánh dầy, bánh chưng, biểu diễn lễ phục tiêu biểu, khăn đóng áo dài, áo tứ thân, nón Thượng quai thao, nón lá Huế... Sau lễ nghi cúng giao thừa là cuộc thi cầm đũa gắp dưa món, vừa thưởng thức món Tết như thịt đông dưa chua, bánh tét, xôi nếp, củ kiệu tôm khô...; vừa xem biểu diễn dân ca Quan Họ Bắc Ninh, ngâm thơ, hò vè và vọng cổ Nam bộ.
MC Paul Lê Việt Thắng đã được yêu cầu hát bài thơ phổ nhạc của Nguyễn Bính "Gái xuân", hát xong anh đã tiết lộ về cái tên mới của mình, rằng "Lê là lấy theo họ của cô giáo dạy tiếng Việt Lê Thúy Kim, còn Việt Thắng là Việt Nam đã đánh thắng thời chiến tranh; nay hòa bình phát triển, người nước ngoài, ai có tiếng Việt thì sẽ thắng trên thương trường VIệt Nam".

Bên cạnh khoa tiếng Việt của các trường đại học, hầu hết các hội đồng hương cũng có tổ chức đón Tết cổ truyền cho những bà con chưa tiện về quê đón Tết. Hội Tết đông vui đã được bắt nguồn từ những nếp gia đình ấm áp, các bậc cao niên đã biết hun đúc, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc cội nguồn cho các thế hệ cháu con...
Nếu phía bên trời xa, người Việt hải ngoại gìn giữ được âm sắc hồn Việt để mà vui xuân đón mừng năm mới, thì bên này Tổ Quốc Việt Nam cũng đã có được niềm hãnh diện, tự hào vì đã có được đàn con cháu hơn 3 triệu người viễn xứ, luôn tưởng nhớ, nâng niu nguồn cội ...

Theo VietNamNet / Người Viễn Xứ